Hoài Linh trong một phân đoạn của Dạ cổ hoài lang - Ảnh: GALAXY |
Dạ cổ hoài lang còn đưa ra cái nhìn về tâm tính Việt của những người con xa xứ, dù có thể được đồng ý, có thể chưa nhưng cũng là một cái nhìn. Chọn một đề tài nghiêm túc sẽ đi ngược lại xu hướng giải trí của giới trẻ, liệu có đảm bảo được doanh thu?
Thế nên phải ghi nhận sự dám làm của cả ê-kip dù cho bộ phim vẫn vấp phải những thiếu sót cơ bản như sự thiếu tinh tế của kịch bản, và tư duy đạo diễn chưa linh hoạt để bộ phim thoát khỏi cái bóng của vở kịch Dạ cổ hoài lang.
Khi Hoài Linh không diễn hài
Có lẽ sự lựa chọn Hoài Linh và Chí Tài cho hai nhân vật Tư Lành và Năm Triều là một sự lựa chọn khôn ngoan. Vì cả hai diễn viên đó đều có thời gian dài sống ở nước ngoài, họ thấu hiểu được tâm lý của những người do hoàn cảnh bắt buộc phải xa quê, xa đất nước.
Họ cũng thấu hiểu những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, vốn được bố mẹ đầu tư mọi thứ cho ăn học để đổi đời, nhưng đồng thời, chúng cũng hưởng thụ nền văn hoá tự do của phương Tây, thứ vốn không phù hợp với văn hoá truyền thống Việt Nam.
Có lẽ vì vậy, Hoài Linh và Chí Tài không cần quá “diễn” để trở thành nhân vật trong phim. Họ chỉ bỏ vào trong nhân vật đó chút duyên hài của mình, hòng tạo cho không khí phim giãn ra, những bi kịch được giải toả, và những nỗi buồn được hoá giải để trở nên nhẹ nhàng.
Dạ cổ hoài lang là sự đan xen giữa hiện tại nơi nước Mỹ với tông màu lạnh, tối và quá khứ ở Việt Nam với màu nóng và tươi của đồng lúa và nông thôn mang đến một sự tương phản đầy ý nghĩa, con người có cội nguồn, sự hiện đại nhưng xa lạ chỉ khiến cho những tâm hồn hoài cổ trở nên khổ tâm và cam chịu.
Hoài Linh và Chí Tài - Ảnh: GALAXY |
Kịch bản nhiều lỗi, và những khung hình không mang tính điện ảnh
Đáng lẽ một bộ phim như vậy, với những chi tiết hay, và hai diễn viên tốt sẽ mang đến những cảm xúc tuyệt vời khiến cho khán giả không thể không khóc.
Nhưng thay vào đó, cảm xúc đôi khi bị phá hỏng vì những chi tiết thiếu trau chuốt của kịch bản tạo nên những lỗ hổng không đáng có.
Đó là những lỗi mà lẽ ra chỉ có thể xuất hiện trong kịch để ta bỏ qua, chứ với một tác phẩm điện ảnh, không gian phim rộng lớn hơn, điểm nhìn của khán giả bao quát hơn, thì điều đó vô hình trung làm giảm chất lượng của bộ phim đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, kịch tính được xử lý không tốt, nên những điểm nút thắt mở của bộ phim luôn luôn thiếu một chút tinh tế để khán giả đồng cảm.
Thêm nữa, những khung hình cố định, đóng khung trên khuôn mặt diễn viên, khiến cho bộ phim bị mất đi tính điện ảnh, thay vào đó, những hình ảnh trên sân khấu về vở kịch Dạ cổ hoài lang lại hiện về.
Thế mạnh của ngôn ngữ điện ảnh đáng lẽ nên có, phải có bởi đây là Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh thì lại bị triệt tiêu, lợi thế của máy quay giúp xoá đi khoảng cách giữa khán giả và bối cảnh đã hoàn toàn không được sử dụng.
Ngoài những đại cảnh tuyết trắng và đồng lúa, có thể thấy Dạ cổ hoài lang hoàn toàn dừng lại ở việc mô tả ở bề mặt, mà không hề có chi tiết góc máy nào đủ đắt giá để lay động người xem.
Khi những cơn gió lạnh còn thổi tiếp
Dù vậy, Dạ cổ hoài lang vẫn là một phim nên xem. Bởi lẽ dù lấy bối cảnh là những người con xa xứ, nhưng bộ phim cũng áp dụng được cho xã hội Việt Nam hiện đại, khi thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái có những sai lệch nhất định về mặt quan điểm do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây.
Cô cháu gái cuối cùng có hiểu được tình cảm của ông nội hay không? Ông nội có hiểu cho lối sống quá “tây” hoàn toàn khác biệt với mảnh đất “quê” ông hay không?
Những câu hỏi đó như những cơn gió lạnh thổi vào lòng mỗi người xem để họ tự nhìn lại mình, tự nhận định về cuộc sống của mình, và tham chiếu vào cuộc đời của thế hệ trước, hoặc thế hệ sau.
Đến cuối cùng, gia đình vẫn là điều thiêng liêng nhất, nhưng để điều thiêng liêng đó luôn luôn sưởi ấm mỗi trái tim con người, thì luôn cần tôn trọng sự khác biệt, chỉ có vậy, con người mới đủ tình yêu để sống với nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận