25/11/2022 08:55 GMT+7

Sáp nhập tổ dân phố, giảm bao nhiêu nhân sự?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Với phương án sắp xếp mô hình tổ chức tự quản mới, dự kiến TP.HCM sẽ giảm đi 20.135 khu phố - ấp, giảm 48.567 người hoạt động theo không chuyên trách, tiết kiệm 44 tỉ đồng ngân sách.

Sáp nhập tổ dân phố, giảm bao nhiêu nhân sự? - Ảnh 1.

Ban điều hành khu phố 3, phường 15, quận 10, TP.HCM hỗ trợ UBND phường chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp bị ảnh hưởng trong đợt dịch COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuy nhiên, việc xóa đi nơi thiên về "tình làng nghĩa xóm", một "cánh tay nối dài" giữa chính quyền và người dân sẽ cần một lộ trình phù hợp và phương án đúng đắn.

Không thể mãi tăng nhân sự theo dân số

Theo quy chế tổ chức và hoạt động của UBND TP thì quy mô ấp phải từ 500 hộ gia đình trở lên; khu phố phải từ 700 hộ trở lên; tổ nhân dân phải từ 50 hộ trở lên; tổ dân phố phải từ 100 hộ (có tổ trưởng và một tổ phó).

Mô hình khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân thuộc 249 phường, 58 xã, 5 thị trấn trên địa bàn TP được xây dựng và thực hiện từ năm 1985 cho đến nay. Hơn 36 năm tồn tại, chính quyền TP đã nhận thấy những bất cập trong tổ chức của mô hình này. Thực tế về việc nhập cư, dân số tăng, có những khu phố - ấp trên 4.000 hộ dân.

Từ đó, nhân sự cấp khu phố, ấp và tổ dân phố đã phải tăng lên do tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học. Nhiều nơi hoạt động không đúng nhiệm vụ, quyền hạn, quá tải công việc. Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra về việc mô hình hoạt động chưa đúng theo quy định.

Theo UBND TP, để thực hiện việc "sáp nhập" này, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng bởi số lượng người tham gia điều hành khu phố - ấp, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố - tổ nhân dân giảm đột ngột quá lớn (từ khoảng 64.293 người, giảm 38.083 người, còn 26.210 người). Giảm số lượng chức danh hưởng phụ cấp hằng tháng từ 13 chức danh xuống còn 3 chức danh.

Và khi sắp xếp lại chỉ có 5 chức danh người hoạt động không chuyên trách hoạt động với số hộ dân ở mức 450 hộ/khu phố và 350 hộ/ấp là tương đối cao và áp lực. Do đó, theo lời Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải, "TP sẽ có một lộ trình lựa chọn phù hợp nhất".

Sắp xếp lại theo hướng tinh gọn

Sáp nhập tổ dân phố, giảm bao nhiêu nhân sự? - Ảnh 2.

So sánh mức chênh lệch chính sách hỗ trợ giữa mô hình hiện tại và mô hình mới sau sáp nhập - Ảnh: SỞ NỘI VỤ

Hiện nay, TP có 2.008 khu phố - ấp; 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân. Theo phương án tổ chức mô hình mới mà UBND đề xuất, TP chỉ có khu phố ở phường và thị trấn, ấp ở xã, dựa trên việc nhập các tổ dân phố - tổ nhân dân (từ 3 đến 5) hiện có.

Và trong mô hình này, sẽ điều chỉnh từ 13 chức danh người hoạt động không chuyên trách xuống còn 3, và bổ sung thêm chức danh chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên.

Việc sắp xếp sẽ căn cứ trên số hộ thực tế, quy mô số hộ theo quy định, địa giới, ranh giới khu phố - ấp để giữ nguyên, chia nhỏ hoặc thành lập mới. 

Cụ thể, quy mô số hộ dân ở khu phố gồm 450 hộ dân trở lên (trước đó là 700); ấp gồm 350 hộ dân trở lên (trước đó là 500). Do đó, thực hiện theo mô hình mới, dự kiến TP sẽ sắp xếp 1.604 khu phố và 404 ấp để sau cùng giữ lại 4.000 khu phố và 1.242 ấp.

So sánh với mô hình hiện tại, sẽ giảm 20.135 khu phố - ấp và giảm 48.567 người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, do bổ sung thêm 2 chức danh nên số người hoạt động dự kiến đề xuất sẽ tăng thêm (2 người cho mỗi khu phố - ấp) là 10.484 người. Số người hưởng phụ cấp tại khu phố - ấp giảm 38.083 người, tổng chi phí phụ cấp sẽ giảm từ 527 tỉ đồng xuống còn 482 tỉ đồng.

Tăng phụ cấp các chức danh khu phố - ấp

Để đáp ứng nguyện vọng của những người hoạt động không chuyên trách ở khu phố - ấp, việc tăng cao mức phụ cấp hằng tháng chính là nâng cao chất lượng hoạt động, khuyến khích, động viên cán bộ nhiệt tình tham gia. Theo quy định với mô hình mới thì mức phụ cấp hằng tháng đối với các chức danh ở khu phố - ấp sẽ tăng lên.

Việc tinh giản tổ dân phố để làm gọn lại bộ máy đã có chủ trương từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017. Tuy nhiên, trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng chính quyền đô thị, việc sắp xếp lại tổ chức khu phố, tổ dân phố được cho là cấp bách và cần thiết.

Cần có thí điểm

+ Nên thu gọn tổ dân phố hay nói cách khác sáp nhập nhiều tổ dân phố lại để tinh giản cán bộ không chuyên trách, tăng cường thông tin phổ biến công việc cho nhân dân trên mạng xã hội. (Bạn đọc Ngô Lê Lợi)

+ Bỏ hay không bỏ tổ dân phố thì phải có tổng kết, đánh giá những ưu, khuyết điểm, những mặt được, mặt chưa được một cách đầy đủ, chính xác. Tổ trưởng tổ dân phố là người trực tiếp, gần gũi với người dân nhất, nắm rõ và hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân, thay dân phản ảnh ý kiến cho chính quyền phường. Ai sẽ làm thay việc này?

UBND TP cần quy định rõ cán bộ phường và khu phố ai phải làm việc gì, tránh tình trạng trăm việc dồn lên khu phố. Nếu để một số ít ôm đồm cả khu phố ở đô thị như TP.HCM có vẻ không ổn vì quá tải với quá nhiều việc. (Bạn đọc Chí Thành, Tuan, Nam GV)

+ Thử thí điểm vài năm xem khi bỏ tổ dân phố, xã hội đô thị phát sinh những việc như thế nào. Cần có giải pháp phát huy ưu thế của hệ thống "camera cơm" trước các vấn đề an ninh như tội phạm, lừa đảo đang nảy sinh và biến tướng các kiểu ở từng khu dân cư. (Bạn đọc Quốc)

+ Công việc của các tổ trưởng tổ dân phố - tổ nhân dân đang làm nên xem là nền tảng thử thách cán bộ trẻ thể hiện trình độ, bản lĩnh dân vận và công tác đại đoàn kết dân tộc để xử lý triệt để các vấn đề nóng từ cơ sở. Nhưng lâu nay việc này do các tổ trưởng (phần lớn là người lớn tuổi, hưu trí) làm. Mong đổi mới sẽ phát huy hiệu quả với cán bộ trẻ hơn.

Bạn đọc Việt

TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy

TTO - Dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ sắp xếp lại mô hình tổ chức khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân (gọi chung tổ dân phố).

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên