10/09/2010 22:34 GMT+7

Bắt một vụ nhận hối lộ tại trạm cân Dầu Giây

HÀ MI
HÀ MI

TT - Gần 5g ngày 10-9, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai đã bất ngờ ập vào trạm cân tải trọng Dầu Giây, bắt quả tang ông Nguyễn Thái Tuấn - thanh tra viên Thanh tra Cục Đường bộ - đang nhận hối lộ 1,5 triệu đồng.

CUoIje4M.jpgPhóng to
Nguyễn Thái Tuấn - Thanh tra Cục Đường bộ - sau khi bị bắt quả tang nhận hối lộ - Ảnh: Hà Mi

Khi thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp phòng kiểm tra tải trọng, công an phát hiện thêm 8,3 triệu đồng được gói gọn trong bao thuốc, hộp mực tại bàn làm việc của Nguyễn Quốc Hùng, Diệp Bảo Phú, nhân viên điều khiển ở phòng thiết bị của trạm cân. PC 46 tiếp tục khám xét nơi làm việc, thu giữ nhiều thùng tài liệu liên quan và ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng và Diệp Bảo Phú, áp giải về Công an Đồng Nai để điều tra.

Trung tá Phan Trung Lộc, phó phòng PC46 - người trực tiếp đánh án, cho biết: khoảng 3g cùng ngày, tài xế xe tải 60S-5491 chạy xe vượt tải qua trạm đã bị nhân viên ở trạm vòi vĩnh, đòi đưa 1,5 triệu đồng mới cho xe đi, nếu không sẽ bị hạ tải và xử phạt. Khi tài xế xe này quay lại đưa 1,5 triệu đồng cho Nguyễn Thái Tuấn thì lực lượng đã bắt quả tang. Sau khi bị bắt, Nguyễn Quốc Hùng và Diệp Bảo Phú thừa nhận khi vào ca trực cùng với Tuấn, cả ba đã phát hiện tám chiếc xe tải qua bàn cân tĩnh vượt tải trọng cho phép và lập biên bản nhưng sau đó vòi vĩnh, yêu cầu tài xế đưa 1-2 triệu đồng sẽ cho đi, không bị xuống tải.

gnVbqXFv.jpgPhóng to
Nguyễn Quốc Hùng viết tường trình - Ảnh: Hà Mi
PCp2bWfa.jpgPhóng to
Diệp Bảo Phú ký vào biên bản thừa nhận có thông đồng để nhận tiền của tài xế xe chở quá tải - Ảnh: Hà Mi

Bao giờ hết tai tiếng?

Tháng 3-2009, trạm cân xe Dầu Giây chính thức đi vào hoạt động và cũng là trạm duy nhất ở miền Nam chịu trách nhiệm cân tải trọng xe trên quốc lộ 1A (đặt tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Khi trạm vừa đi vào hoạt động vài ngày, thiết bị liên tục hư hỏng. Tình trạng xe quá tải vượt trạm, có “cò” là xong”, “Chung chi tại trạm cân Dầu Giây”, “Dự án trạm cân Dầu Giây: nhiều hạng mục đội giá”... được phóng viên Tuổi Trẻ liên tục đề cập, sau đó một số cán bộ có dấu hiệu vi phạm bị đình chỉ, chuyển công tác để xử lý.Thậm chí một thanh tra viên Sở giao thông vận tải Đồng Nai được điều động về trạm cân phải ngồi tù sau khi bị bắt quả tang chặn xe quá tải né trạm cân để nhận hối lộ.

Đến tháng 3-2010, công an tiếp tục phát hiện “thiết bị lạ” ở trạm cân nên trưởng trạm và hai nhân viên ở trạm bị đình chỉ công tác. Vụ án “thiết bị lạ” đã được khởi tố.

Can thiệp bằng máy tính để vòi tiền

Khu vực ba nhân viên bị bắt là phòng điều khiển thiết bị máy tính và xử lý các hình ảnh xe quá tải nằm trên quốc lộ 1A. Theo trung tá Phan Trung Lộc, thủ thuật của các nhân viên vừa bị bắt nói trên hết sức tinh vi. Phải mất nhiều tháng ém quân theo dõi, lực lượng công an mới bắt quả tang.

Theo quy định, khi vào làn bàn cân động, nếu xe quá tải, tín hiệu được báo thì các nhân viên ngồi ở máy tính ra phiếu cân dư tải để thanh tra viên ngồi gần đó lập biên bản vi phạm. Biết tài xế lo sợ chịu chi phí hạ tải nên các nhân viên ở đây dù đã ra phiếu cân thể hiện vượt tải nhưng vẫn đề nghị tài xế “không muốn hạ tải phải đưa từ 1-3 triệu đồng”.

Sau khi tài xế đưa tiền, nhân viên chỉ cách cho tài xế quay đầu xe và nhích chầm chậm vào bàn cân, nhân viên phòng vi tính can thiệp vào máy cho ra ngay phiếu thể hiện... đủ tải.

Theo trung tá Lộc, một hành vi khác được các nhân viên thực hiện là các tài liệu thể hiện thiết bị ở trạm vẫn ra biên bản vi phạm, phiếu cân dư tải nhưng rất nhiều trường hợp không hề bị buộc hạ tải theo quy định. “Có lúc nhân viên trạm chặn xe quá tải trọng nhưng tài xế chỉ ném vài kiện hàng rồi sau đó cho đi khi tài xế đã chung tiền” - ông Lộc cho biết.

PC46 cho hay đây là một chuyên án lớn được Công an tỉnh Đồng Nai theo dõi suốt thời gian qua bởi từ khi trạm cân ra đời, dư luận đã phản ảnh nhiều tai tiếng ở đây. Tình trạng tài xế chở vượt tải qua trạm cân Dầu Giây liên tục được nhân viên ở trạm bỏ qua... Họ có lập biên bản nhưng đã dùng nó để vòi vĩnh tiền tài xế.

Theo tính toán của ban chuyên án, bình quân mỗi tháng có 80.000-90.000 xe qua trạm cân Dầu Giây nhưng thiết bị ở đây không đọc được biển số xe để xử lý những trường hợp xe quá tải. Theo ban chuyên án, từ khi ra đời đến nay thiết bị ở trạm cân vẫn còn tồn tại ba lỗi kỹ thuật. Đó là xe chạy chậm, chạy sát vào dải phân cách và chạy liền kề nhau thì hệ thống nhận diện biển số xe để xử lý các xe quá tải trọng đều không nhận diện được.

Thiết bị ở trạm cân bị hư là cơ hội để tiêu cực phát sinh. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Mời đọc thêm:

Khởi tố vụ án ở trạm cân Dầu Giây Trạm cân Dầu Giây: Đặt không đúng chỗ, làm không đúng cáchTrạm cân Dầu GiâyThu 3 tỉ đồng, gây thiệt hại 70 tỉ đồngGiới vận tải kiến nghị bỏ trạm cân Dầu GiâyDự ánTrạm cân Dầu Giây: Hạng mục nào cũng “đội giá” Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai): Liên tục hư hỏng các thiết bịTrạm cân “mời qua”, CSGT thổi lạiTrạm cân Dầu Giây (Đồng Nai): Tài xế lao đao với... cân trục“Chung chi” tại trạm cân Dầu Giây“Chung chi” tại trạm cân Dầu Giây: Đề xuất kỷ luật 3 cán bộTrạm cân Dầu Giây: Hoạt động 12 ngày, ngày nào cũng hư!Giải mã “thiết bị lạ” tại trạm cân Dầu GiâyVụ "Thiết bị lạ" ở trạm cân Dầu Giây: Không ai nhận trách nhiệmKhởi tố vụ án “cố ý làm trái” tại trạm cân Dầu Giây

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên