20/01/2011 01:01 GMT+7

Trạm cân Dầu Giây: Tiếp tục hay tạm dừng?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 19-1, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thí điểm hoạt động hai trạm cân kiểm tra tải trọng xe, gồm trạm cân Quảng Ninh và trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai).

KOfMp9Aa.jpgPhóng to
Xe tải đi qua trạm cân Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.

Tổng cục Đường bộ cho biết qua hai năm thí điểm, trạm cân Dầu Giây đã phát hiện 27.000 xe vi phạm chở hàng quá tải hoặc chất hàng trên xe không đúng quy định (chiếm 19,17% tổng số xe vào trạm cân), thu tiền phạt 13,3 tỉ đồng.

Còn ở trạm cân Quảng Ninh, sau sáu tháng đưa vào hoạt động đã phát hiện 1.523 xe vi phạm (chiếm 36,4% tổng số xe vào trạm cân), thu tiền phạt hơn 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cho biết việc thí điểm trên vẫn còn nhiều hạn chế như việc lựa chọn địa điểm xây dựng trạm cân Dầu Giây chưa hợp lý vì có nhiều đường nhánh nên xe quá tải dễ né trạm. Hệ thống thiết bị kỹ thuật trạm cân chưa ổn định. Tính an toàn và bảo mật của hệ thống kỹ thuật chưa được chú ý thích đáng nên có hiện tượng kẻ xấu can thiệp và làm sai lệch kết quả kiểm tra cân xe. Công tác tuyển chọn nhân sự còn có thiếu sót khiến những phần tử xấu chui vào đội ngũ, cán bộ, nhân viên trạm cân gây ra hành vi tiêu cực.

Đó là chưa kể việc xây dựng trạm cân Dầu Giây còn phát sinh nhiều tiêu cực khác.

Đồng Nai thiệt hại nặng vì trạm cân Dầu Giây

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết kể từ khi trạm cân Dầu Giây hoạt động tháng 8-2008 đến tháng 9-2009, đường sá ở địa phương xuống cấp nhanh vì xe quá tải né trạm. Tỉnh đã bỏ ra 95 tỉ đồng để sửa chữa các con đường bị hư hỏng do xe né trạm. Hiện nay mỗi ngày chính quyền Đồng Nai phải sử dụng 105 người làm việc ngày và đêm để kiểm tra xử lý xe quá tải né trạm cân Dầu Giây.

Ông Phan Hiền - phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 - bày tỏ băn khoăn về việc có nên tiếp tục hay tạm dừng thí điểm trạm cân Dầu Giây.

Theo ông Hiền, khi xe né trạm hoặc vượt trạm thì lực lượng kiểm tra trên đường xử phạt rồi cho đi tiếp. Trong khi đó, cán bộ Khu Quản lý đường bộ không thể chỉ huy được công an, thanh tra...

Đại diện trạm cân Quảng Ninh phản ảnh có hiện tượng chở hàng quá trọng tải diễn ra phổ biến và nhiều xe có hành vi vượt trạm không chấp hành hiệu lệnh vào trạm kiểm tra.

Thanh tra đường bộ 4 cho biết quy trình xử phạt xe vi phạm ở trạm cân Dầu Giây rất khó khăn vì phải fax các dự thảo quyết định xử phạt ra cho Thanh tra Cục Đường bộ ở Hà Nội, từ Hà Nội lại phải chuyển fax nhanh các quyết định xử phạt xe vi phạm vào trạm, quá trình này mất 7-10 ngày.

Ông Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - bày tỏ ý kiến không đồng tình về phương án lập thêm các trạm cân trên quốc lộ (phương án 3), đồng thời cho rằng cần triển khai nhiều phương án (trong đó có phương án lập trạm cân tại các đầu mối tập kết hàng hóa như nhà ga, cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp lớn) để kiểm tra trọng tải xe.

Theo Cục Đường bộ, các xe không bị phạt ở trạm cân thì cũng bị cảnh sát giao thông phạt khi qua cầu yếu. Hệ thống cầu trên quốc lộ 1 có tải trọng thấp, xe có vào trạm cân và kiểm tra đúng trọng tải cũng bị phạt khi xe đến cầu vì quá tải trọng cầu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận các ý kiến đóng góp về trạm cân và cho biết sẽ rà soát để điều chỉnh quy hoạch xây dựng 27 trạm cân trong cả nước.

* Tin bài liên quan:

Khen thưởng lực lượng phá án vụ trạm cân Dầu giâyBắt một vụ nhận hối lộ tại trạm cân Dầu GiâyTrạm cân Dầu Giây: bao giờ mới hết ăn hối lộ?Khởi tố 3 nhân viên trạm cân Dầu Giây nhận hối lộThiết bị trạm cân Dầu Giây lại “cà giật”

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên