Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 1.

Lý giải vì sao Dạ cổ hoài lang lại có sức ảnh hưởng lớn và trở thành gốc rễ để các nhạc sĩ sau này phát triển thành bài vọng cổ, bài ca vua trong phong trào đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, nguyên trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM, phân tích: 

"Trong Dạ cổ hoài lang có nhiều câu tương tự như bản Hành vân và các điệu lý Nam Bộ. Chẳng hạn, câu "Là nguyện cho chàng" rất giống câu "Là hội ca cầm" trong bài Hành vân; câu "Em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau..." tương tự câu "Thương nhớ thương trong lòng, trong lòng tôi thương..." trong bài Lý chiều chiều... 

Những bài bản, điệu lý này người dân Nam Bộ nằm lòng nên Dạ cổ hoài lang ra đời người ta dễ tiếp nhận, nhanh chóng đi vào lòng người".

Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 2.

Ông Khải nhớ lại nhà nghiên cứu Đắc Nhẫn từng nhấn mạnh rằng thời điểm ra đời bài Dạ cổ hoài lang cũng là thời kỳ Đệ nhất thế chiến, những năm Pháp tổng động viên quân đội, ráo riết bắt đàn ông đi lính.

Ông Cao Văn Lầu có thời gian làm văn thư, bên cạnh nỗi niềm chia ly với người vợ son sắt, hằng đêm ông chứng kiến cảnh bắt lính, người vợ chờ chồng, nên cũng có thể cảm xúc cộng dồn để viết nên bài ca này.

Loạn lạc triền miên, người đàn ông dù không muốn cũng bị bắt ra trận, những người vợ đêm đêm nhớ chồng nên khi Dạ cổ hoài lang ra đời họ đã có sự đồng cảm sâu sắc, bởi đó chính là nỗi lòng của họ, quặn thắt trong nỗi chia ly.

"Giá trị của bài Dạ cổ hoài lang là kế thừa và phát huy được hai dòng nhạc: nhạc cung đình miền Trung được đưa vào dân gian và âm hưởng của các điệu lý Nam Bộ. Bài ca là nỗi lòng khắc khoải của người chinh phụ trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh tích tụ.

Dạ cổ hoài lang có cách cấu trúc, phát triển tương tự như một ca khúc, là một giai điệu không thể sửa đổi, không thể ca khác được. Nhưng khi từ nhịp hai (đôi) được các nhạc sĩ mở ra nhịp tư mà người ta gọi là Vọng cổ hoài lang và sau đó là vọng cổ thì đã không phải là ca khúc nữa mà theo cấu trúc mở, mở ra con đường để người ta sáng tạo.

Nhịp tư là quan trọng nhất, là phát pháo (khúc thức nhạc) đầu tiên để các nhạc sĩ tiếp tục mở ra đến nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32... Nó mở để cả người đờn, người ca đều có thể sáng tạo, bay bổng, không gò bó" - nhạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ.

Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 3.
Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 4.

Những năm 1990, tác giả Thanh Hoàng tập tành viết kịch bản. Chưa bao giờ đi Mỹ nhưng có điều kiện tiếp xúc với những Việt kiều Mỹ, những gia đình có người thân đi Mỹ, Thanh Hoàng đã nảy ra ý tưởng viết một kịch bản về những ông già Nam Bộ sang Mỹ sinh sống với con cháu, với những nỗi niềm khi bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, sự khác biệt về văn hóa với con cháu ở đất nước xa lạ. Vở chỉ có bốn nhân vật ông Tư, ông Năm, cô cháu gái và bạn trai của cô cháu gái.

Vì viết về ông già Nam Bộ nên Thanh Hoàng bắt đầu tìm kiếm một cái gì đó, biểu tượng gì để nghe là nghĩ tới người Nam Bộ. Thế là anh tìm đến cải lương, rồi anh nghiên cứu về vọng cổ và phát hiện bài Dạ cổ hoài lang - đường dẫn cảm xúc cho các nhân vật đau đáu tình quê của mình.

Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 5.

Với NSƯT Thành Lộc, vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang là nhân vật anh diễn nhiều nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. 

Tính luôn từ sân khấu 5B đến Idecaf, Thành Lộc đã có gần 700 suất diễn khóc cười cùng nỗi niềm khắc khoải của người đàn ông phải sống xa quê hương ở tuổi xế chiều.

Nhớ về lần đầu nhận được kịch bản Dạ cổ hoài lang từ đạo diễn Công Ninh, Thành Lộc kể: "Lúc đầu kịch bản cũng chưa hoàn hảo lắm nhưng khi đọc tôi thấy xúc động vì rất nhiều người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng đều có người thân sống ở hải ngoại nên Dạ cổ hoài lang đã chạm mạnh đến vùng cảm xúc đó. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến bài Dạ cổ hoài lang.

Vậy là tôi quyết định đi tìm cho mình một ông sư phụ để học hát bài này. Tôi tìm gặp cố NSƯT Tấn Đạt của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Thầy cho tôi nghe băng thầy đã thu bài Dạ cổ hoài lang, hát đúng 22 câu như bản gốc. Khi diễn trên sân khấu tôi cũng hát đầy đủ 22 câu!".

Vốn là con nhà nòi (Thành Lộc là con trai cố NSND Thành Tôn) nên việc học bài hát không khó với Thành Lộc, nhưng anh đã cất công nghiên cứu cách hát để Dạ cổ hoài lang có một dấu ấn riêng và điểm nhấn thật đắt giá trong vở kịch, chuyển tải được trọn vẹn tâm hồn, nỗi niềm của ông Tư.

"Giữa câu "Báu kiếm sắc phán" có đoạn ngân rồi mới chốt bằng chữ "lên đàng", tôi chọn cách ngân không mượt mà như hát cải lương, mà sử dụng kỹ thuật "đổ hột" kết hợp giữa cách đổ hột của hát bội và đổ hột của ca tài tử nghe thiệt đã. Trong bài, tôi chọn hát "sắc phán" thay vì "sắc phong" vì tôi thấy chữ "phán" luyến láy nghe hay và sắc hơn.

Câu "Duyên sắc cầm đừng lợt phai (í a)" tôi không ngân "í a" mà là "ứ ư", vì chữ "í a" tôi cho là cách luyến láy mang âm hưởng Bắc Bộ, còn "ứ ư" đúng chất Nam Bộ hơn. Gần đây, nhạc sĩ Đức Trí có cho tôi nghe bản thu Dạ cổ hoài lang do cố NSƯT Ái Liên hát mang nặng âm hưởng miền Trung, nghe hay lắm.

Vậy mới thấy đờn ca tài tử rất cởi mở, du nhập các kỹ thuật, tinh hoa của nghệ thuật khắp nơi. Cũng bài đó, khi hát người ta có thể nhấn nhá theo vùng miền thích hợp mà người ta cảm thấy hay. 

Vì vậy với bài Dạ cổ hoài lang nếu nói rằng hát kiểu nào đúng nhất thì tôi e rằng không có cái đúng nhất, quan trọng là cái hồn của bài hát được lưu giữ!" - NSƯT Thành Lộc bày tỏ quan điểm của mình.

Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 7.

Hoài Linh vai ông Tư, Việt Anh vai ông Năm trong vở kịch Dạ cổ hoài lang dựng năm 2011 - Ảnh: GIA TIẾN

Khi ra đời vào năm 1994 tại sân khấu 5B, vở Dạ cổ hoài lang đã gây được ấn tượng và nhanh chóng trở thành vở diễn "cháy vé", đã đi biểu diễn từ miền Nam ra tới miền Bắc, đoạt huy chương vàng cho vở diễn, tác giả và bốn diễn viên, được bầu chọn là vở diễn của năm...

Từ bản dựng đầu tiên với bốn diễn viên Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo, sau khi Thành Lộc ra đi thành lập sân khấu Idecaf thì đã có nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Hoài Linh... đảm nhiệm vai ông Tư.

Năm 2014, Dạ cổ hoài lang đã được đạo diễn Vũ Minh của sân khấu Idecaf dàn dựng lại, Thành Lộc tái ngộ với "ông Tư".

Đến nay, Dạ cổ hoài lang vẫn là vở diễn thường xuyên ở Idecaf và mỗi lần được sắp lịch diễn đều hết vé. Vở cũng được Idecaf đưa đi lưu diễn tại Mỹ năm 2016 và tiếp tục tạo ấn tượng với những bạn trẻ Việt lớn lên ở xứ cờ hoa.

Trăm năm Dạ cổ hoài lang - Ảnh 8.

LINH ĐOAN
KIỀU NHI & TƯỜNG VY
BẢO SUZU

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0