Tiêm vắc xin cho người dân tại điểm số 1 Huyền Trân Công Chúa (quận 1, TP.HCM) ngày 14-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều quận huyện tại TP đang phát đi thông báo khuyến khích người dân đi tiêm không cần đăng ký trước, không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú.
Đến từng nhà để tiêm
Chỉ cần trình thẻ căn cước công dân và chứng minh mình là "công dân quận 4", chị L. (23 tuổi, ngụ phường 13, quận 4) đã nhanh chóng được tiêm mũi vắc xin đầu tiên dù chưa đăng ký. "Tôi khá sốt ruột khi theo dõi tin tức biết được TP.HCM tính toán dùng giấy xác nhận đã tiêm vắc xin để cấp thẻ xanh ra đường làm việc. Chưa tiêm được mũi vắc xin nào, hôm nay tôi chạy qua đăng ký và may mắn được tiêm ngay" - chị L. chia sẻ.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ từ trưa 14-9, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn quận 4 đã đến Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (phường 12, quận 4) để tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2. Ngồi tại bàn tiêm vắc xin, bà N.T.T.T. (50 tuổi, ngụ phường 10) được nhân viên y tế tư vấn sẽ tiêm mũi 1 vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Bà T. đắn đo một lúc nhưng sau đó bà đã đồng ý tiêm vắc xin. "Lúc đầu tôi hơi ngại nhưng thấy người bạn mắc nhiều bệnh nền và được bác sĩ tư vấn, bạn tôi đã tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh nên tôi cũng yên tâm tiêm vắc xin" - bà T. nói.
Theo đại diện Trung tâm Y tế quận 4, trong sáng 14-9 có khoảng 600 người, chủ yếu ở phường 10, được tiêm vắc xin. Những ngày qua, điểm tiêm này cũng đã tiếp nhận tiêm vắc xin cho rất nhiều người dân trên địa bàn quận 4. Và để được tiêm, người dân không cần đăng ký, tuy nhiên phải xuất trình được một số giấy tờ chứng minh.
Còn tại điểm tiêm sân vận động Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1) từ chiều 14-9, rất nhiều người dân xếp hàng dài trên đường Huyền Trân Công Chúa. Bên trong sân vận động, nhiều người ngồi đợi kín ở các khán đài để chờ đến lượt tiêm vắc xin mũi 1. Cho đến hơn 18h30 cùng ngày, các nhân viên y tế mới hoàn thành việc theo dõi sau tiêm cho những người tiêm vắc xin cuối cùng.
Có mặt tại điểm tiêm này lúc 14h nhưng đến hơn 18h chị Đặng Thị Nhân (ngụ phường Đa Kao, quận 1) mới hoàn tất việc tiêm mũi 1 vắc xin Vero Cell. Chị Nhân cho biết lý do mình tiêm vắc xin trễ là thời gian qua khu vực chị sinh sống bị phong tỏa. "Tôi nhận thông báo quận 1 tiêm cho tất cả người dân nên đi. Tôi rất cần giấy xác nhận tiêm vắc xin để còn đi làm khi TP kiểm soát được dịch" - chị Nhân nói.
Bác sĩ Hồng Tươi - Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết trong ngày 14-9, điểm tiêm đã tiếp nhận tiêm mũi 1 cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn quận 1 mà không cần thư mời, tin nhắn hay đăng ký trước. Khi đến điểm tiêm, người dân chỉ cần trình giấy chứng minh nhân dân hay địa chỉ nơi làm việc thuộc địa bàn quận 1 sẽ được tiêm vắc xin.
Bác sĩ Tươi cho biết thêmđiểm tiêm bắt đầu tiêm lúc 8h30 và kết thúc 18h30, trễ hơn 1 tiếng rưỡi so với dự kiến do số lượng người cần tiêm quá đông. Trong 10 giờ, điểm tiêm đã tiêm 520 lọ vắc xin Vero Cell, tương đương 1.040 người.
Theo bác sĩ Tươi, đây là ngày có số lượt tiêm cao nhất từ trước đến nay. Lý do, người dân cần giấy xác nhận đã tiêm vắc xin và đây cũng là kế hoạch của quận, sớm phủ hết vắc xin cho tất cả những người từ 18 tuổi trên địa bàn.
"Lượng người tiêm quá đông nhưng nằm trong kế hoạch" - bác sĩ Tươi nói và cho biết ngày 15-9, điểm tiêm vẫn tiếp tục tiếp nhận tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn mà không cần thư mời hay đăng ký trước.
Bác sĩ Đỗ Thị Tân - phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết tính đến ngày 14-9 quận 1 đã tiêm được 97% (mũi 1) và 26% (mũi 2) trong tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận. Để sớm đạt mục tiêu đề ra, đơn vị mở rộng 2 điểm với 4 bàn tiêm cố định.
Trong khi đó tại quận Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận - cho biết nhiều ngày qua đơn vị đã cử lực lượng thông báo đến từng tổ dân phố, khuyến khích những người chưa tiêm mũi 1 đi tiêm vắc xin. Đến nay tỉ lệ tiêm chủng mũi 1 đã đạt 94,9% (con số này đã trừ 3 nhóm người gồm F0, người chống chỉ định và nhóm không tiêm - PV) và mũi 2 khoảng 20% trên tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận. Trong vài ngày tới địa phương cố gắng tiêm mũi 1 đạt 99% số người từ 18 tuổi trở lên.
Người dân được đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 14-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đã tiệm cận với mục tiêu đề ra
TP.HCM bước vào cao điểm tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 9 đến 15-9, với mục tiêu tiêm phủ mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi (trước đó UBND TP từng đặt mục tiêu hơn 70%) và tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian nhằm đảm bảo điều kiện an toàn phòng dịch trong bối cảnh hồi phục kinh tế. Để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi, ước tính giai đoạn này TP còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1 và 927.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2. Tổng cộng cần có 1.806.000 mũi tiêm.
Ghi nhận những ngày gần đây có nhiều người dân rất muốn được tiêm vắc xin sau khi hay tin TP.HCM đang xây dựng lộ trình áp dụng "thẻ xanh vắc xin" cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin như một loại giấy thông hành để đi lại, làm việc. Số liệu thống kê của ngành y tế còn cho thấy quận 11 và quận 12 là hai địa phương đang có tỉ lệ tiêm vắc xin vượt trội.
Ông Nguyễn Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho biết đến nay địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 cao nhất với 98,9%, mũi 2 là 35% (tương đương 63.000 người) cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Theo ông Long, không thể đạt tỉ lệ 100% người tiêm mũi 1, bởi lẽ trong độ tuổi này có nhiều trường hợp là F0 và một số mang các bệnh lý chống chỉ định tiêm vắc xin. "Nhờ việc đẩy mạnh tiêm mũi 1 mà chúng tôi đạt được một số kết quả tốt trong việc kéo giảm số ca mắc, chuyển nặng và tử vong. Đó cũng chính là bài học để tuyên truyền cho người dân, giúp thay đổi nhận thức để tham gia tiêm chủng đầy đủ" - ông Long chia sẻ.
Giám đốc một trung tâm y tế quận ngoại thành cho biết hiện nay tỉ lệ phân bổ các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer rất hạn chế. Do đó việc tiêm chủng mũi 2 có lúc cũng phải "cầm chừng". "Nhu cầu của người dân về việc có thẻ xanh rất lớn, do đó dự báo trong những ngày tới việc người dân chưa tiêm chủng mũi 1 đi tiêm vắc xin rất đông. Muốn đẩy nhanh tốc độ, các địa phương cần tiếp tục được phân bổ vắc xin kịp thời, đủ các loại theo yêu cầu tiêm chủng đặt ra" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết dựa vào dữ liệu dân cư từ 18 tuổi trở lên (thời điểm này) đang sinh sống tại TP.HCM thì tỉ lệ tiêm chủng đến ngày 14-9 đã dần tiệm cận với chỉ tiêu mà TP.HCM phấn đấu đạt 100% người dân được tiêm vắc xin mũi 1 đến ngày 15-9. Dự kiến từ nay đến cuối năm TP sẽ cần khoảng 6 triệu liều vắc xin để hoàn tất việc tiêm mũi 2.
Về kế hoạch tiêm chủng những ngày tới, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết sẽ tập trung rà soát và tiếp cận đầy đủ những người cần được tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để xác định thực tế người trên 18 tuổi đang sinh sống tại địa phương (kể cả người ngoại tỉnh, người nước ngoài); đồng thời ghi nhận đầy đủ thông tin lịch sử tiêm vắc xin của người dân và lập danh sách người cần tiêm mũi 1, mũi 2. Việc tiêm chủng cũng sẽ tăng cường tổ chức nhiều hình thức và mở rộng khung thời gian trong ngày, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vắc xin nhanh nhất có thể.
Dữ liệu: Sở Y tế TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - Tổng hợp: XUÂN MAI - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Người trên 18 tuổi ở TP.HCM thật sự là bao nhiêu?
Theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM vào ngày 30-6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM là 7.208.800 người. Tuy nhiên qua rà soát, báo cáo của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về số liệu dân cư thực tế đang sinh sống trên địa bàn, số lượng người từ 18 tuổi tại TP hiện nay chỉ khoảng 6.043.628 người.
TS.BS Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cũng cho rằng việc xác định chính xác con số người từ 18 tuổi trở nên ở mỗi địa phương hiện khá khó khăn, bởi dân số biến động liên tục; nếu muốn số liệu chính xác nhất có thể phải tính từ thời điểm mà TP.HCM ra quyết định "ai ở đâu, ở yên đó".
Như quận Gò Vấp lúc đầu "đội sổ" với khoảng 525.000 - 550.000 người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên theo bác sĩ Hòa, sau đó lấy con số thời điểm bầu cử (23-5) chỉ có 377.000 người và khi tình hình dịch bắt đầu căng thẳng, quận Gò Vấp chỉ còn 357.000 người từ 18 tuổi trở lên.
TP.HCM có thể tiêm vắc xin cho người từ 12 - 17 tuổi
Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tiêm chủng COVID-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Việc tổ chức tiêm cần trước khi kết thúc học kỳ 1 để các em có thể đến trường vào học kỳ 2, với 642.000 học sinh.
Hiện Bộ Y tế đàm phán và đã có hợp đồng mua hơn 20 triệu liều Pfizer tiêm cho nhóm từ 12-17 tuổi và dự kiến vắc xin sẽ về Việt Nam vào khoảng tháng 11 - 12 năm nay.
Ngày 20-9, toàn tỉnh Kiên Giang sẽ chuyển xanh?
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân theo dõi sức khỏe trong khu vực phong tỏa tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM
Chiều 14-9, ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND, chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang - cho biết tỉnh đặt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 20-9. Tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ và kiểm soát thật chắc các vùng xanh, cô lập các vùng đỏ.
Ông Thành khẳng định tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc ngày 13-9, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục khả thi với lộ trình hợp lý. Kiên Giang quán triệt quan điểm lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Trên nền tảng đó, Kiên Giang phấn đấu đến ngày 20-9 sẽ cơ bản chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng bình thường mới.
Trước đó, trong cuộc họp với các tỉnh thành về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang còn lúng túng khi phòng chống dịch. Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với lãnh đạo Tiền Giang để trao đổi về kế hoạch phòng chống dịch trong thời gian tới nhưng đến cuối ngày lãnh đạo tỉnh này vẫn chưa trả lời.
K.NAM
Đồng Nai: vùng xanh về trạng thái bình thường từ ngày 20-9
Ngày 14-9, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã họp chuẩn bị lộ trình trở lại bình thường mới và kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn.
Cụ thể, từ 0h ngày 20-9 tỉnh bắt đầu thực hiện kế hoạch theo tiêu chí vùng xanh, đỏ, cam và vàng. Vùng xanh về trạng thái bình thường từ ngày 20-9. Giai đoạn chuyển tiếp (từ 0h ngày 16-9 đến hết 19-9) vẫn áp dụng tiếp tục các quy định cũ. Nội dung triển khai chia làm 3 giai đoạn, phụ thuộc vào tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 (tính từ 14 ngày sau tiêm), các vùng đỏ, cam, vàng và xanh sẽ được giảm cấp, nới lỏng dần theo từng giai đoạn. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - nhấn mạnh cần bảo vệ vùng xanh hết sức chặt chẽ, nội bất xuất ngoại bất nhập, người dân chỉ được di chuyển nội vùng.
A LỘC
Bình Dương: 6/9 đô thị đã thành vùng xanh
Trong ngày 14-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương và thị xã Bến Cát đã tổ chức công bố thị xã Bến Cát đạt tiêu chí vùng xanh phòng, chống COVID-19. Đây là địa phương thứ 6 trong số 9 huyện, thị xã, TP của Bình Dương đã công bố đạt tiêu chí vùng xanh. Các địa phương trước đó gồm: TP Thủ Dầu Một, huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng.
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, việc công bố vùng xanh là một cơ sở để các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện mô hình "3 xanh" (nhà máy xanh, phòng trọ xanh và công nhân xanh) được xem xét hoạt động trở lại. Tại lễ công bố, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Bến Cát đã trao quyết định cho phép hoạt động trở lại cho hai doanh nghiệp đầu tiên theo mô hình "3 xanh" tại địa bàn.
Bình Dương đã tiêm được gần 1,9 triệu liều trong tổng số 2,1 triệu liều đã thực nhận, trong đó số lượng tiêm mũi 2 khoảng 53.000 người. Theo ước tính, Bình Dương có trên 1,5 triệu người trên 18 tuổi nên với số vắc xin đã được tiêm, hầu hết người trưởng thành đã có ít nhất 1 mũi vắc xin. Tuy nhiên, nếu cộng cả nhu cầu tiêm vắc xin của trẻ em 12 - 18 tuổi và tiêm mũi 2, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết cần thêm 2,7 triệu liều vắc xin nữa.
BÁ SƠN
Long An: công nhân tiêm 2 mũi vắc xin đi làm bằng xe cá nhân
Ngày 14-9, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngày 15-9 theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 15-9 đến 15-10, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (theo quy định của Bộ Công thương) và các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (là công ty con, chi nhánh, phòng giao dịch... hoặc đối tác sản xuất, gia công của các doanh nghiệp đa quốc gia) được hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp được phép hoạt động sẽ là những đơn vị đã và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", hoặc có lao động đang ở lại nhưng chưa được thẩm định sẽ tiếp tục được thẩm định đạt "3 tại chỗ".
Người lao động khi được doanh nghiệp sử dụng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19 đã qua 14 ngày, đồng thời doanh nghiệp được hoạt động tối đa 50% số lượng lao động so với điều kiện bình thường. Với trường hợp người lao động về nơi cư trú bên ngoài thì doanh nghiệp phải tổ chức đưa đón hằng ngày, nhưng nếu là lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong địa bàn huyện, thị xã, TP nơi doanh nghiệp hoạt động.
Sau khi kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 15-10, tùy vào diễn biến dịch, UBND tỉnh Long An sẽ tiếp tục có các quy định cụ thể cho giai đoạn 2. Tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đang sống ở Long An cũng đã được tiêm 1 mũi vắc xin với tổng số gồm 1.416.099 người, trong đó có 140.990 người đã được tiêm mũi 2.
S.LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận