12/12/2019 11:22 GMT+7

Trạm phát sóng Bạch Mai: Chứng tích lịch sử không thể mất

NGỌC LƯU
NGỌC LƯU

TTO - Có thể sẽ phải chia tay trạm phát sóng Bạch Mai, nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập - tôi không khỏi bùi ngùi trước thông tin này. Tôi nghĩ đó là tâm trạng của hàng chục triệu người Việt bởi đây là một chứng tích lịch sử nước nhà.

Trạm phát sóng Bạch Mai: Chứng tích lịch sử không thể mất - Ảnh 1.

Tòa biệt thự Pháp cổ - từng là nơi phát đi bản tin đặc biệt như một mật lệnh toàn quốc kháng chiến - nằm trong lòng đường của dự án đường trên cao đang được xây dựng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Và tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, giám đốc dự án của Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - với những phương án di dời để giữ lại công trình có giá trị lịch sử lớn lao này.

“Vướng quy hoạch, vì sự phát triển người ta phải phá đi nhiều thứ. Nhưng những thứ thuộc về lịch sử dân tộc mình không thể để mất. Trước tiên phải từ trong cách nghĩ và quyết tâm lưu giữ chứng tích lịch sử cho đời sau.

Họ đã lưu giữ những gì?

Tôi có nhiều bạn bè quốc tế và luôn được họ tự hào giới thiệu về những di tích lịch sử đất nước họ. Những ngày đến thủ đô nước Ý, cô bạn giáo sư - nhà báo hãnh diện đưa tôi đi đến những công trình kiến trúc đồ sộ hàng ngàn năm. 

Dạo quanh những con đường nhỏ cạnh Bảo tàng Vatican hay đấu trường La Mã, cô đã chỉ cho tôi những ngôi nhà khiêm tốn được gắn bảng nho nhỏ lại chứa nhiều câu chuyện lịch sử. Cô nói, ba đứa con nhà cô từ hồi mẫu giáo đã được thường xuyên đi bảo tàng, nông trại hay ghé thăm những điểm đến lịch sử văn hóa này.

Hồi đến Brugge, Gent - hai thành phố nhỏ của nước Bỉ, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn ngắm từ trạm xe buýt, ga tàu lát đá tảng từ vài trăm năm trước... Rồi Hà Lan có những góc nhỏ như một vòi nước công cộng được làm ra từ thời xưa thật xưa. Bao lần tôn tạo cảnh quan, xây dựng thành phố, người ta vẫn giữ chúng lại với thông tin về những câu chuyện lịch sử ngàn năm qua.

Lại nhớ đến việc tái cấu trúc, chuyển đổi công năng cho tòa nhà phức hợp đầu tiên của TP Seoul (Hàn Quốc) - Sewon. Tại tầng đầu tiên, người dân được tiếp cận khu trưng bày địa chất và những biến đổi theo thời gian từ 2.000 năm trước cùng những cổ vật được khai quật khi xây dựng tòa nhà.

Cũng tại Hàn Quốc, ở thành phố "bảo tàng không có những bức tường" Gyeongju, những nhóm trẻ tuổi lên 3-4 nối đuôi nhau tiến về chiếc chuông cổ được đúc từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên thường được gióng lên những thanh âm xa xưa khi đất nước có sự kiện trọng đại. 

Học sinh trung học khắp nơi ghé thăm đài thiên văn đơn giản có niên đại hơn 2.000 năm giữa quần thể gồm các cánh đồng hoa được thay đổi theo mùa, rừng thông nối liền với những di tích khác. Họ cũng được tận mắt nhìn các nhà khảo cổ hãy còn miệt mài đào bới - đánh dấu, phân tích lăng mộ mới.

Đến Đài Bắc, tôi cũng mải mê với những khu cảnh quan, không gian văn hóa được chuyển đổi công năng mà các nhà quy hoạch đô thị, quản lý văn hóa - kinh tế - du lịch - công nghiệp sáng tạo đã khéo léo bắt tay nhau. 

Người trẻ chỉ cần có thời gian là chẳng thiếu nơi lui tới, tìm hiểu về lịch sử, thậm chí chỉ để giải trí, vui chơi trong sự tương tác của cảnh quan mang dấu ấn văn hóa. Du khách thì tha hồ tận hưởng, hít hà những điều mới mẻ, mãi chưa muốn về.

Những điều không thể đánh mất

Tôi tin rằng nhu cầu được tiếp cận kiến thức về lịch sử, điển tích văn hóa của người Việt chẳng kém cạnh bạn bè thế giới. Chỉ là, hiện tại hình thức để người dân đến gần văn hóa, lịch sử dân tộc còn quá nghèo nàn, đến mức người ta không biết đâu là của mình, cái nào của người.

Chúng ta cần có những vật phẩm, di cảo, di tích để so sánh, đối chiếu, dựa vào. Nếu di sản không được gìn giữ thì gốc rễ, cội nguồn cũng mai một dần, người Việt lại chao đảo như con thuyền không bến, chẳng biết mình đến từ đâu, đi về đâu.

Và câu chuyện tòa biệt thự ở ngõ 128C Đại La, trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7-9-1945 không còn "yên vị" sẽ là tiếc nuối của bao người. Đành rằng, cùng với sự phát triển, mọi thứ sẽ thay đổi. Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, người dân sẽ đi về nhanh hơn hằng ngày. Và chúng ta sẽ di dời hay lưu giữ gì cho mai sau câu chuyện lịch sử rất đặc biệt ở ngôi nhà đặc biệt này.

Tôi muốn nói về cái cách chúng ta ứng xử với chứng tích lịch sử dân tộc, đó là một trong những cách để mọi người học lịch sử và nuôi lớn lòng tự hào dân tộc. Mỗi khi thấy trẻ con nước bạn say mê với các điểm đến lịch sử của họ, tôi ước mình từng được tham dự những tiết học như ghé thăm chùa Cầu hay những ngôi nhà cổ, cả mấy góc phố, bảng hiệu có từ vài trăm năm trước ở Hội An (Quảng Nam) quê mình. 

Trẻ con quê tôi đến bây giờ cũng chỉ quẩn quanh trong trường với sách với vở, nhiều nhất là ghé ra làng rau Trà Quế. Và trẻ con cả nước cũng vậy. Những kiến thức lịch sử có thể từ chứng tích vẫn còn là chuyện xa xôi.

Phải thừa nhận nước bạn quy hoạch đô thị, di tích quá giỏi, tạo điều kiện cho người dân, du khách yêu từng mẩu cổ vật cho đến một địa danh. Nghĩ về câu chuyện trạm phát sóng Bạch Mai và cách làm của chúng ta, thấy để học lịch sử bằng thực tế sinh động sao khó quá!

Trạm phát sóng Bạch Mai cũng là nơi phát thanh viên Ngân Thanh, phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam, đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La, được xây dựng từ năm 1912, sẽ bị tháo dỡ do vướng quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội.

Hà Nội có thể di dời trạm phát sóng Bạch Mai Hà Nội có thể di dời trạm phát sóng Bạch Mai

TTO - Hà Nội có thể chọn di chuyển ngôi nhà cổ đến một địa điểm mới mà không tốn quá nhiều tiền, thậm chí có thể thu được tiền ngay sau đó. Để có được điều này thì Hà Nội cần tài chính, công nghệ và đổi mới quản trị.

NGỌC LƯU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên