24/04/2025 09:28 GMT+7

TP.HCM nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế

TP.HCM đang lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo của thành phố đến năm 2030.

sinh viên quốc tế - Ảnh 1.

Sinh viên quốc tế tại Trường ĐH Việt Đức - Ảnh: N.T.

Trong khi đó, các trường đại học cũng đang nỗ lực để thu hút sinh viên quốc tế.

Nhiều lý do chọn Việt Nam

Saran Palanisamy (người Ấn Độ) là sinh viên ngành y khoa khóa 2021 tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Toàn bộ chương trình đào tạo y khoa Saran Palanisamy đang học được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Saran Palanisamy là một trong số 50 sinh viên Ấn Độ đầu tiên du học tự túc ngành y khoa tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Saran Palanisamy chia sẻ kỳ thi tuyển sinh y khoa tại Ấn Độ rất khốc liệt trong khi số trường y không đáp ứng hết nhu cầu của thí sinh.

"Đó là lý do chính tôi chọn Việt Nam học đại học ngành y. Cách thức đào tạo y khoa tại Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm khác nhau nhưng chất lượng đào tạo ở đây cũng có thế mạnh riêng. Chi phí học tập và sinh hoạt ở Việt Nam tương đối vừa phải trong khi học ở Ấn Độ rất tốn kém" - Saran Palanisamy nói thêm.

Trong khi đó, Park Jun Seo (Hàn Quốc) lựa chọn Việt Nam để học đại học vì cảm thấy cơ hội học tập và làm việc tại Việt Nam dễ dàng hơn Hàn Quốc. Park Jun Seo đã tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh quốc tế tại ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện đang tiếp tục học đại học ngành kế toán doanh nghiệp. 

Park Jun Seo cho biết môi trường, cơ sở vật chất của ĐH Kinh tế TP.HCM khá hiện đại, giáo viên cũng rất xuất sắc. Bản thân cảm thấy rất hài lòng.

Sinh viên quốc tế chính quy có xu hướng tăng

PGS.TS Bùi Quang Hùng - phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM - cho hay hệ chính quy của trường có hơn 40 sinh viên nước ngoài đang theo học. Đa số là sinh viên đến từ Myanmar, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, New Zealand, Lào, Ukraine, Campuchia... 

Với các chương trình trao đổi, mỗi năm có hơn 100 sinh viên nước ngoài đến trường học và cũng có bấy nhiêu sinh viên sang trường đối tác học.

Theo các trường, số lượng sinh viên quốc tế theo học chính quy có xu hướng tăng nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Phần lớn sinh viên quốc tế hiện nay ở các trường thuộc diện ngắn hạn, trao đổi sinh viên kéo dài 1-2 học kỳ.

TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức - cho biết khoảng 2% tổng số sinh viên là từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu. Năm học 2024-2025, trường tiếp nhận hơn 100 sinh viên đến từ các nước trong khu vực và châu Âu.

Trong khi đó PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết số sinh viên quốc tế (du học tự túc) chính quy của trường chỉ vài người. Phần lớn sinh viên quốc tế đến từ mạng lưới các trường đại học đối tác của trường, đưa sinh viên sang trao đổi 1-2 học kỳ. Sinh viên của trường cũng sang trường đối tác học 1-2 học kỳ.

"Thực tế việc thu hút sinh viên quốc tế không hề dễ dàng do môi trường tổng thể chưa thuận lợi. Chẳng hạn trên lớp sinh viên học bằng tiếng Anh nhưng khi ra ngoài để đi chợ, mua sắm, sinh hoạt sẽ khó. Hơn nữa, ngoài các sinh viên muốn có trải nghiệm văn hóa thì phần lớn sinh viên có xu hướng chọn du học ở các nước phát triển hơn đất nước của họ" - ông Vũ giải thích thêm.

Trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo

Năm 2023, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với UBND TP.HCM lập đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo, thu hút sinh viên của khu vực và thế giới.

Năm 2023, UBND TP.HCM có quyết định thành lập tổ công tác và tổ giúp việc triển khai thực hiện đề án này. Tổ công tác thực hiện chức năng giúp UBND TP.HCM trong công tác phối hợp với Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đại học trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện đề án.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế và chính sách định hướng chiến lược phát triển TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục đại học, sau đại học, xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế... để thu hút sinh viên khu vực và quốc tế học tập tại thành phố.

Là thành viên tổ phó tổ công tác, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đánh giá đề án này nếu thực hiện tốt sẽ rất triển vọng và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Mặc dù vậy, ông cũng có một số góp ý cho đề án đang được lấy ý kiến.

"Đề án nên bổ sung nội hàm của hội nhập quốc tế để đảm bảo tính định hướng hành động. Cân nhắc có thêm các phụ lục để đảm bảo có các dữ liệu và minh chứng để đảm bảo tính thuyết phục của đề án. Cân nhắc bổ sung một số ý liên quan đến việc cơ chế khuyến khích người học là người nước ngoài với các giải pháp định hướng để đảm bảo tính thu hút của đề án này. Cân chỉnh lộ trình cập nhật của đề án để đảm bảo tính khả thi. 

Bên cạnh đó cần đảm bảo cập nhật các văn bản pháp lý về quy hoạch, hướng dẫn đào tạo, đảm bảo chất lượng... của bộ ngành khi xây dựng đề án chi tiết" - GS Sơn nêu.

Ông Bùi Quang Hùng cho rằng để trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo cần phải tạo ra môi trường giáo dục quốc tế, chương trình đào tạo quốc tế và đội ngũ giảng viên chuẩn quốc tế. 

Có chương trình đạt chuẩn quốc tế mới có thể mời giảng viên quốc tế giảng dạy. Cơ sở vật chất và các tiện ích phục vụ người học, các hoạt động giáo dục quốc tế đa dạng. Có như vậy mới thu hút được sinh viên quốc tế theo học.

"Trường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế trên cơ sở đối sánh và được các trường đại học quốc tế thừa nhận nhưng việc mời giảng viên nước ngoài rất khó. 

Làm sao để có cơ chế dịch chuyển lao động quốc tế đến làm việc, nhất là các trường đại học trọng điểm. Hiện nay việc xin giấy phép lao động cho giảng viên rất khó. Mấy năm qua trường chỉ tuyển được vài giảng viên" - ông Hùng đề xuất.

Cùng quan điểm này, ông Đinh Đức Anh Vũ nói rằng khó khăn không nằm ở thù lao hay lương cho giảng viên nước ngoài mà vướng các quy định về giấy phép lao động với người nước ngoài.

"Dù họ tự xin giấy phép lao động hay trường thay mặt làm thì thủ tục giấy tờ vẫn rất khó khăn và nhiêu khê" - ông Vũ nói.

sinh viên quốc tế - Ảnh 2.

Sinh viên (Ấn Độ) ngành y khoa Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng trong lễ khoác áo blouse trắng - Ảnh: N.T.

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

Hiện nay nhiều trường đại học đang triển khai đào tạo sinh viên theo Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của UBND TP.HCM. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia đề án thành phần số 8, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị.

GS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - đánh giá hoạt động này có tác động tích cực đến nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển dụng của thành phố cho nhân lực ở ngành này chưa có số lượng chính xác nên nhà trường gặp khó khăn trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp với nhu cầu.

Tương tự ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện đề án thành phần số 5, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính - ngân hàng.

Ông Bùi Quang Hùng cho biết trường xây dựng chương trình riêng, đối sánh chương trình với các đại học đối tác uy tín và đã tuyển sinh một khóa.

"Nếu thành phố tham gia đặt hàng, cấp ngân sách và sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tốt hơn" - ông Hùng nói.

TP.HCM có rất nhiều thuận lợi

Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh - chủ tịch Hội đồng Viện phát triển giáo dục đại học Sài Gòn (SIHED) - cho rằng TP.HCM có rất nhiều thuận lợi để phát triển thành trung tâm sáng tạo, giáo dục, đầu tư kinh doanh... so với các khu vực khác. Giáo dục của thành phố cũng phát triển tốt hơn, giáo dục mở, giao lưu với kiều bào, trí thức ở nước ngoài khá nhiều.

Với những điều kiện như vậy, việc phát triển thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo sẽ thuận lợi và có đòn bẩy tốt. Tuy nhiên thành phố cần có chiến lược lâu dài. Thành phố cũng cần phải đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực các cấp hiện tại, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong 20 năm tới.

Nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế - Ảnh 3.Sinh viên quốc tế mặc áo dài, gói bánh tét tặng người nghèo

Nhiều sinh viên quốc tế thích thú khi được trải nghiệm gói bánh tét và những hoạt động đặc sắc của Tết truyền thống Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên