Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM
Áp dụng công nghệ thông tin vào du lịch
Cách đây khoảng 15 năm, khách du lịch muốn đặt phòng và dịch vụ cho kỳ nghỉ tại Việt Nam rất khó, buộc phải qua các đại lý du lịch, các trung gian mới có thể đặt được phòng ở và các dịch vụ khác. Hầu như du khách không có nhiều cơ hội để nắm bắt thông tin về sản phẩm mình sẽ mua.
Hiện nay, khách du lịch đã tiếp cận gần hơn với người bán sản phẩm mà không cần phải qua quá nhiều trung gian. Những nền tảng trực tuyến như expedia, viator... dùng cho các hoạt động đặt tour du lịch, các dịch vụ đặt phòng có thể đặt qua booking.com, agoda, airbnb...
Những nền tảng này giúp khách du lịch tiết kiệm thời gian tìm kiếm, đánh giá sơ bộ về sản phẩm mình sẽ mua để thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi và thực tế. Chưa kể, họ cũng biết được khá nhiều về món hàng mình sẽ mua, thông qua đánh giá của những người đi trước trên các trang mạng về du lịch. Rõ ràng, công nghệ thông tin đã làm cho ngành công nghiệp không khói của hôm nay khác hẳn hôm qua. Vì vậy, chúng ta cũng phải thay đổi để không bị rớt lại phía sau trong kinh doanh du lịch.
Các công ty du lịch hiện nay cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa những sản phẩm du lịch của mình để bán trên website của công ty hay kết hợp với các website giới thiệu sản phẩm du lịch lớn trên thế giới nhằm tiếp cận nhanh hơn đến với khách hàng, các hãng hàng không, xe lửa, bus đang cung cấp dịch vụ bán vé online, thanh toán online. Đây là một phần rất nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà truyền thông đề cập trong thời gian qua, nhưng chúng ta vẫn còn khá chậm chân.
Xu hướng phát triển điểm đến hạt nhân, vùng du lịch
TP.HCM là điểm đến hạt nhận, trạm trung chuyển giúp phát triển du lịch cho chính thành phố này và các vùng lân cận - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công nghệ thông tin trong du lịch giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn cho kỳ nghỉ của mình, đồng thời tìm ra sản phẩm du lịch phù hợp. Nhiều năm trước đây, các công ty du lịch thường phát triển các sản phẩm du lịch xuyên Việt dài ngày cho khách du lịch phương Tây, thậm chí còn kết hợp với các nước lân cận để đưa vào gói du lịch chào bán cho các đối tác hoặc khách du lịch.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các đơn vị cung ứng dịch vụ địa phương đã có thể tiếp cận khách du lịch hay đại lý bán tour một cách dễ dàng thông qua internet. Do đó lượng tour du lịch xuyên Việt đã giảm khá nhiều theo thời gian và bắt đầu hình thành một mô hình mới trong du lịch, đó là các Vùng du lịch, Điểm đến hạt nhân.
Điểm đến hạt nhân là nơi tiếp nhận ban đầu, ở đây hội tụ các điều kiện như sân bay, nhiều đường bay quốc tế, các dịch vụ đáp ứng các dịch vụ cần thiết cho du khách để họ có thể tự trải nghiệm, tự sắp xếp chuyến đi cho mình, hoặc tìm một đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp địa phương (Local expert) để sắp xếp những chuyến đi, những trải nghiệm thật độc đáo, khác biệt. Các điểm đến hạt nhân muốn nhiều khách du lịch chọn mình là nơi đầu tiên khách du lịch đến thì cần phải tạo ra một vùng du lịch đủ hấp dẫn để khách du lịch quyết định bay đến thành phố/điểm đến của mình thay vì chọn thành phố khác/điểm đến khác.
TP.HCM là điểm đến hạt nhân, nơi kết nối nhiều đường bay quốc tế, có gần 50% khách quốc tế đến bằng đường hàng không chọn TP.HCM làm điểm đến đầu tiên. Đó là một lợi thế, việc còn lại là tạo ra vùng du lịch trong thành phố và liên kết với các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang... nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách và lôi kéo họ lưu trú lâu hơn.
Cần những sản phẩm du lịch độc đáo
Du lịch đường sông tại TP.HCM đang được chú trọng phát triển - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sản phẩm du lịch là sản phẩm vô hình, người mua thường trả tiền trước khi họ được sử dụng dịch vụ, do đó sản phẩm du lịch được gọi là sự trải nghiệm. Vấn đề ở đây là sự trải nghiệm của người mua chứ không phải của người bán. Có những thứ người bán cho là hay, là đẹp, là hấp dẫn, là niềm tự hào nhưng đối với du khách lại quá bình thường. Có thể có những thứ đơn giản thôi, nhưng du khách lại thích, bởi họ chưa bao giờ thấy điều đó nơi họ sống hay đã biến mất từ lâu.
Nhiều du khách dành nhiều thời gian quan sát một chú trâu dầm mình trong bùn trên ruộng lúa, nhưng khi đi qua một chiếc cầu dây văng rất hiện đại thì không có bất kỳ ấn tượng gì. Ở Chiang Mai (Thái Lan), mỗi năm có hàng triệu khách đến du lịch và họ lưu trú rất lâu từ 10 ngày đến cả tháng, họ đi tham quan trải nghiệm các điểm du lịch độc đáo rồi họ còn muốn trải nghiệm thêm cuộc sống của người dân Chiang Mai.
Muốn làm du lịch thành công, câu chuyện sống còn là phải tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn du khách chứ không phải hấp dẫn người tạo ra sản phẩm. Đó là thách thức cho cả điểm đến hạt nhân lẫn các vùng du lịch, vì tạo ra các sản phẩm hấp dẫn là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao của những người làm du lịch.
NGUYỄN CHÂU Á - Giám đốc Công ty Oxalis
Anh Nguyễn Châu Á và bà Tòa (người Vân Kiều, vợ trưởng bản Đoòng). "Trong việc khai thác Sơn Đoòng phục vụ du lịch, một mục tiêu quan trọng của châu Á là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bản địa; để họ không bị gạt qua bên lề của sự phát triển" anh Á nói. Ảnh: NVCC
Ngay tại Quảng Bình, một tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên đã biết sử dụng lợi thế thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch khám phá độc đáo mà ít có nơi nào trên thế giới có được, đó chính là hệ thống hang động.
Trong việc khai thác hệ thống hang động hấp dẫn, Quảng Bình tạo nên nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Ví dụ như việc hang Sơn Đoòng đã thành công trong quảng bá du lịch Quảng Bình ra thế giới bằng tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp thế giới.
Bên cạnh đó, Quảng Bình còn tạo ra nhiều sản phẩm nhẹ nhàng hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng từ sức khỏe, thời gian đến kinh phí của khách du lịch, với các sản phẩm có thể kể đến như Tú Làn, Hang Tiên, Hang Én, Hang Va, Hang Tối, Suối nước Moọc, vườn thực vật, hang Trà Ang, thung lũ Sinh Tồn và nhiều sản phẩm du lịch khác nữa…
Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.
Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:
- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn
- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận