27/03/2018 08:00 GMT+7

Còn nhiều nỗi lo với du lịch TP.HCM

ĐỖ NGÔ TRẦN (Q.9 - TP.HCM)
ĐỖ NGÔ TRẦN (Q.9 - TP.HCM)

TTO - Nhiều hướng dẫn viên du lịch thiếu am hiểu điểm đến nên đã thuyết minh sai, chưa nói lên hết giá trị văn hóa lịch sử, không thể giải thích những thắc mắc cho du khách.

Còn nhiều nỗi lo với du lịch TP.HCM - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

TP.HCM có rất nhiều điểm đến thu hút du khách. Ở khu vực trung tâm có phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ, Bến Bạch Đằng, Chợ Bến Thành, Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Nhà hát thành phố, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng lịch sử Việt Nam…

Ở ngoại thành có hàng loạt khu du lịch Tân Cảng, Bình Quới, Văn Thánh, Đầm Sen, Suối Tiên, một thoáng Việt Nam, địa đạo Củ Chi… Ngoài ra, du lịch tâm linh có nhiều ngôi chùa nổi tiếng với phong cảnh đẹp và cổ kính như chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Ngọc Hoàng, Phổ Quang, Pháp Hoa, Hoằng Pháp, Bửu Long, Bà Thiên Hậu, Nam Quốc Tự, Nam Thiên Nhất Trụ.

Tiếc rằng, ngành du lịch thành phố chưa thể khai thác hết các điểm đến này, phần thì du khách đến nhưng ít khi trở lại.

Nguyên nhân có thể lý giải lý, sự thiếu chuyên nghiệp ở đội ngũ làm du lịch, du khách bị đeo bám xin tiền hoặc mời mua hàng với giá cao, trấn lột, cướp giật, thậm chí còn bị đánh như sự vụ vừa qua ở phố đi bộ Bùi Viện…

Có lần ngồi uống cà phê bệt ở công viên 30-4, tôi chứng kiến một khách du lịch nước ngoài phân trần với người bán hàng rong rằng, chỉ mua 2 trái bắp mà giá tới 50 ngàn, mới ngày hôm qua cũng mua 2 trái bắp nhưng chỉ trả 10 ngàn.

Còn nhiều nỗi lo với du lịch TP.HCM - Ảnh 2.

Bán đúng giá là cách gây thiện cảm tốt đẹp và giữ chân du khách lâu bền - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong 5 lần đến phố đi bộ Nguyễn Huệ vào buổi tối, thì 2 lần tôi thấy có du khách bị móc túi, cướp giật.

Còn chuyện đeo bám du khách để xin tiền hay mời mua hàng diễn ra hàng ngày, dễ thấy nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. Điều đáng chú ý, những vụ việc phiền lòng như thế cứ lặp đi lặp lại.

Chưa kể nhiều hướng dẫn viên du lịch thiếu am hiểu điểm đến nên đã thuyết minh sai, chưa nói lên hết giá trị văn hóa lịch sử, không thể giải thích những thắc mắc cho du khách.

Cách đây không lâu trong một lần tham quan Thảo Cầm Viên, tôi thấy du khách thắc mắc tên và tuổi đời một cây cổ thụ, nhưng nữ hướng dẫn viên có vẻ lung túng rồi chỉ nói được rằng cây này đã trồng mấy chục năm.

Trong khi, đó là cây xà cừ, cao hơn 50m, đường kính thân rộng gần 4m, có tuổi đời khoảng 150 năm tương ứng tuổi của Thảo Cầm Viên.

Sau đó tôi đến hỏi riêng nữ hướng dẫn viên này, sao em không giải thích đúng cho du khách, em trả lời rằng, em đâu có biết và họ (du khách) cũng thế, cứ giải thích đại thôi anh ạ.

Tôi du lịch đến Thái Lan, khi vừa ra cổng sân bay, hướng dẫn viên nước họ đợi sẵn và nói bằng tiếng Việt suốt hành trình.

Tại mỗi điểm đến, có khi họ còn bố trí người hướng dẫn riêng, những thắc mắc của du khách đều được giải thích kỹ.

Tôi cảm thấy ngành du lịch rất chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên để vừa kiểm soát nội dung, thông tin không bị định hướng theo cách nhìn khác.

Và hơn thế nữa, còn để làm bật lên sự tự hào dân tộc, miền đất, con người, văn hóa, lịch sử điểm đến cũng như đất nước họ trong mắt du khách.

Thái Lan còn có cảnh sát du lịch để kiểm tra, xử lý các vi phạm hoặc hỗ trợ các vấn đề liên quan đến du khách.

Nhờ vậy những sự vụ phiền lòng du khách hầu hết được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Qua đó đã giúp du khách yên tâm hơn khi đến Thái Lan.

Người làm du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, được xem là "đại sứ" của những giá trị tốt đẹp của một điểm đến.

Cho nên theo tôi, ngay cả Luật Du lịch mới cũng yêu cầu thắt chặt quản lý hành chính đối với hướng dẫn viên thì cũng chưa thể đảm bảo về chất lượng hướng dẫn viên.

Điều này còn phụ thuộc vào sự định hướng và chiến lược đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên có đạo đức nghề nghiệp, biết ngoại ngữ, am hiểu lịch sử - văn hóa, có lòng tự trọng, ý thức dân tộc, niềm tự hào là con dân của một đất nước.

Theo đó, các công ty lữ hành cũng buộc phải cung cấp cho được những hướng dẫn viên chất lượng như hiểu biết lịch sử và điểm đến, giải đáp đầy đủ và chính xác các thông tin mà du khách cần biết.

Tôi nghĩ đã đến lúc ở TP.HCM cần có cảnh sát du lịch, giống Thái Lan. Một số nước đã làm và thành công để kiểm tra, bảo vệ an toàn và quyền lợi cho du khách, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch như các trường hợp đeo bám du khách để xin tiền hoặc mời mua hàng với giá quá cao so với quy định, kịp ngăn chặn hành vi hành hung du khách.

Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.


Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:

- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn

- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

ĐỖ NGÔ TRẦN (Q.9 - TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên