10/07/2020 06:27 GMT+7

TP.HCM sẽ đấu thầu luồng tuyến xe buýt

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
ĐỨC PHÚ - THU DUNG

TTO - Sáng 9-7, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình xe buýt tại TP. Sắp tới sở này sẽ tiến tới đấu thầu các tuyến buýt, thêm các ứng dụng công nghệ, tiện lợi hơn cho hành khách.

TP.HCM sẽ đấu thầu luồng tuyến xe buýt - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ tiến tới đấu thầu xe buýt thay cho cơ chế đặt hàng. Trong ảnh: xe buýt lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm ngân sách TP.HCM chi khoảng 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt. Các chuyên gia giao thông cho rằng cơ chế này sẽ không thu hút được nhà đầu tư bên ngoài tham gia. Nhưng sắp tới sẽ có thêm nhiều hình thức đầu tư, thêm sự chọn lựa và thuận lợi cho hành khách.

150 tuyến buýt, nay chỉ còn 128

Năm 2012 được coi là thời điểm hoàng kim của xe buýt TP với 305 triệu/lượt. Sau đó, khách đi xe buýt giảm dần, tới năm 2019 còn 159 triệu lượt, tức sau 8 năm giảm tới 146 triệu lượt. Sáu tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách chỉ đạt 62% so với kế hoạch, ước tính khoảng 39,6 triệu/lượt.

Trong khi đó, luồng tuyến xe buýt TP từ 150 tuyến giảm còn 128 tuyến (91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá). Theo ông Lê Hoàn - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (Sở Giao thông Vận tải TP), do kinh phí trợ giá hạn chế, mạng lưới xe buýt nay đang thu hẹp dần.

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải - cho hay những năm qua xe buýt gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là việc tính toán trợ giá không sát với thực tế, đơn vị vận tải thu không bù chi, càng chạy càng lỗ. Bà con xã viên thu nhập thấp, lại phải trả nợ ngân hàng. 

Sở đã đề xuất UBND TP tính toán lại kinh phí trợ giá cho phù hợp hơn. TP đã cấp bổ sung kinh phí trợ giá cho năm 2019, còn với năm 2020 dự toán cho trợ giá xe buýt tăng lên 1.150 tỉ đồng nhưng vẫn chưa đảm bảo. Do vậy, sở đã đề xuất TP tăng thêm 161 tỉ mới tính đúng, tính đủ cho các đơn vị vận tải.

TP.HCM sẽ đấu thầu luồng tuyến xe buýt - Ảnh 2.

Sẽ sớm đấu thầu luồng tuyến

Trả lời Tuổi Trẻ về kế hoạch tổ chức đấu thầu theo nghị định 32/2020 và cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia vực dậy xe buýt, ông Võ Khánh Hưng cho hay việc này sẽ triển khai trong thời gian tới. Hiện đang có điều kiện thuận lợi là Chính phủ Anh đang có chương trình hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó có xây dựng các tiêu chí, điều kiện nghiệm thu đấu thầu. 

Hiện tư vấn nước ngoài TP đưa ra các tiêu chí đáp ứng hồ sơ lựa chọn nhà thầu hơi cao. "Tuy nhiên, với mong muốn đưa xe buýt đi lên của TP, chúng tôi sẽ tiếp thu các nội dung mà tư vấn yêu cầu" - ông Hưng cho biết.

Còn ông Lê Hoàn cho biết nhà đầu tư trúng thầu sẽ được khai thác luồng tuyến trong 5 năm, các xe buýt sẽ được nhà thầu mua mới theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới. Sở sẽ giám sát thanh toán đúng theo chất lượng dịch vụ như xe có sạch sẽ, chạy đúng giờ hay đúng lộ trình hay không.

Dự kiến cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Sở Giao thông Vận tải TP sẽ đấu thầu 45 tuyến xe buýt. Trong quý 3-2020 sẽ bắt đầu tổ chức đấu thầu trên 4 tuyến có trợ giá (1, 15, 65 và 152). Trong đợt 2 sẽ đấu thầu 2 tuyến số 4 và 43.

Song song với việc đấu thầu xe buýt, một số nhà đầu tư bên ngoài cũng đã đề xuất mở các tuyến xe buýt mini (không có trợ giá) có ứng dụng công nghệ tại TP, lộ trình đến các khu đô thị mới, đầu mối giao thông. Công ty TNHH Busgo đã đề xuất mở mới 6 tuyến buýt mini có gắn ứng dụng công nghệ Godee với giá vé từ 10.000-40.000 đồng tùy vào thời gian cao điểm, thấp điểm.

Kể từ ngày 10 -7, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP chính thức triển khai ứng dụng Go!Bus trên thiết bị di động. Hành khách dễ dàng cập nhật được thông tin về luồng, tuyến xe buýt, lộ trình cụ thể từng tuyến xe buýt. Đặc biệt, dự báo chính xác giờ xe buýt sắp đến trạm, thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho hành khách.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cũng cho hay ứng dụng cũng tích hợp thông tin giữa xe buýt và dịch vụ Grab. Khi hành khách tìm đường đi bằng xe buýt, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin mạng lưới xe buýt kết hợp với Grab để hành khách lựa chọn (thời gian, lộ trình kết hợp, chi phí). Hành khách có thể lựa chọn đi bộ ra vị trí đón xe buýt hoặc đi Grab đến vị trí đón xe buýt đã chọn.

Đấu thầu quảng cáo trên xe buýt, vì sao thất bại?

Vì sao nhiều năm qua việc quyết toán trợ giá xe buýt theo Luật ngân sách chưa giải quyết xong? Trả lời vấn đề này, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP - nêu nhiều vướng mắc khi thực hiện. Sở đang chỉ đạo cho trung tâm đẩy nhanh việc quyết toán. Trước hết, quyết toán các năm 2011 đến 2013 và tiếp theo là các năm từ 2014 đến 2017. Hiện nay có hồ sơ đã được chuyển qua sở, nhưng cũng có hồ sơ chưa chuyển.

Vì sao kế hoạch đấu thầu quảng cáo trên xe buýt để tạo thêm nguồn lực cho xe buýt thất bại? Ông Hưng cho biết giai đoạn đầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã đấu thầu, đạt được con số khá ấn tượng khoảng 161 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của công nghệ, quảng cáo trên xe không được quan tâm nhiều nữa.

"Trung tâm đã 4-5 lần tổ chức đấu thầu quảng cáo các tuyến còn lại nhưng không thành công, việc này giẫm chân tại chỗ. Hiện trung tâm báo cáo UBND TP xin hạ tiêu chí để thu hút nhà thầu tham gia" - ông Hưng nói.

TP.HCM: tính đúng, đủ trợ giá tiến tới đầu thầu tuyến xe buýt TP.HCM: tính đúng, đủ trợ giá tiến tới đầu thầu tuyến xe buýt

TTO - Để gỡ rối nỗi lo cho những người làm xe buýt, sáng 9-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức buổi họp thông tin công tác trợ giá xe buýt và kế hoạch tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên