Hình ảnh Trạm vô tuyến điện báo với 4 cột sóng lớn lên tem bưu chính Đông Dương - Ảnh tư liệu do KTS Trần Huy Ánh cung cấp
Như trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Văn Uẩn, đây là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10-1912.
Nơi phát đi Tuyên ngôn độc lập và mật lệnh toàn quốc kháng chiến
Theo KTS Trần Huy Ánh, về kiến trúc, ngôi biệt thự cổ sắp bị đập bỏ rất đẹp, rất có giá trị. Ngoài ra, với chức năng phát thông tin bằng sóng vô tuyến điện tới toàn vùng Đông Dương và các nơi trên thế giới, trạm này trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.
Hiện các cột phát sóng và một số công trình thuộc trạm này đã bị tháo dỡ, nhưng vẫn còn lại vài biệt thự Pháp cổ lẫn giữa khu dân cư mới và một tòa nhà hành chính một tầng mà trên "trán" của công trình vẫn còn ghi "Trạm vô tuyến điện báo" bằng tiếng Pháp.
Không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20, trạm vô tuyến điện này còn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thời kỳ non trẻ.
Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên trưởng ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, người tham gia viết các cuốn sách lịch sử về đài - cho biết sau Cách mạng Tháng Tám, trạm vô tuyến điện được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh quốc gia. Một số máy phát vô tuyến điện của trạm được cải tiến thành máy phát sóng phát thanh.
Ông Nuôi kể rằng kế hoạch ban đầu của chính quyền cách mạng là phát sóng trực tiếp lễ Quốc khánh 2-9-1945 ra cả nước nhờ trạm phát sóng trên phố Đại La.
Dây cáp làm đường truyền dẫn được nối từ lễ đài Ba Đình tới tòa nhà nay là Bộ Ngoại giao (phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình) để truyền về trạm vô tuyến điện trên phố Đại La (sau 1945 được gọi tên là Đài phát sóng Bạch Mai) để phát đi cả nước. Tuy nhiên kế hoạch không thành công, chỉ phát sóng được ở gần khu vực Ba Đình.
Vì vậy, bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh quốc gia vào 11h30 ngày 7-9-1945 chính là bản tin các phát thanh viên Ngân Thanh, Nguyễn Văn Nhất đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại phòng bá âm (studio) ở số 4 Phạm Ngũ Lão, truyền qua đường dây cáp tới Đài phát sóng Bạch Mai để phát sóng.
Trạm phát sóng này đã là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7-9-1945.
Và chính tại ngôi biệt thự Pháp cổ còn sót lại của trạm vô tuyến điện còn ghi dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt, nơi phát thanh viên Ngân Thanh (con gái nhà giáo Dương Quảng Hàm) - phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam - đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, bản tin mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Tòa nhà biệt thự Pháp cổ này là nơi phát đi bản tin đặc biệt như một mật lệnh toàn quốc kháng chiến - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Có thể bảo tồn?
Về hai công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai sắp bị đập bỏ, KTS Phạm Thúy Loan - phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia - cho biết theo bản quy hoạch Viện Kiến trúc quốc gia có trong tay, tòa biệt thự Pháp cổ hoàn toàn nằm trong lòng đường của dự án đường trên cao đang được xây dựng, còn tòa nhà một tầng mà trên "trán" còn biển tên Trạm vô tuyến điện báo, cách biệt thự cổ vài trăm mét có một góc nhà sẽ nằm trên vỉa hè con đường mới.
Theo KTS Loan, từ khâu lập quy hoạch và xác định chỉ giới giải tỏa hành lang giao thông đã không xem xét yếu tố bảo tồn nên xảy ra câu chuyện đáng tiếc khi các tòa nhà rất có giá trị lịch sử và kiến trúc này đối mặt với nguy cơ bị giải tỏa.
Tuy nhiên, phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia gợi ý một số giải pháp "chữa cháy": tòa nhà một tầng chỉ phạm vào vỉa hè một góc nhà nên cân nhắc bảo tồn ngôi nhà này và có thể biến thành một phòng truyền thống, một bảo tàng nhỏ về trạm vô tuyến.
KTS Trương Ngọc Lân (khoa kiến trúc và quy hoạch ĐH Xây dựng) cũng cho rằng nếu vỉa hè lớn và việc giữ lại tòa nhà vẫn đảm bảo còn chút vỉa hè cho người đi bộ thì nên giữ lại tòa nhà này. Còn với tòa biệt thự Pháp cổ nằm trong lòng đường, cả hai KTS Phạm Thúy Loan và Trương Ngọc Lân đều cho rằng khó bảo vệ tại chỗ.
Bà Loan nói việc "nắn" quy hoạch để tránh việc phá hủy ngôi nhà về nguyên tắc là có thể làm nhưng trong trường hợp này khá khó khăn vì tòa nhà gần ngã tư, cần phải tính toán kỹ, các bên liên quan phải ngồi cùng các chuyên gia để "cân" các yếu tố.
Một giải pháp khả thi hơn theo bà Loan là di chuyển tòa nhà này sang vị trí khác, điều mà nhiều nước có chính sách phát triển ưu tiên bảo tồn di sản sẽ lựa chọn. Tuy nhiên giải pháp này cần một kinh phí không nhỏ.
Gần 20h ngày 19-12-1946, trong căn phòng dưới tầng 1 của ngôi biệt thự, bên chiếc micro đặt trên chiếc bàn kê sơ sài, bà Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt: "Đồng bào chú ý. Tiếng đại bác đã nổ. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe mệnh lệnh chiến đấu... Buổi phát thanh phải tạm dừng ở đây, mời đồng bào đón nghe bản tin vào 6h sáng ngày mai"...
Sau này, duyên nợ thế nào vợ chồng bà Ngân Thanh lại được Đài Tiếng nói Việt Nam phân cho chính tầng 1 của ngôi biệt thự cổ, đúng căn phòng bà đã ngồi đọc bản tin đặc biệt trong một khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử đất nước.
Đề nghị dựng biển di tích
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Kỷ - tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - cho biết những dịp kỷ niệm 50 năm (năm 1999) và 60 năm (năm 2009) thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, đài có gửi văn bản đề nghị lên UBND TP Hà Nội có biện pháp bảo tồn các di tích lịch sử của đài, trong đó có Trạm phát sóng Bạch Mai, nhưng việc này chưa nhận được sự quan tâm của thành phố.
Đài rất khó làm gì bởi các công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai đã thuộc sở hữu của tư nhân hoặc cơ quan khác. Vì vậy, khi nghe thông tin căn biệt thự Pháp cổ và công trình nhà một tầng do người Pháp xây dựng thuộc Trạm Bạch Mai sẽ bị dỡ bỏ để làm đường trên cao, dù rất tiếc nuối nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phải "đồng ý với thành phố".
Ông Kỷ cũng cho biết trụ sở chính của đài hiện nay ở 58 Quán Sứ hơn chục năm trước đã không giữ được các biệt thự Pháp cổ (vốn là Đài Con Nhạn của Pháp) vì xây trụ sở mới.
Thế nên, những dấu tích lịch sử về những ngày đầu thành lập của Đài Phát thanh quốc gia đến nay chỉ còn lại mấy công trình ở Trạm Bạch Mai nhưng cũng không thể giữ. Ông Kỷ cho hay đài đang đề nghị TP Hà Nội dựng biển di tích ghi lại lịch sử của trạm phát sóng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận