Những chia sẻ thất vọng và có phần cay đắng đã được nhiều nguyên thủ nêu ra tại Hội nghị các nước trong danh sách kém phát triển (LDC) của Liên Hiệp Quốc ở Doha, Qatar ngày 5-3.
Lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã vắng mặt tại hội nghị 5 ngày, bởi dường như họ hiểu rõ những chỉ trích có thể nhắm vào mình.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã theo dõi bài phát biểu của nhiều lãnh đạo LDC. Trước ngày hội nghị chính thức khai mạc, ông đã chỉ trích mức lãi suất "cắt cổ" mà các ngân hàng quốc tế áp đặt với các quốc gia nghèo.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cũng cảm thán rằng "không còn lời bào chữa nào nữa" dành cho các nước giàu khi không cung cấp viện trợ.
Theo Hãng thông tấn AFP, ông Guterres đã kêu gọi huy động 500 tỉ USD cho chuyển đổi kinh tế và xã hội tại các nước nghèo. Song trong ngày khai mạc 5-3, không có cam kết hỗ trợ tài chính nào được đưa ra ngoại trừ khoản khiêm tốn 60 triệu USD đến từ nước chủ nhà Qatar.
Các nhà lãnh đạo LDC đã không giấu được sự thất vọng và biến hội nghị thành diễn đàn chỉ trích các nước giàu.
Tổng thống Cộng hòa Trung Phi nói về những nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước ông. Tuy nhiên, số tài nguyên của quốc gia nghèo khó ấy lại đang bị "cướp bóc có hệ thống" bởi "các cường quốc phương Tây".
Một số nhà lãnh đạo nhắc lại yêu cầu các nước công nghiệp phải trao 100 tỉ USD mỗi năm như đã hứa để hỗ trợ các nước nghèo chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết các quốc gia nghèo "xứng đáng" được đảm bảo về tài chính cho phát triển và khí hậu. Bangladesh dự kiến sẽ thoát khỏi tình trạng LDC.
"Chúng tôi không yêu cầu bố thí. Những gì chúng tôi tìm kiếm là các cam kết quốc tế dành cho chúng tôi", bà Hasina nêu quan điểm.
Ông Narayan Kaji Shrestha, phó thủ tướng Nepal, tuyên bố các nước LDC không thể chịu đựng thêm một thập kỷ "mất mát" nữa.
Theo ông, trong 5 thập kỷ kể từ khi tình trạng LDC được thiết lập để mang lại cho các quốc gia đặc quyền thương mại và tài chính rẻ hơn, họ đã "chiến đấu trong một trận chiến hoành tráng chống lại nghèo đói, bệnh tật và mù chữ".
Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có sáu quốc gia thoát khỏi tình trạng LDC và nhiều nước cho rằng việc nằm trong danh sách không phải là một đặc quyền mà là một sự kỳ thị.
Hội nghị LDC kéo dài đến ngày 9-3. Hiện có 46 nước nằm trong danh sách LDC của Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù chiếm 14% dân số thế giới, các nước LDC chỉ chiếm 1,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Những nước này cũng chỉ nhận được 1,4% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiếm dưới 1% xuất khẩu hàng hóa thế giới, theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận