Chiều 9-5, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cùng các sở ngành đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.
Theo ông Bùi Thanh Tân - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (gọi tắt là Ban quản lý dự án hạ tầng) - giai đoạn 2016 - 2020 ban vẫn còn nhiều dự án chưa thể thực hiện vì gặp nhiều vướng mắc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ban sẽ tiếp tục triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành 9 dự án.
Cụ thể có 3 dự án giải quyết 3 điểm ngập gồm đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Cùng với đó là các dự án cải tạo hệ thống thoát nước như đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), đường Thảo Điền - Quốc Hương (quận 2), khu vực chợ Thủ Đức...
Nguyên nhân chậm trễ giải ngân, ông Tân cho biết do nguồn vốn giải ngân được tính toán hơn 100.000 tỉ đồng nên hiện tại nhiều dự án chống ngập khác chưa triển khai được.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, việc di dời hạ tầng điện, cây xanh... tại các khu vực của dự án phải qua nhiều quy trình cũng khiến việc triển khai dự án trì trệ.
Đối với các dự án chống ngập, ban đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng, rạch Văn Thánh... để có thể giảm bớt điểm ngập do triều cường và mưa, cải tạo mỹ quan môi trường, đô thị.
Với 81 dự án chậm giải ngân gồm chống ngập và cây xanh, môi trường... các đại biểu cho rằng Ban quản lý dự án hạ tầng nên đưa ra nguyên nhân chậm trễ cụ thể từng dự án để có thể gỡ vướng từng khó khăn, đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Ban quản lý dự án hạ tầng cần phải tập trung giải quyết các dự án thoát nước.
Bởi thực tế cho thấy hiện nay thành phố có rất nhiều điểm ngập nhưng dự án được triển khai quá ít so với nhu cầu. Bà Lệ đề nghị phải có sơ đồ các hệ thống thoát nước để có thể theo dõi, rà soát tình hình.
Mặt khác, Ban quản lý dự án hạ tầng cần phải kiểm tra rà soát lại các dự án có khả năng thực hiện, những dự án nào không có khả năng; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán bố trí nguồn vốn đúng đắn, hợp lý, tránh lãng phí.
"Từ bài học giải phóng mặt bằng của vành đai 3, các sở ngành cần học hỏi để chuẩn bị cho dự án rạch Xuyên Tâm và các dự án khác. Học hỏi về phương pháp truyền thông, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân để có thể nhanh chóng triển khai các dự án", bà Lệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận