Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, ấn nút khởi công nhà máy đốt rác phát điện sáng 16-10 - Ảnh: LÊ PHAN
Việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nằm trong lộ trình giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại TP.HCM xuống còn 50% vào năm 2020 và 20% vào năm 2025.
Có mặt tại lễ khởi công, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, bày tỏ sự phấn khởi trước bước ngoặt lớn của ngành môi trường thành phố. Ông Nhân mong muốn thành phố sẽ còn khởi công nhiều nhà máy tương tự để vấn đề xử lý rác thải của thành phố được triệt để và hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, nhà máy này sử dụng lò đốt công nghệ Martin (Đức) đã được áp dụng tại 34 quốc gia. Công nghệ này phù hợp với đặc thù rác thải của châu Á là không được phân loại và có độ ẩm cao.
Theo đó, rác khi đưa về sẽ được ủ từ 5-7 ngày cho khô bớt nước, sau đó được gắp vào lò đốt để xử lý. Nhiệt sinh ra được truyền đến động cơ phát điện.
Riêng phần khí thải được xử lý bằng than hoạt tính và một số hoạt chất khác để loại bỏ các chất độc hại, sau khi khí thải đạt tiêu chuẩn mới thải ra ngoài.
Phần tro xỉ được thu lại để làm gạch không nung, nước rỉ rác được dẫn về khu xử lý tập trung để xử lý và cung cấp ngược lại cho các hoạt động khác của nhà máy.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (giữa), giám đốc Sở tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng (trái) cùng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa thực hiện nghi thức khởi công - Ảnh: LÊ PHAN
Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định đây là công nghệ có nhiều ưu điểm nổi bật, có đóng góp quan trọng tới sự phát triển bền vững của thành phố.
"Thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở ngành nghiên cứu, dự đoán về chiều hướng phát sinh rác thải trong thời gian tới khi dân số ngày càng tăng để có hướng xử lý tốt nhất. Thành phố sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực đốt rác phát điện.
Thành phố rất trân trọng các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác nói riêng và môi trường nói chung trong suốt thời gian qua đã đồng hành cùng sự phát triển của thành phố", ông Phong nói.
Ông Ngô Xuân Tiệc - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cũng cam kết với lãnh đạo thành phố về việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy đúng tiến độ, không để người dân phải than phiền về các vấn đề phát sinh khi xử lý rác.
Trước đó vào ngày 28-8, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TP.HCM đã được khởi công xây dựng trong khu đất của Công ty cổ phần Vietstar với công suất 2.000 tấn rác/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận