24/09/2020 06:32 GMT+7

Trăm năm lái phà đưa đón khách sang sông

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - "Đam mê của tui bắt đầu từ những lần đem cơm cho cha, bận đó ổng đang làm thuyền trưởng lái phà. Mặc dù chỉ được cha cho sờ bánh lái, tui đã mê tít thò lò....

Trăm năm  lái phà đưa đón khách sang sông - Ảnh 1.

Những chuyến phà miền Tây gắn bó với bốn thế hệ gia đình anh Nguyễn Nhựt Sơn - Ảnh: THÀNH NHƠN

"... Máu nghề truyền qua các thế hệ hay sao đấy nên gia đình tui ai cũng mê rồi sống chết với việc đưa khách sang sông này".

Thuyền trưởng Nguyễn Nhựt Sơn (40 tuổi) vừa lái phà Sa Đéc cập bến vừa hào hứng chia sẻ. Điều đặc biệt là cả 4 thế hệ gia đình anh làm thuyền trưởng. Từ đời ông cố đến đời chắt đều gắn bó với con nước lớn, nước ròng cùng những chuyến phà ngang.

Mình muốn tụi nó có cái nghề để mần kiếm cơm. Hơn nữa cũng là duy trì truyền thống lái phà của gia đình, để con cháu giữ lấy cái nghề của cha ông ngày xưa.

Ông Đường chia sẻ

Đời người, đời phà

Chạy theo con đường nhỏ gần phà Cao Lãnh, men theo mấy vườn xoài trĩu quả, tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Vân (69 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), con gái của ông Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1906). Ông Nam chính là cố của anh Nguyễn Nhựt Sơn và là người đầu tiên của dòng họ làm công việc lái phà.

Bà Vân khi nghe tôi muốn tìm hiểu việc lái phà của cha mình liền xúc động kể chuyện xưa. Cha bà là một trong những thuyền trưởng hiếm hoi lái phà Cao Lãnh những năm 1930. Do tính chất công việc nặng nhọc và lương không bao nhiêu nên dân quanh vùng không mấy ai mặn mà theo nghề này.

Thời điểm đó, người dân chủ yếu sử dụng ghe, xuồng qua lại đôi bờ nên nhu cầu sử dụng phà chưa nhiều. "Thời xưa phà nhỏ lắm, chứ không tân tiến như bây giờ. Phà chỉ có một đầu cho xe lên, xuống thôi. Ngoài ra, cầu phao cũng hẹp nên mỗi lần xe lên là anh em thủy thủ phải cùng nhau đẩy, thuyền trưởng nhiều khi phải xuống phụ một tay. Nhớ có lần cha tui bị giập bàn chân, tưởng đâu què phải cắt bỏ luôn" - bà Vân nhớ lại.

Do bên sông không có chợ nên sáng sớm người dân thường "lụy" phà qua bờ Cao Lãnh ngày nay để đi chợ. Ngày xưa cũng không có phòng vé như hiện giờ, người dân xuống phà rồi mới phải trả tiền.

Phà chỉ chạy từ sáng đến khoảng 18h là ngừng, đêm xuống người ta cắt cử người canh giữ bến để phòng trường hợp khẩn cấp đưa quân hay bệnh nhân cấp cứu sang sông. "Cha tui ổng mê lái phà dữ thần, ôm cái vôlăng đến tận những năm cuối đời. Tui còn có anh trai, tức anh Nhung, cũng ghiền và theo nghề sông nước của cha" - bà Vân chia sẻ.

Thời điểm những năm trước 1975, lương thuyền trưởng vừa đủ cho cuộc sống gia đình. Bà Vân vẫn nhớ như in bao lần ra bến đem cơm cho cha và anh, lần cha bị té sông ngay trên phà năm 1971.

"Lần đó không hiểu đi đứng kiểu gì mà cha tui té xuống sông, cà mèn cơm với cái nón nỉ ổng hay đội trôi theo dòng nước mất biệt. Về nhà quần áo ướt nhẹp, mấy người xúm lại chọc ổng quá trời" - bà Vân bồi hồi nhớ lại.

Năm 1973, tận 67 tuổi, ông Nam mới nghỉ lái phà do sức khỏe yếu, nhưng người con trai Nguyễn Văn Nhung (sinh năm 1935) đã nối nghiệp cha đưa khách sang sông.

"Anh Nhung lên Sài Gòn học lấy bằng thuyền trưởng hẳn hoi à nghen. Lúc lấy được tấm bằng thuyền trưởng, ổng mừng lắm, khoe hết xóm giềng. Như cha tui vậy đó, ổng cũng máu me với nghề lái phà dữ lắm" - bà Vân kể lại câu chuyện xưa.

Cũng như cha mình, ông Nhung chọn gắn bó cả đời với nghiệp cầm vôlăng phà. Những con nước lớn, nước ròng rồi mùa nước đổ mạnh, ông vẫn chặt tay lái đón đưa khách qua lại hai đầu bến an toàn.

"Nhiều khi tôi chứng kiến ảnh chưa ăn xong chén cơm mà bến phà có việc gấp là vội bỏ đũa chạy ra mần. Mẹ tui cũng hiểu tính nết, biết máu mấy ổng nên luôn ủng hộ" - bà Vân tâm sự.

Trăm năm  lái phà đưa đón khách sang sông - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Cẩm Đường và con trai Nguyễn Nhựt Sơn tại cầu phà Cao Lãnh, nơi hai cha con từng làm việc - Ảnh: THÀNH NHƠN

Nặng nợ với cái bánh lái

Đến nay, ông Nguyễn Cẩm Đường (64 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh), cha anh Sơn, cũng đã nghỉ hưu nhưng vẫn hay hỏi han con cái chuyện bến phà. Là con trai ông Nhung, tức cháu nội ông Nam, thế hệ thứ ba là ông Đường vào bến phà từ năm 1973 và trải qua nhiều việc khác nhau trước khi chính thức cầm lái phà.

Năm 1978, ông Đường theo học khóa đào tạo thuyền trưởng, lấy bằng rồi làm nghề cho đến năm về hưu. "Trước đó, chú có kinh nghiệm học lỏm từ cha rồi nên vô học tiếp thu nhanh lắm. Học lý thuyết rồi ra bến phà thực hành mỗi ngày, lấy cái bằng ngon ơ. Sau này, chú trực tiếp hướng dẫn thế hệ kế cận rồi trở thành đồng nghiệp luôn" - ông Đường bộc bạch.

Đến đời ông Đường, phà vẫn thô sơ lại hay hỏng vặt. Sau năm 1975, phụ kiện thay thế không có nên nhiều thời điểm thuyền trưởng, thợ máy phải mướt mồ hôi sửa chữa. "Phà chạy xịt đụi lắm, mấy hôm nước đổ có khi trôi xuống tận dưới Sa Đéc. Máy móc cũ kỹ, có ngày chảy ra cả phuy nhớt. Có thời điểm phà 4 chân vịt thì hư hết 3, ra vô bến vô cùng khó khăn" - ông Đường kể chuyện xưa.

Cũng theo ký ức ông Đường, thời điểm những năm đầu 1970, phà Cao Lãnh chỉ có 3 phà nhỏ trọng tải 25 tấn, nhưng lúc này phà đã có 2 đầu cho xe lên xuống thuận tiện. Khoảng những năm đầu giải phóng mới có phà 60 tấn và mãi tận thời điểm 1990 mới có những chuyến phà lớn 100 tấn đầu tiên.

Nếu trước đây phà hoạt động từ 5h sáng đến khoảng 9h tối thì sau đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, đã hoạt động 24/24h. "Thời điểm 1972, toàn bến phà chỉ có 18 người cả sếp và nhân viên, thủy thủ, thuyền trưởng. Mỗi kíp trực cũng chỉ có thuyền trưởng, thợ máy cùng 2 thủy thủ.

Thuyền trưởng nhiều khi phải đảm nhận luôn việc tiếp dầu cho phà" - ông Đường nhớ lại và kể thêm nghề này cực nhọc, thức đêm thức hôm đưa khách sang sông nhưng bù lại có những niềm vui khó tả hết. Nhiều trường hợp bà con bệnh hoạn, phải cấp cứu, lái kịp phà đưa họ sang sông là thấy vui trong lòng ...

Những ngày cuối tháng 8, phà Cao Lãnh - nơi bốn thế hệ gia đình cùng gắn bó - dừng hoạt động. Thời điểm phà hoàn thành sứ mệnh đưa khách sang sông, anh Nguyễn Nhựt Sơn - đời lái phà thứ tư trong gia đình - dẫn theo cậu con trai đến cầu phà để chia sẻ nỗi niềm với anh em, đồng nghiệp.

Chuyển về phà Sa Đéc từ ngày cầu Cao Lãnh khánh thành, nhưng cái cảm giác giã biệt những chuyến phà đã gắn bó với gia đình mình vẫn khiến anh Sơn bùi ngùi. "Không cảm xúc sao được khi ông cố, ông nội, cha và tôi đều gắn đời mình với nó. Trăm năm chứ đâu phải một ngày, năm ngày đâu mà không buồn" - anh Sơn bồi hồi chia sẻ.

Anh Sơn hiện vẫn cầm bánh lái tại phà Sa Đéc, vẫn nối tiếp công việc của gia đình. "Nghề này không đam mê thì khó gắn bó lâu dài được.

Nhiều người có bằng thuyền trưởng thì bỏ ra làm tư nhân, chạy tàu sông lớn với lương cao ngất ngưởng. Tui vẫn chọn lái phà vì trót đam mê, hơn nữa là gần vợ con, cha mẹ và phục vụ cho dân quê mình" - anh Sơn trải lòng.

Trời chiều dần nghiêng, dòng người hối hả rời phà. Trong cabin, người thuyền trưởng đời thứ tư mỉm cười nhìn con nước lớn đang về...

Ba người con đều làm thuyền trưởng

thuyentruong_7 nhon 1(read-only)

Anh Nguyễn Nhựt Sơn lái phà Sa Đéc, nối nghiệp gia đình với 4 đời làm thuyền trưởng - Ảnh: THÀNH NHƠN

Ngoài anh Nguyễn Nhựt Sơn, hai người con trai khác của ông Nguyễn Cẩm Đường đều từng học và được cấp bằng thuyền trưởng.

"Chắc còn nặng nợ với cái bánh lái nên không nỡ rời đi. Còn sức khỏe là tui còn gắn bó với những chuyến phà ngược xuôi quê mình" - anh Nguyễn Nhựt Sơn nói.

Bùi ngùi giã biệt phà Cao Lãnh Bùi ngùi giã biệt phà Cao Lãnh

TTO - "Khách hôm nay đông quá, mà sao lòng lại bùi ngùi. Dẫu biết cầu đường mở mang thì phà phải lùi vào dĩ vãng, nhưng lòng vẫn buồn kỳ lạ" - anh Nguyễn Văn Tính, thuyền trưởng phà Cao Lãnh, vừa tâm sự vừa nhìn những bóng khách cuối cùng rời phà.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên