23/03/2018 08:00 GMT+7

Vỉa hè có thể dùng để mưu sinh, khai thác du lịch

ĐỖ NGÔ TRẦN
ĐỖ NGÔ TRẦN

TTO - Đó là ý kiến của bạn đọc Đỗ Ngô Trần gửi về Diễn đàn 'TP.HCM - Kết nối du lịch vùng' sau những trải nghiệm tại Thái Lan và trăn trở về phát triển du lịch TP.HCM.

Vỉa hè có thể dùng để mưu sinh, khai thác du lịch - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

Tôi đi du lịch đến Thái Lan thấy ở thành phố Bangkok tận dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, phát triển du lịch và các dịch vụ khác. Ở đây, vỉa hè được chính quyền quy hoạch bài bản từng khu vực riêng biệt và tổ chức không gian hài hòa để khai thác hiệu quả, phục vụ cho du lịch, kiên quyết tháo dỡ phần xây dựng lấn chiếm, buôn bán phải chừa lối đi đủ rộng ít nhất cho 2 người tránh nhau, tùy khu vực chỉ cho buôn bán vào ban đêm hoặc những khoảng thời gian nhất định.

Tôi ấn tượng vỉa hè ở Bangkok không chỉ dành cho người đi bộ, mà còn tận dụng khai thác du lịch để sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố.

Thực trạng tại các đô thị ở nước ta, "văn hóa vỉa hè" tồn tại từ nhiều năm, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác như văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối giữa nhà ở với đường phố, cuộc sống mưu sinh của nhiều người như hoạt động hàng rong, họp chợ, xe ôm…

Buôn bán và hàng rong trên vỉa hè, nhiều người khắt khe cho rằng là trở ngại đối với mỹ quan đường phố và văn minh đô thị. Nếu xét ở góc độ nhân văn thì là cách đơn giản người nghèo tự kiếm sống mà chưa cần sự trợ giúp từ chính quyền, cơ quan chức năng, nhà hảo tâm. Không ít du khách nước ngoài rất ấn tượng với các món ăn, hàng rong hợp vệ sinh được bày bán trên vỉa hè.

Vỉa hè có thể dùng để mưu sinh, khai thác du lịch - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài thưởng thức món ăn vỉa hè - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vỉa hè tại trung tâm TP.HCM sau khi lập lại trật tự trở nên thông thoáng nhưng tình trạng tái lấn chiến vẫn còn nhiều. Dọc hai bên vỉa hè hầu hết là những tòa nhà, khách sạn, nhà hàng sang trọng. Ỡ đây phần lớn cung cấp dịch vụ cao cấp, giá cả đắt đỏ, ít phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của số đông người dân. Ở một khía cạnh khác, du khách đến thành phố nhiều khi lại mong muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, vùng đất, ẩm thực, con người nơi bản xứ. Hay du khách thích cuộc sống về đêm ồn ào, nhộn nhịp, quán xá. Và sự cuốn hút của du khách đã thấy rõ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, công viên và những tuyến phố có vỉa hè khu vực trung tâm. Chứ xét về những tòa nhà cao tầng, những công trình nguy nga và đồ sộ, TP.HCM sẽ không bằng các thủ đô ở các nước phát triển như Paris (Pháp), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc)…

TP.HCM xây dựng văn minh đô thị, sống tốt không chỉ ở môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn phải nhân văn, người nghèo sống được bằng sức lao động của mình và hưởng lợi từ sự phát triển. Đây còn là tôn chỉ mục đích của chính quyền luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ các thành phần yếu thế dễ bị tổn thương trong tiến trình hội nhập với trào lưu thế giới, phát triển kinh tế.

Tôi thấy TP.HCM cũng có đặc điểm vỉa hè giống thành phố Bangkok (Thái Lan) là bị lấn chiếm, kinh doanh, buôn bán. Nên chăng chính quyền TP.HCM cũng xem xét áp dụng cách làm giống thành phố Bangkok (Thái Lan). Đó là tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia tạo nên hồn cốt cho vỉa hè để thu hút du lịch, người nghèo có thể mưu sinh, vẫn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

ĐỖ NGÔ TRẦN

Thứ nhất, nên nhân diện các đối tượng lấn chiếm vỉa hè. Theo đó các chủ hộ nhà mặt tiền kinh doanh hoặc cho thuê, buộc phải trả lại khoảng trống cho người đi bộ và cam kết không tái lấn chiếm vỉa hè, phải bị xử lý cương quyết và tháo dỡ phần nhà hoặc mái hiên đã cơ nới, phạt nặng các trường hợp vi phạm, thậm chí là thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần. Bên cạnh đó, người dân và chính quyền hợp tác với nhau tạo nên những tuyến phố phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu đời sống, quy hoạch từng khu vực chuyên cung cấp các mặt hàng nhất định.

Thứ hai, là người bán hàng rong, bán hàng di động, ở nơi khác đến buôn bán. Cần xác minh hoàn cảnh nếu khó khăn thì giúp đỡ và tạo điều kiện bằng cách tổ chức chỗ cho họ buôn bán phù hợp, không cản trở giao thông như ở công viên, chợ truyền thống, khoảng không gian trống nào đó… Ngành chức năng dễ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, gắn với phát triển du lịch tạo nên thành phố thân thiện, an toàn, thu hút du khách. Qua đó, tạo nên sự thân thiện, gần gũi, đặc trưng và hấp dẫn cho một không gian văn hóa cộng đồng.

Tùy tuyến phố mà quy hoạch hoạt động không gian vỉa hè phù hợp, hiệu quả, thu hút du lịch. Ví dụ, nơi vỉa hè rộng từ 5m (đường Phạm Văn Đồng) đến 10m (Nguyễn Tri Phương) có thể cho thuê một phần để tổ chức sự kiện văn hóa, giải trí, ẩm thực đáp ứng các nhu cầu đa dạng của đời sống. Vỉa hè hẹp hơn vẫn có thể cho phép kinh doanh, buôn bán nhưng phải chừa lối cho người đi bộ hoặc chỉ được hoạt động trong khoảng thời gian nhất định (từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng).

Như vậy, không chỉ người dân có nơi kinh doanh buôn bán ổn định mà còn thuận lợi trong giao thông, sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân. Vì tập trung buôn bán từng mặt hàng ở khu vực riêng biệt dễ thu hút sự chú ý, giảm cảnh lộn xộn bởi dừng đậu xe hoặc ghé ngang tạt dọc mua hàng hóa, ai có nhu cầu thì tìm đến khu vực có cung cấp, vậy người đi bộ cũng an toàn.

Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.


Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:

- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn

- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM

ĐỖ NGÔ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên