21/11/2023 13:50 GMT+7

Trái đất vừa nhận được thông điệp từ chùm tia laser cách xa 16 triệu km

Tàu thăm dò Psyche đã gửi thành công đường truyền dữ liệu ở khoảng cách 16 triệu km, thông qua chùm tia laser đến và đi từ Trái đất.

Công cụ Truyền thông quang học không gian sâu trên tàu thăm dò Psyche đã gửi thành công đường truyền dữ liệu ở khoảng cách 16 triệu km đến Trái đất. - Ảnh: IFL SCIENCE

Công cụ Truyền thông quang học không gian sâu trên tàu thăm dò Psyche đã gửi thành công đường truyền dữ liệu ở khoảng cách 16 triệu km đến Trái đất. - Ảnh: IFL SCIENCE

Lần đầu tiên, công cụ Truyền thông quang học không gian sâu (DSOC) trên tàu vũ trụ Psyche của NASA truyền một thông điệp qua tia laser tới Trái đất từ xa ngoài Mặt trăng, theo trang IFL Science.

Đây là cuộc trình diễn xa nhất từ trước đến nay, DSOC đã chiếu thành công một tia laser cận hồng ngoại được mã hóa với dữ liệu thử nghiệm từ vị trí của nó cách Trái đất khoảng 16 triệu km đến kính viễn vọng Hale tại Đài quan sát Palomar của Caltech ở California (Mỹ).

“Thành tựu này là cột mốc quan trọng của DSOC, mở đường cho truyền thông tốc độ dữ liệu cao hơn, có khả năng gửi thông tin khoa học, hình ảnh độ phân giải cao và truyền phát video để hỗ trợ bước nhảy vọt tiếp theo của nhân loại: đưa con người đi tới sao Hỏa”, bà Trudy Kortes, giám đốc trình diễn công nghệ tại trụ sở NASA, cho biết.

Thông tin liên lạc quang học đã được sử dụng để gửi tin nhắn từ quỹ đạo Trái đất đến tàu vũ trụ, nhưng đây là khoảng cách xa nhất từ trước đến nay của chùm tia laser.

Giao tiếp bằng laser có thể truyền lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ chưa từng có. Bằng cách đóng gói dữ liệu vào dao động của các sóng ánh sáng - mã hóa tín hiệu quang học này có thể truyền tin nhắn đến máy thu, thông qua chùm tia hồng ngoại (con người không thể nhìn thấy).

NASA thường sử dụng sóng vô tuyến để liên lạc với các sứ mệnh ở xa hơn Mặt trăng và cả hai đều sử dụng sóng điện từ để truyền dữ liệu, nhưng ưu điểm của chùm tia laser này là có thể gửi nhiều dữ liệu hơn nhiều.

Theo NASA, bản demo công nghệ DSOC nhằm mục đích cho thấy tốc độ truyền tải lớn hơn 10-100 lần so với các hệ thống liên lạc vô tuyến hàng đầu hiện nay.

Việc cho phép truyền nhiều dữ liệu hơn sẽ cho phép các sứ mệnh trong tương lai mang theo thiết bị khoa học có độ phân giải cao hơn, cũng như cho phép liên lạc nhanh hơn trong các sứ mệnh không gian sâu tiềm năng, chẳng hạn như các luồng video trực tiếp từ bề mặt sao Hỏa.

Tiến sĩ Jason Mitchell, giám đốc bộ phận công nghệ điều hướng và truyền thông tiên tiến trong Chương trình điều hướng và truyền thông không gian của NASA, cho biết: “Giao tiếp quang học là một lợi ích cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu, những người luôn mong muốn biết nhiều hơn từ các sứ mệnh không gian của họ. Nhiều dữ liệu hơn có nghĩa là nhiều khám phá hơn”.

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của IsraelChiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của Israel

Cho tới nay hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm sắt) của Israel đã trở thành một trong những hệ thống chống tên lửa hiệu quả nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên