27/11/2022 10:40 GMT+7

TP.HCM sắp xếp tổ dân phố: Làm sao ghi nhận tiếng nói người dân?

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG ghi
TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG ghi

TTO - Việc TP.HCM sắp xếp lại theo mô hình dưới phường, xã, thị trấn chỉ có một cấp khu phố - ấp là phù hợp với quy định. Cách nào để tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu phố - ấp sắp tới?

TP.HCM sắp xếp tổ dân phố: Làm sao ghi nhận tiếng nói người dân? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tồn, tổ trưởng tổ 41, phường 15, quận 10 (TP.HCM), động viên gia đình hộ dân bị thất nghiệp - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia, người dân về vấn đề này.

* Luật sư Nguyễn Tiến Lập - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:

Nhìn lại vai trò tổ dân phố

Từ trước tới nay, những người làm ở tổ dân phố, thôn (ở TP.HCM là khu phố, ấp và dưới đó là tổ dân phố, tổ nhân dân) thường được nhìn nhận như bộ phận hỗ trợ công việc quản lý hành chính của UBND phường, xã. TP.HCM sắp xếp lại chỉ còn một cấp khu phố, ấp (gọi chung là khu phố) là hợp lý nhưng cũng cần nhìn nhận lại vai trò của những người làm ở tổ dân phố.

Theo quy định, tổ dân phố là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Tổ đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong giải quyết các mối quan hệ xã hội ở cấp cơ sở. Tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố có vai trò nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp phản ảnh lên các cấp cao hơn.

Hiện nay, TP.HCM không còn hội đồng nhân dân cấp phường. Vai trò đại diện người dân cơ sở của tổ dân phố càng phải được đề cao để người dân có thể phản ảnh các vấn đề ở cộng đồng... Họ có vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền chứ không chỉ là "phụ việc" cho phường.

Khi lựa chọn người quản lý ở mô hình này, làm sao để cho người dân biết được họ, gần họ. Phải tính toán số lượng hộ dân trong một tổ dân phố mới cho hợp lý, nếu quá nhiều hộ sẽ quản lý không xuể và không nắm bắt được tình hình dân cư. Cùng với đó, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm công tác này để họ phát huy được vai trò của mình.

* Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3, TP.HCM):

Tính kỹ trước khi giảm nhân sự

Theo tôi biết, việc tinh giản tổ dân phố để làm gọn lại bộ máy đã có chủ trương từ năm 2017. Và mục tiêu của TP.HCM khi ban hành chủ trương lần này là làm thế nào để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, để từ đó hoạt động vừa tiết kiệm ngân sách vừa hoạt động hiệu quả.

Tôi tán thành với chủ trương, nhưng tôi nghĩ thành phố cũng cần rút kinh nghiệm từ bài học "chính quyền đô thị". Khi tinh giản biên chế cơ học, mình phải tính toán kỹ lưỡng về mặt con người. Việc sáp nhập tổ dân phố thành các mô hình khu phố như bỏ đi các "chân rết", nhưng khi đó mỗi khu phố quy mô quản lý rất rộng, người được đề bạt sẽ rất khó có sự gần gũi, sâu sát với dân cư địa bàn.

Để thực hiện mô hình mới có kết quả, nên chọn một phường cụ thể có địa bàn dân cư ổn định để thí điểm, hình thành tổ giám sát để kiểm tra kết quả của việc thí điểm đó. Cần đánh giá lại tổ dân phố ở khu vực đó thời gian qua có hoạt động hiệu quả hay không, nhân sự thế nào, mức độ quan tâm của người dân tới các hoạt động tổ dân phố...

Từ việc giám sát cụ thể một tổ dân phố mới tính toán tới việc đề ra phương án hoạt động của mô hình khu phố mới sao cho đạt hiệu quả nhất. Ban điều hành khu phố phải sâu sát với người dân, vì vậy phải lựa chọn con người phù hợp.

Đồng thời phân chia nhiệm vụ hoạt động cho từng đơn vị như Đoàn thanh niên, Mặt trận khu phố, Hội phụ nữ và khu phố cho phù hợp, tránh tình trạng một việc nhiều bên làm lại có việc không ai lo.

Thời công nghệ số, việc tuyên truyền, trao đổi thông tin có thể làm qua mạng nhưng cần phân định rõ thêm vai trò của ban điều hành khu phố. TP.HCM không còn hội đồng nhân dân cấp phường, xã thì khu phố theo mô hình mới cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, lắng nghe, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu, báo cáo, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết.

Gần dân và lắng nghe dân

Ai từng công tác ở cấp cơ sở mới hiểu thấu nỗi niềm và công việc của cán bộ tổ dân phố. Họ như "làm dâu trăm họ", chuyện lớn nhỏ cũng tới tay, từ chuyện cảnh nghèo từng hộ ở trọ đến chuyện tệ nạn, tội phạm...

Để được nhân dân tín nhiệm đề cử vào vị trí này chưa bao giờ là chuyện đơn giản và cũng không nhiều người thích làm việc này.

Địa bàn càng đông nhân khẩu càng phải nhờ cậy đến họ. Theo tôi, tinh gọn, "giảm biên chế" số lượng tổ dân phố, khu phố đều không dễ.

Thực tế cho thấy nhiều nhiệm vụ vẫn phải thực hiện trực tiếp, thủ công. Tiếp xúc với hàng ngàn hộ dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người không ai bằng những "thổ địa". Gặp nhau sẽ tốt hơn "chat" trên mạng xã hội.

Số tiền 45 tỉ đồng tiết kiệm được mỗi năm nếu giảm bớt nhân sự tổ dân phố chưa phải quá nhiều so với TP.HCM.

Nên tính đến việc sắp xếp lại tổ dân phố, khu phố hợp lý và khoa học nhất. Đi cùng với đó, nhân sự làm việc ở khu phố, ấp cũng phải thông thạo công việc, gần dân, kết nối tốt ít nhất được như tổ trưởng, tổ phó dân phố đã làm.

Sau cùng là giá trị tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong từng cụm dân cư. Người mới vẫn phải kế thừa việc tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố đã làm được ở việc gần dân, lắng nghe dân và gắn kết cộng đồng. Không thể khác.

HOÀI ÂN

Sáp nhập tổ dân phố, giảm bao nhiêu nhân sự? Sáp nhập tổ dân phố, giảm bao nhiêu nhân sự?

TTO - Với phương án sắp xếp mô hình tổ chức tự quản mới, dự kiến TP.HCM sẽ giảm đi 20.135 khu phố - ấp, giảm 48.567 người hoạt động theo không chuyên trách, tiết kiệm 44 tỉ đồng ngân sách.

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên