19/08/2021 08:26 GMT+7

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ TP.HCM lúc khó khăn

T.LONG - L.THANH - H.QUÂN - N.AN
T.LONG - L.THANH - H.QUÂN - N.AN

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ cho người nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ TP.HCM lúc khó khăn - Ảnh 1.

Nhân viên Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Chánh, TP.HCM bốc vác gạo hỗ trợ cho người dân chiều 18-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-8, một lãnh đạo TP.HCM cho biết TP.HCM đã làm việc với Thủ tướng cũng như các bộ, ngành để trao đổi về kiến nghị trên.

Hỗ trợ cho hơn 4,7 triệu người

Văn bản cho biết UBND TP.HCM kiến nghị hỗ trợ cho TP.HCM số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo. Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ.

Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ 1.580.100 hộ với khoảng 4.749.330 người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15kg/người.

Lãnh đạo TP.HCM một lần nữa chia sẻ người dân các tỉnh đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM nên yên tâm lưu lại trong thời gian dịch bệnh. TP.HCM đang tập trung để lo cho người dân trong những ngày tới. Chính phủ, cùng các bộ, ngành cũng đang tập trung quan tâm để chăm lo cho người dân khó khăn. Hiện nguồn lực Chính phủ và TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo chăm lo đủ cho người dân trụ lại trong thời gian giãn cách mới. 

"Bất kỳ hành động tự phát nào của người dân lúc này cũng sẽ ảnh hưởng đến thành quả, gây khó khăn cho công tác chống dịch của thành phố. Cho nên bà con có khó khăn cứ yên tâm gọi cho bất kỳ đường dây nóng nào công khai đều sẽ được hỗ trợ kịp thời", vị lãnh đạo UBND TP.HCM nói với Tuổi Trẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng thời gian giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Rất nhiều người lao động, sinh viên, công nhân... gặp khó khăn, vất vả. Do đó TP.HCM gặp khó khăn khi lo vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho người dân.

Theo ông Ngân, do tỉ lệ điều tiết ngân sách còn thấp, nguồn ngân sách giữ lại hầu như TP.HCM tập trung cho chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Thiếu hụt ngân sách, TP.HCM thường xuyên bội chi phải phát hành trái phiếu để bù đắp. Do vậy ngân sách TP.HCM không có để dự trữ, tích lũy nhiều nên khi cần phải tập trung tài chính cho việc chăm lo người dân sẽ bị thiếu hụt.

"TP.HCM rất mong nhận được sự ủng hộ đó. Không chỉ nhân lực y tế, máy móc, thiết bị, vắc xin mà còn mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ hỗ trợ tài chính để TP đủ nguồn lực chăm lo cho người dân" - ông Ngân nói.

Phân tích thêm, ông Ngân nói trước khi dịch bệnh xảy ra, tổng thu ngân sách hằng năm của TP.HCM dao động khoảng 400.000 tỉ (trong năm 2020 khoảng 371.000 tỉ), bình quân mỗi năm TP.HCM nộp cho trung ương khoảng 300.000 tỉ. 

Do vậy với số tiền 28.000 tỉ TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ có thể nghe thấy cao, nhưng so với tổng thu ngân sách TP.HCM đã nộp hằng năm, cũng như quy mô dân số đông và ảnh hưởng dịch đang rất nặng nề thì đây là số tiền khả thi để được hỗ trợ.

"Với sự thiệt hại nặng nề về con người, xã hội của TP.HCM hiện nay, tôi rất tin tưởng các cơ quan trung ương sẽ sẵn sàng đồng hành và xem xét hỗ trợ kịp thời cho TP.HCM trong lúc khó khăn này" - ông Ngân chia sẻ.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ TP.HCM lúc khó khăn - Ảnh 2.

Ông Đặng Thanh Tân, bí thư chi bộ khu phố 3, phường 15, quận 10, trao tiền hỗ trợ cho chị Phạm Kim Miên - thuê nhà bán cơm chay bị thất nghiệp do dịch COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Báo cáo Thủ tướng để kịp thời hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về kiến nghị trên của UBND TP.HCM, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết sau khi tiếp nhận kiến nghị này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã lập tức giao cho các bộ, ngành liên quan có ý kiến cụ thể, sau đó Chính phủ sẽ xem xét, quyết định.

Cùng trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện ông chưa nhận được văn bản của TP.HCM. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi với lãnh đạo UBND TP.HCM, cũng như tham gia các cuộc họp của Chính phủ liên quan đến chống dịch COVID-19 nên cũng nắm sơ bộ được tình hình, cũng như qua thông tin báo chí đã nêu.

Riêng số gạo mà TP.HCM đề xuất, ông Phớc khẳng định Bộ Tài chính sẽ giao Tổng cục Dự trữ xuất cấp ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng. Còn đối với nguồn tiền, theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước mắt TP.HCM nên chủ động sử dụng nguồn lực hiện có gồm 10% từ tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, tiếp khách, công tác trong và ngoài nước... và sử dụng cả quỹ dự trữ tài chính của địa phương. 

"Căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách trung ương, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tính toán nhiều phương án huy động nguồn tiền và sẽ báo cáo Thủ tướng để kịp thời hỗ trợ cho TP.HCM" - ông Phớc nói.

Ông Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm nguồn ngân sách dự phòng theo thẩm quyền của Thủ tướng thì một năm được có 17.500 tỉ đồng. Trong khi đó, đến thời điểm này, nguồn dự phòng ngân sách năm nay chỉ còn 1.400 tỉ đồng bởi phần lớn đã chi cho công tác phòng chống dịch. 

Trường hợp đề xuất nguồn ngân sách khác dự toán Quốc hội đã phê duyệt thì Chính phủ sẽ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng tình với kiến nghị của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết tinh thần của Bộ LĐ-TB&XH là ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với các địa phương, trong đó có TP.HCM về triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân để đảm bảo đời sống vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Cùng trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó chủ tịch Quốc hội khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch, luôn sát cánh cùng Chính phủ để trong những trường hợp cần thiết, theo thẩm quyền sẽ kịp thời đưa ra các quyết định đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. 

Riêng về các kiến nghị của TP.HCM, vị phó chủ tịch Quốc hội chia sẻ, hiện nay phía các cơ quan của Quốc hội chưa nắm được thông tin, văn bản cụ thể, do đó chưa thể xem xét. Trong trường hợp đề xuất của TP.HCM thuộc thẩm quyền các cơ quan của Quốc hội hoặc cần có ý kiến của cơ quan của Quốc hội thì sẽ có ý kiến hoặc quyết định kịp thời theo thẩm quyền.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ TP.HCM lúc khó khăn - Ảnh 3.

Các "Giỏ quà nghĩa tình mùa dịch" được trao tặng cho người khó khăn ở quận 11, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đã hỗ trợ 807,6 tỉ đồng cho lao động tự do gặp khó khăn

Tính từ thời điểm thực hiện đợt giãn cách đầu tiên 31-5-2021 đến nay, TP.HCM đã triển khai đồng thời hai gói hỗ trợ gồm gói 886 tỉ đồng theo nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM và gói 26.000 tỉ theo nghị quyết 68 của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nguyên tắc là trường hợp người được hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ cao nhất.

Theo báo cáo của HĐND TP.HCM, tính đến 16-8, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã hỗ trợ 807,6 tỉ đồng cho lao động tự do (không giao kết hợp đồng lao động) bị mất việc, trong đó hỗ trợ đợt 1 cho hơn 365.000 lao động tự do (548,7 tỉ đồng) và đợt 2 cho 172.500 người, mỗi lao động nhận 1,5 triệu đồng.

365.000 lao động tự do gặp khó khăn được thống kê đợt 1 là những người thuộc 6 nhóm ngành nghề gồm: buôn bán hàng rong, nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); người làm thuê (không có hợp đồng lao động) tại các tụ điểm, khu vui chơi...

VŨ THỦY

Chính phủ nên quyết nhanh nhất có thể

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đã có ý kiến như trên về đề xuất của UBND TP.HCM với Chính phủ. Bởi theo bà Thúy, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đã được quy định trong Hiến pháp.

"Nếu chính sách không đảm bảo tối thiểu mức sống cho người dân, bất cứ ai cũng nghĩ sẽ về nhà. Nếu lòng dân bất an dễ xảy ra bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy

Chia sẻ thêm, bà Thúy nói: Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ khẳng định bằng tinh thần "không để bất kỳ một người dân nào thiếu đói". Do đó việc TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 28.000 tỉ đồng chăm lo cho người dân khó khăn là cấp bách, cần thiết lúc này.

Chống dịch ngoài lo cứu chữa cho người nhiễm, một việc quan trọng không kém là chăm lo cho người dân để bảo vệ được nguồn lao động khỏi tổn hại, để phục vụ việc phục hồi kinh tế. Việc đóng góp của các nhà hảo tâm, thiện nguyện hiện nay rất quan trọng, tháo gỡ phần nào khó khăn trong bối cảnh "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Nhưng sự trợ giúp này chỉ mang tính tạm thời và không thể đều đặn được khi dịch bệnh còn kéo dài. Vai trò đảm bảo cuộc sống tối thiểu và quyền an sinh xã hội đặt lên vai của Nhà nước. Tinh thần "ai ở đâu ở đó" chưa đủ mà phải thêm "ai ở đâu nhận hỗ trợ ở đó".

chuducbagac

Xe hàng chuyển đến nhà tổ trưởng để chia phần, phát cho bà con xóm trọ nghèo, phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG AN

Hai đối tượng bị ảnh hưởng khó khăn nhất do dịch hiện nay là người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức và công nhân cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa, trong đó có người lao động nhập cư. Họ là một phần của TP và lâu nay đóng góp cho TP. Giãn cách kéo dài, không có việc làm đã khiến họ lâm vào tình trạng khó khăn.

Dòng người rời TP là minh chứng cho sự khó khăn, quá mức chịu đựng của họ. Lúc này là lúc cứu dân, an sinh xã hội là phao cứu họ, đồng thời nhìn rộng hơn nữa bảo đảm an dân rất quan trọng.

Số tiền 28.000 tỉ, thậm chí còn hơn nữa để hỗ trợ dân, nếu chi đúng, hiệu quả thì bao nhiêu cũng phải chi để vực dậy người dân lúc này. Hy vọng Chính phủ sớm chấp nhận đề xuất để nguồn lực được sử dụng hiệu quả, sớm hỗ trợ tới tay người dân. Sự quan tâm của lãnh đạo TP lúc này, hiểu rộng ra cũng là sự đền đáp cho những đóng góp của người lao động cho TP.

Quốc hội kỳ họp vừa qua đã trao cho Chính phủ nhiều quyền trong chống dịch. Trong lúc này, để đáp ứng kịp thời trợ cấp nhanh cho dân, Chính phủ cần san sẻ nguồn lực của TP.HCM, hỗ trợ nhanh nhất có thể. Chính sách ủng hộ, Chính phủ quyết được càng sớm càng tốt, sớm ngày nào hay ngày đó. Nếu lấn cấn thủ tục có thể báo cáo Quốc hội ở kỳ họp gần nhất. Miễn sao các gói trợ cấp từ nguồn tài chính này sẽ đến đúng, đủ tay người thụ hưởng.

Còn việc kiểm tra sẽ hậu kiểm sau, nếu có tiêu cực phải xử lý nghiêm. Mặt khác, theo tôi, bên cạnh việc hỗ trợ an sinh tại chỗ, TP.HCM cũng cần tính toán tới nguyện vọng chính đáng của người dân, liên hệ với các địa phương để tiếp nhận bài bản đưa người dân về quê an toàn.

TIẾN LONG ghi

TP.HCM khuyến khích nhà thuốc bán thuốc giá hỗ trợ, giao thuốc tận nhà cho F0 TP.HCM khuyến khích nhà thuốc bán thuốc giá hỗ trợ, giao thuốc tận nhà cho F0

TTO - Ngày 18-8, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản về việc quản lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng F0 cách ly tại nhà, khuyến khích các nhà thuốc bán các loại thuốc điều trị COVID-19 tại nhà với giá hỗ trợ và giao tận nhà cho F0.

T.LONG - L.THANH - H.QUÂN - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên