Một cuộc canh tranh quyết liệt trên thị trường điện mặt trời sẽ giúp giảm giá bán lẻ điện - Ảnh: NGỌC HIỂN
Cơ chế xác định giá điện cạnh tranh cho phát triển các dự án điện mặt trời thông qua đấu thầu, đấu giá bán điện vừa được Bộ Công thương trình Thủ tướng.
Bộ Công thương cho biết việc áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá mua điện mặt trời giữa các nhà máy điện là cần thiết, khi cả nước có tới 280 dự án điện mặt trời đang đăng ký đầu tư với tổng công suất lên tới 25.000 MW.
Sức hút để tư nhân đầu tư phát triển điện mặt trời những năm qua một phần đến từ cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời được Thủ tướng ban hành tại Quyết định 11 vào tháng 4-2017.
Theo đó, nhà đầu tư tư nhân xây dựng nhà máy điện mặt trời được hưởng hàng loạt ưu đãi tiếp cận vốn; miễn thuế nhập khẩu thiết bị; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đặc biệt, các nhà đầu tư tư nhân phát triển điện mặt trời được hưởng cơ chế ưu đãi vượt trội về giá bán buôn điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải mua toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện mặt trời ở mức giá 9,35 cents (USD)/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh điện, cao hơn nhiều lần giá mua buôn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, thủy điện.
Nhưng cơ chế đấu thầu, đấu giá bán điện mặt trời thời gian tới sẽ có giá sàn mua điện thấp hơn hiện nay. Bộ Công thương trình Thủ tướng giá sàn mua điện mặt trời cao nhất từ 7,09 - 7,69 cents/kWh, giảm từ 1,66 - 2,26 cents/kWh, tùy theo dự án được đầu tư trên mặt đất hay nổi trên mặt nước.
Việc giảm giá sàn mua buôn điện mặt trời sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ điện của EVN và người dân tiêu dùng điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Ưu đãi đãi với các dự án điện mặt trời giảm dần khi nhiều nhà đầu tư cùng làm dự án điện mặt trời - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dự thảo cơ chế xác định giá điện cạnh tranh đối với các nhà máy điện mặt trời đang được Bộ Công thương trình Thủ tướng đưa ra 3 phương án đấu thầu, đấu giá bán điện mặt trời.
Phương án 1 đấu giá mua điện mặt trời để chọn nhà máy có giá bán điện thấp nhất. Giá sàn mua điện được đưa ra từ 7,09-7,69 cents/kWh, nhà đầu tư nào chào giá bán thấp nhất sẽ được lựa chọn phát triển dự án. Phương án này sẽ được thực hiện từ nay đến tháng 6-2021.
Phương án 2, từ tháng 7-2021 sẽ đấu giá mua điện mặt trời theo trạm biến áp và mạng lưới đường dây sẵn có. Với phương án này các nhà đầu tư tư nhân có khả năng phát triển nhà máy điện mặt trời công suất từ 10-100 MW được tham gia đấu giá bán điện cho EVN tùy theo công suất của trạm biến áp và khả năng truyền tải của mạng lưới điện từng khu vực. Nhà đầu tư tư nhân nào chào giá bán điện mặt trời thấp nhất sẽ được chọn mua.
Phương án 3, Bộ Công thương, EVN sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư có khả năng xây dựng các nhà máy điện mặt trời công suất lớn từ 100 MW trở lên. Theo phương án này bộ sẽ lên danh mục các dự án điện mặt trời cần đấu thầu, thực hiện đầu tư mạng lưới hạ tầng truyền tải kết nối, sau đó tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện từng nhà máy điện mặt trời cụ thể dựa trên nguyên tắc giá bán điện thấp nhất được chọn. Phương án này cũng dự kiến thực hiện từ tháng 7-2021.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, tính toán tổng công suất phát triển điện mặt trời đến năm 2025 khoảng 14.450 MW, đến năm 2030 khoảng 20.050 MW.
Công suất điện mặt trời đã bổ sung vào quy hoạch đến nay khoảng 10.300 MW. Viện Năng lượng Việt Nam tính toán đến năm 2025 cần bổ sung thêm 4.000 MW, tiếp đó đến năm 2030 cần bổ sung thêm 5.600 MW.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận