01/07/2024 13:50 GMT+7

TP.HCM: Cử tri quá bức xúc với nạn bằng giả

Cử tri quận 5, TP.HCM cho biết hiện trạng buôn bán bằng cấp, sử dụng bằng giả, 'không đi học cũng có bằng' ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục và lòng tin của nhân dân.

Cử tri quận 8 tham dự buổi tiếp xúc - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Cử tri quận 8 tham dự buổi tiếp xúc - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Thông tin được nêu tại hội nghị tiếp xúc cử tri giữa tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 3 với cử tri quận 5, 8, 11, tổ chức sáng 1-7. Đơn vị 3, các đại biểu Quốc hội tham dự gồm: Ông Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

"Bằng giả, bằng thật là một góc tệ nạn"

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Huỳnh Văn Sáu (ngụ khu phố 5, phường 7, quận 5) nêu hiện trạng buôn bán bằng cấp, sử dụng bằng giả, “không đi học cũng có bằng” ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục và lòng tin của nhân dân.

Trả lời ý kiến cử tri, ông Lê Minh Trí cho biết giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia và nhận được sự quan tâm của toàn dân, cả hệ thống chính trị. Người trải qua học tập, rèn luyện mới có thể làm quản lý chuyên môn, nghiên cứu khoa học; người có kỹ năng tay nghề mới trở thành những người thợ giỏi và cán bộ nhà nước cũng phải học tập và lớn lên, qua phấn đấu rèn luyện mới làm lãnh đạo.

Tuy nhiên, phải biết những gì xã hội cần để đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thị trường lao động đang giao thoa và hội nhập quốc tế, chúng ta đào tạo được những chuyên gia giỏi nhưng họ lại đi phục vụ ở nước khác, ngược lại mình có tiền thì có thể thuê chuyên gia giỏi từ các nước khác đến Việt Nam làm việc. Việc thu hút nguồn lực còn phụ thuộc vào dân số.

Nói về việc bằng giả, bằng thật, theo ông Trí, đó là một góc cạnh tệ nạn, thực tế có bằng gì mà không có năng lực thì làm việc ở đâu cũng không được sử dụng.

Ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - trả lời ý kiến cử tri - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - trả lời ý kiến cử tri - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Phòng chống tham nhũng, “phòng đi đôi với chống”

Một cử tri ngụ khu phố 7, phường 4, quận 8 nêu trăn trở về công tác phòng chống tham nhũng với những vụ án gần đây gây thất thoát lớn về tiền của, tài nguyên và nhân lực cho đất nước. Vị cử tri kiến nghị cần giám sát quyền lực người đứng đầu; việc đề bạt, bầu giữ cán bộ vào các chức danh quan trọng phải được xem xét chặt chẽ từ năng lực đến phẩm chất đạo đức và sự tín nhiệm của người dân.

Về vấn đề này, ông Lê Minh Trí cho biết gần 10 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả nhất định với nhiều vụ án được xử lý. Thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước, xử lý tội phạm nghiêm nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được tính nhân văn, thuyết phục. Qua đó giúp công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng tốt lên.

“Cuộc đấu tranh này chúng ta đang tiếp tục làm, đảm bảo phòng ngừa đi đôi với chống, làm thế nào hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chúng ta tiếp tục theo dõi trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, nhiều văn bản, quy định, triển khai tổ chức ở cả trung ương và địa phương, góp ý về cách làm sao cho hiệu quả được tốt hơn”, ông Trí nói.

2 năm làm xong tiến sĩ như thượng tọa Thích Chân Quang là ‘siêu phàm’2 năm làm xong tiến sĩ như thượng tọa Thích Chân Quang là ‘siêu phàm’

Nhiều người cho rằng việc thượng tọa Thích Chân Quang tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học vừa làm năm 2019, đến năm 2021 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật tại Trường đại học Luật Hà Nội là quá “siêu phàm”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên