12/11/2011 08:02 GMT+7

Trả lại đường cao tốc

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Sau gần hai năm khởi công, nhà đầu tư do Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN làm đại diện đã đề nghị trả lại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng trả luôn quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

sJrwMAyL.jpgPhóng to
Nhà đầu tư đề xuất trả lại quyền thu phí dù theo dự kiến, tháng 1-2012 bắt đầu thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trong ảnh: Trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được xây dựng - Ảnh: Thuận Thắng

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54km, rộng 25,5-26,5m, sáu làn xe lưu thông, trong đó có hai làn xe dừng khẩn cấp ở hai bên đường. Đường cao tốc này được thiết kế cho ôtô chạy với tốc độ 120km/giờ, khi hoàn thành sẽ nối kết với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Dự kiến quý 2-2013 hoàn thành, mức thu phí 1.000 đồng/km, hoàn vốn sau 34 năm thu phí.

Tổ hợp các nhà đầu tư vào dự án gồm: Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) đại diện cho các đơn vị góp vốn là Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN, Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí VN, Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (sau này rút ra khỏi tổ hợp), Công ty 508 - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Công ty TNHH dịch vụ thương mại khách sạn Tân Hoàng Minh. Đơn vị được giao trực tiếp làm chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (gọi tắt là BEDC).

Giá đầu tư tăng cao

Trong văn bản ngày 4-11 gửi Bộ Giao thông vận tải, BIDV đại diện chủ đầu tư đề nghị giao lại cho bộ hai dự án, đó là dự án BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo BIDV, phải giao lại dự án để bộ lựa chọn nhà đầu tư khác vì các cổ đông góp vốn gặp nhiều khó khăn.

Được hưởng nhiều hỗ trợ

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một dự án chưa có tiền lệ về đầu tư xây dựng ở VN - một cán bộ của Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy. Dự án được cấp thẩm quyền giao cho BIDV làm chủ đầu tư, tính từ khi làm lễ khởi công đến nay đã gần hai năm trôi qua nhưng chủ đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng BOT với cơ quan nhà nước. Dự án được hưởng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như: cho BEDC thu phí cầu Mỹ Thuận từ ngày 1-4-2010; độc quyền khai thác các dịch vụ, cơ sở hạ tầng trong phạm vi đường và các công trình ngầm; độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. BEDC còn được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT, được quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và thu phí trên quốc lộ 1A...

BIDV còn cho biết một số tổ chức nước ngoài có văn bản không tiếp tục xem xét tài trợ vốn cho dự án. Đồng thời, theo ông Phan Hồng Quang - tổng giám đốc BEDC, theo Luật tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011), BEDC chỉ được phép vay khoảng 10% nhu cầu vốn của dự án nên không thể tiếp tục thực hiện.

Trao đổi về việc trả dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, lãnh đạo BEDC cho rằng đơn vị phải lo hai khoản vốn gần 30.000 tỉ đồng. Trong đó vốn đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 1 tỉ USD (tương đương 19.000 tỉ đồng - giá thời điểm năm 2009) và gần 10.000 tỉ đồng trả ngay cho ngân sách nhà nước trong ba năm đầu khi ký hợp đồng thực hiện dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang).

Thế nhưng, những biến động về giá vật tư và nhân công thời gian qua khiến tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tăng rất cao. Riêng về kinh phí đền bù giải tỏa ước tính khoảng 800 tỉ đồng vào năm 2009, đến tháng 4-2011 mới tạm tính đã tăng lên hơn 1.700 tỉ đồng. Do vốn đầu tư tăng cao, cùng với chuyện không vay được vốn, dẫn đến việc BEDC khó có thể thực hiện được dự án.

Thực tế dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã tạm ngừng thi công ngay khi vừa làm lễ khởi công. Lý do: UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị mở đường kết nối khu công nghiệp của tỉnh vào nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (điểm đầu tuyến của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận).

Vì vậy, BEDC yêu cầu các nhà thầu rút hết thiết bị, nhân công ra khỏi công trường. Đến tháng 5-2010, Văn phòng Chính phủ ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung quy mô nút giao thông Thân Cửu Nghĩa theo đề xuất của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn tiếp tục dừng thi công. Theo ông Phan Hồng Quang, phải ngừng thi công vì làm thiết kế bổ sung nút giao thông do quy mô đền bù giải tỏa tăng thêm 17ha và kinh phí đầu tư tăng thêm khoảng 500 tỉ đồng.

MLy4k2um.jpgPhóng to
Sơ đồ toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Ai nhận lại dự án?

Tại văn bản ngày 8-11 gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết trên cơ sở đề xuất của BIDV, bộ thống nhất tiếp nhận lại dự án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Bộ giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM, trước đây là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) tiếp nhận hai dự án này để tiếp tục triển khai.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị BIDV bàn giao cho bộ việc thu phí cầu Mỹ Thuận, thời điểm thực hiện là 1-1-2012. Về việc tổ chức thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, do BEDC đang đầu tư xây dựng trạm thu phí, bộ đề nghị đơn vị này giao cho Cửu Long CIPM tiếp nhận ngay để đơn vị này chủ động trong việc thực hiện các công việc tiếp theo.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết sẽ trả lại những khoản chi hợp lý trong quá trình BEDC triển khai dự án, giao cho Cửu Long CIPM thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán khối lượng BEDC đã thực hiện.

Đây là kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, hiện bộ đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giao lại cho Bộ Giao thông vận tải là hợp lý

Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tham gia cổ đông của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: “Chúng tôi đã được BIDV thông báo đầy đủ về việc trả lại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tôi cho rằng việc trả lại dự án này cũng phù hợp vì các đơn vị chuyên ngành như điện, than, ngân hàng... không nên đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực. Việc giao lại dự án này cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện tiếp việc kết nối tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ là hợp lý”.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên