27/07/2021 18:24 GMT+7

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn

ĐAN THUẦN
ĐAN THUẦN

TTO - TP.HCM đã qua gần 2 tháng giãn cách xã hội theo các chỉ thị 15, 10, 16 và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường. Nhiều người dân TP.HCM bảo nhau: 'Chấp nhận khó chịu xíu, ăn uống bớt chút để sớm qua COVID-19".

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 1.

Khu vực Nhà hát TP (phường Bến Nghé, quận 1) vắng người qua lại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dịch bệnh COVID-19 kéo đến đã phá tan nhịp sống sôi động, hối hả tại TP.HCM, thay vào đó là những ngày giãn cách xã hội vắng lặng đến nao lòng. Và nơi để thấy sự tương phản rõ rệt nhất đó là trung tâm TP.HCM.

Vắng lặng chưa từng có

Những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tăng cường, những khu vực như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện và các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt… trở nên vắng lặng.

Ban ngày, ngoại trừ xe cấp cứu, đội ngũ shipper, nhân viên y tế, đội ngũ phòng chống dịch di chuyển thưa thớt trên đường thì còn lại các hàng quán, nhà cửa tại đây đều "cửa đóng then cài".

Những tuyến đường vào trung tâm TP, chốt kiểm soát được bố trí dày đặc. Chỉ những trường hợp làm việc tại những đơn vị thiết yếu mới được phép qua chốt. Bên trong, các tổ kiểm tra lưu động thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp ra đường không cần thiết.

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 2.

Vòng xoay Lăng Cha Cả thưa thớt xe cộ lưu thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại vòng xoay Lăng Cha Cả chiều 27-7, đường phố thông thoáng, rất ít phương tiện di chuyển qua đây - nơi từng thường xuyên xảy ra ùn tắc do một lượng lớn phương tiện giao thông từ sân bay, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận đổ về.

Sự vắng vẻ của TP cũng rất dễ nhận thấy ở tuyến đường Phạm Văn Đồng, những chiếc xe máy thi thoảng chạy qua đây như lạc lõng giữa tuyến đường 12 làn xe trống trơn.

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 3.

Đường Phạm Văn Đồng có thời điểm làn ôtô không có một chiếc nào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chị Nguyễn Phương Anh (24 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết từ trước khi TP giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, chị hầu như không ra khỏi nhà. Công việc được chị Phương Anh làm online, nguồn thức ăn được mua thông qua các kênh trực tuyến, dự trữ đủ dùng.

Còn chị Phan Nguyễn Anh Thi (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ: "Tôi ủng hộ TP thực hiện giãn cách triệt để, có như vậy mới mong kiểm soát dịch tốt hơn. Chúng tôi chấp nhận tù túng một chút, ăn uống hạn chế hơn thông thường một chút, sớm dập được dịch mới quan trọng".

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 4.

Xe đi trên đường Hoàng Minh Giám đếm được trên đầu ngón tay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Nơi nào vi phạm giãn cách, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu"

Ông Lê Đức Thanh - chủ tịch UBND quận 1 - cho biết quận đã triển khai hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tăng cường. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào thì UBND quận sẽ xử lý nghiêm chủ tịch UBND phường và những người có liên quan tại địa bàn phường đó.

"Bên cạnh việc quản lý chặt, quận cũng có phương án cung ứng lương thực, thực phẩm như phát phiếu đi chợ và tổ chức những xe bán hàng lưu động đến tận những khu phố... " - ông Thanh cho biết.

Còn tại quận Bình Thạnh, UBND quận này yêu cầu UBND các phường hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng nhà dân đang cách ly y tế tại các khu phong tỏa có nguy cơ rất cao. Đối với các gia đình có ca F0, F1, chính quyền địa phương tổ chức đi chợ giúp dân.

Ông Lê Văn Thinh - bí thư Quận ủy quận Bình Tân - cho biết phần lớn trường hợp lây nhiễm ở quận là công nhân sống tại các khu nhà trọ chật hẹp. Do đó, quận dự định lấy ý kiến người dân, nếu xét nghiệm âm tính thì sẽ đưa họ đến những địa điểm khác đảm bảo giãn cách hơn để giảm bớt mật độ trong các khu trọ.

"Phương án thứ hai là quận phối hợp với hội đồng hương của các tỉnh, tạo điều kiện cho người dân của các tỉnh đang làm việc tại TP.HCM có nguyện vọng về quê trong giai đoạn này. Chúng tôi đã khảo sát 20.000 người thì đã có khoảng 31% đồng ý về quê. Hiện nay địa phương đang lập danh sách" - ông Thinh thông tin.

Để những ‘hy sinh’ vì giãn cách không vô nghĩa

Theo ThS kinh tế Nguyễn Văn Tâm, tình hình dịch bệnh kéo dài gây ra những thiệt hại kinh tế rất nghiêm trọng, nhất là đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người lao động phổ thông, những đối tượng ít có tiền dự trữ.

"Người dân không có ý thức chấp hành tốt thì tất cả những biện pháp chống dịch sẽ không thể mang lại hiệu quả, thiệt hại kinh tế sẽ còn kéo dài. Để người dân yên tâm giãn cách, chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ. Những khoản hỗ trợ về tiền mặt, thực phẩm cần đến đúng đối tượng và duy trì trong suốt thời gian giãn cách" - ThS Tâm nói.

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 6.

Khung cảnh khác lạ với xe cộ tấp nập lưu thông trước đây - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 7.

Chỉ có vài người dân ngồi tránh nắng dưới gầm cầu vượt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 8.

4 làn xe nhưng rất xa chỉ có vài chiếc ôtô đang chạy - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM: Đường phố thưa vắng để ngày tấp nập trở lại sớm hơn - Ảnh 9.

Đường Phạm Văn Đồng khác lạ so với thường ngày - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Siết chặt giãn cách tại TP.HCM: Ai được ra đường sau 18h? Siết chặt giãn cách tại TP.HCM: Ai được ra đường sau 18h?

TTO - Kể từ ngày 26-7 đến 1-8, người dân TP.HCM hạn chế tối đa ra khỏi nhà từ 18h đến 6h sáng hôm sau.

ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên