27/07/2018 10:17 GMT+7

Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Hoàng 'Dạ cổ hoài lang'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, NSƯT Thanh Hoàng đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều 26-7 tại TP.HCM, hưởng dương 55 tuổi.

Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Hoàng Dạ cổ hoài lang - Ảnh 1.

Thanh Hoàng (trái) và Việt Anh trong Dạ cổ hoài lang trên sân khấu 5B - Ảnh: T.D.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng tên thật là Hồ Kim Hoàng. Từ quê nhà Bạc Liêu, gia đình Thanh Hoàng lên Sài Gòn lập nghiệp. Gia cảnh khó khăn nên Thanh Hoàng làm đủ mọi việc để phụ giúp cha mẹ, từ khuân vác đến phụ hồ, giữ xe...

Trong một lần theo người ta làm mướn, nạo vét ống cống Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, người bạn rủ Thanh Hoàng vô thi thử, ai dè anh đậu, còn người bạn rớt. Cuộc đời sang trang với chàng trai xuất thân nghèo khó, gia đình không ai theo nghệ thuật.

"Cha đẻ" của vở kịch "cháy" vé hơn 20 năm

Ra trường, Thanh Hoàng được phân công về tỉnh công tác. Khi về thành phố, các đoàn nghệ thuật không còn chỗ, anh hoạt động phong trào tại Phú Nhuận (TP.HCM). Nhờ những ngày tháng vất vả đó, anh học đủ thứ từ diễn xuất, viết kịch bản đến dàn dựng, tổ chức biểu diễn.

Những năm 1990, Thanh Hoàng tập tành viết kịch bản kịch dài. Chưa bao giờ đi Mỹ nhưng có điều kiện tiếp xúc với những Việt kiều Mỹ, những gia đình có người thân đi Mỹ, anh đã nảy ra ý tưởng viết một kịch bản về những ông già Nam Bộ sang Mỹ sinh sống với con cháu, những nỗi niềm khi bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, sự khác biệt về văn hóa với con cháu ở đất nước xa lạ. Vở chỉ có 4 nhân vật ông Tư, ông Năm, cô cháu gái và bạn trai của cô cháu gái.

Vì viết về ông già Nam Bộ, Thanh Hoàng bắt đầu tìm kiếm một "biểu tượng" để nghe là nghĩ tới người Nam Bộ. Thế là anh tìm đến cải lương, rồi anh nghiên cứu về vọng cổ và mừng rỡ khi bắt gặp bài Dạ cổ hoài lang - bài hát không chỉ hay mà còn mang trong đó tình yêu, nỗi nhớ nhung. Anh quyết định chọn Dạ cổ hoài lang như một sợi chỉ đỏ, đường dẫn cảm xúc cho các nhân vật của mình. Kịch bản Dạ cổ hoài lang đã ra đời như thế.

Khi công diễn vào năm 1994 tại sân khấu 5B, vở Dạ cổ hoài lang đã gây được ấn tượng, và nhanh chóng trở thành vở diễn "cháy" vé, đã đi biểu diễn từ miền Nam ra tới miền Bắc, đoạt huy chương vàng cho vở diễn, tác giả và 4 diễn viên, được bầu chọn là vở diễn của năm...

Từ bản dựng đầu tiên với 4 nghệ sĩ Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo; sau khi Thành Lộc rời 5B và thành lập sân khấu Idecaf thì nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Hoài Linh... thay nhau đảm nhiệm vai ông Tư.

Năm 2014, Dạ cổ hoài lang được đạo diễn Vũ Minh của sân khấu Idecaf dàn dựng lại, hiện vẫn là vở diễn thường xuyên ở Idecaf và mỗi lần được sắp lịch diễn đều hết vé. Vở cũng được Idecaf đưa đi lưu diễn tại Mỹ năm 2016 và tiếp tục tạo ấn tượng với những bạn trẻ Việt lớn lên ở xứ cờ hoa.

Có thể nói Dạ cổ hoài lang là một trong những vở kịch có sức sống lâu bền trong đời sống sân khấu Việt Nam, tính tới nay đã 24 năm tồn tại và có cả ngàn suất biểu diễn.

Gương mặt quen thuộc của nhiều bộ phim

Sau Dạ cổ hoài lang, Thanh Hoàng còn là tác giả của khá nhiều vở kịch và phim truyền hình như Trầu cau, Cha yêu, Con nhà nghèo, Nợ đời... Anh cũng từng chia sẻ mong muốn giới thiệu đến công chúng kịch bản của Dạ cổ hoài lang 2 và 3.

Thanh Hoàng giữ vai trò giám đốc Nhà hát 5B từ năm 2010-2015. Sau khi nghỉ hoạt động ở nhà hát, anh tham gia rất nhiều phim truyền hình và điện ảnh.

NSƯT Mỹ Uyên - giám đốc Nhà hát 5B, từng đóng chung với Thanh Hoàng rất nhiều vở kịch như Cõi tình, Ngôi sao tình yêu, Đôi bờ, Biển... - chia sẻ: "Ưu thế của anh Hoàng là có khả năng về công tác đạo diễn, viết kịch bản. Anh là người chuyên soạn nhạc cho các vở diễn của 5B.

Vở Gương mặt kẻ khác vừa đoạt giải bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc vừa rồi cũng do anh soạn. Vì phụ trách soạn nhạc, anh là một trong những người cảm được câu chuyện của vở trước tiên, khi người khác dựng vở anh hay sốt sắng phụ một tay, rất nhiệt tình góp ý, chia sẻ ý tưởng để vở diễn tốt hơn.

Khi nghỉ làm ở nhà hát, anh có tâm sự là con anh đi du học nên anh cần có thời gian làm thêm bên ngoài. Trong những năm khó khăn nhất của nhà hát, có thể nói anh Hoàng có sự chăm lo, đóng góp rất nhiều để duy trì hoạt động của 5B.

Khoảng ba năm nay, biết anh bị bệnh ung thư vòm họng, chúng tôi cũng động viên anh có chương trình nào đó thì tham gia cho vui để tinh thần lạc quan, thoải mái. Cách đây hai tháng anh còn qua 5B ăn sáng, anh em còn trò chuyện với nhau. Không ngờ đó là lần cuối chúng tôi được gặp anh!".

Linh cữu nghệ sĩ Thanh Hoàng được quàn tại nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng từ 10h ngày 27-7. Lễ động quan vào 7h ngày 29-7, an táng tại Bình Hưng Hòa.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng gắn bó bền bỉ ở mảng phim truyền hình

Hẳn khán giả màn ảnh nhỏ chưa quên hình ảnh bác sĩ Thanh cá tính nhiều tham vọng do Thanh Hoàng đảm nhận trong bộ phim dài tập Blouse trắng do TFS sản xuất năm 2002.

Sau đó, anh đóng hàng loạt phim truyền hình, vai chính có, vai phụ có: Lẵng hoa tình yêu, Tỉ phú tưng, Thụy khúc, Chữ hiếu thời @, Tình quê, Chàng khờ mất vợ, Mẹ hổ dạy con dâu...

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng mời "cha đẻ" Dạ cổ hoài lang tham gia một vai trong phim chiếu rạp Dạ cổ hoài lang, sản xuất năm 2017 như một cách tri ân.

Gần đây nhất, khán giả còn gặp nghệ sĩ Thanh Hoàng trong hai phim sitcom Hoàng tử ơi! Anh ở đâu? (100 tập) và Cặp đôi nội chiến (50 tập) phát trên HTV7 và HTV9. (HOÀNG LÊ)

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên