Hoạt động này do UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt phối hợp tổ chức, nhân ngày giỗ lần thứ 191 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt theo nghi thức cung đình
Năm nay lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong ba ngày, từ 14 đến 16-9 (nhằm ngày 30-7, 1 và 2-8 âm lịch).
Các hoạt động chính diễn ra trong ba ngày gồm: lễ cúng tiên thường theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn; lễ xây chầu - đại bội; lễ tế tiền hiền - hậu hiền - anh hùng liệt sĩ…
Giống như hằng năm, sau khi thực hiện các nghi thức lễ, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt sẽ tiếp đón người dân đến chiêm bái mỗi ngày diễn ra lễ giỗ.
Qua đó giúp người dân bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước.
Khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc
Theo ban quản lý, tính đến trưa nay (15-9) có gần 100 đoàn đến từ các đình, tổ đình, miếu… tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận về dự lễ giỗ.
Bà Trần Thị Sáu (90 tuổi) đến từ Đình thần Phú Hựu (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết bà và các thành viên trong đoàn phải thức dậy từ rất sớm để đến TP.HCM kịp giờ làm lễ.
Tham dự lễ giỗ còn có bà Lê Huỳnh Hoa - hậu duệ đời thứ sáu của Tả quân Lê Văn Duyệt, và các con cháu nhà họ Lê, cũng đã thắp hương tưởng nhớ.
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt - cho rằng hoạt động này còn khơi dậy tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn dân tộc cũng như phát huy những giá trị truyền thống được gìn giữ bao đời qua trong người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Hôm 14-9, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM đã tham dự, dâng hương tưởng niệm Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông là người có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận