Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Điện Malacanang vào sáng 30-7.
Duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Quan hệ giữa Manila và Washington đã cải thiện đáng kể từ khi ông Marcos thay thế người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Ông Duterte có thái độ thù địch công khai với Mỹ và cố gắng đưa đất nước gần hơn với Trung Quốc.
"Tôi rất vui mừng vì các đường dây liên lạc luôn mở để tất cả những gì chúng ta đang làm cùng nhau, trong bối cảnh liên minh của chúng ta, trong bối cảnh cụ thể của tình hình tại Biển Tây Philippines và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đều được xem xét để chúng ta có thể linh hoạt trong phản ứng", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Marcos.
Biển Tây Philippines là cách Manila gọi Biển Đông. Thời gian qua Philipines đã có những căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực này.
Căng thẳng ở vùng biển tranh chấp đã bùng phát thành bạo lực trong năm qua, với việc một thủy thủ Philippines mất một ngón tay trong một cuộc đụng độ vào ngày 17-6.
Trong tháng này, Philippines đạt được một "thỏa thuận tạm thời" với Trung Quốc để giảm căng thẳng, nhưng hai bên dường như còn bất đồng về chi tiết của thỏa thuận, dù điều này không được công khai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Matthew Miller, cho biết ông Blinken và ông Austin đã thảo luận với ông Marcos về "cam kết chung trong việc duy trì luật pháp quốc tế tại Biển Đông".
"Hai bộ trưởng đã nhấn mạnh các cam kết vững chắc của Mỹ đối với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ", ông Miller nói.
Mỹ và Philippines ký Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ (MDT) từ năm 1951, nhằm bảo vệ lẫn nhau trước các cuộc tấn công vũ trang của kẻ thù trên Thái Bình Dương.
Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc
Cuộc họp tại Manila diễn ra sau các cuộc thảo luận giữa ông Blinken và ông Austin tại Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á.
Hai bên đã công bố nâng cấp Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản và gọi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" đối với khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã gặp các ngoại trưởng của Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong ngày 29-7, một nhóm được gọi là Bộ tứ kim cương (QUAD), và chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác Washington và Tokyo, cáo buộc họ tấn công cái mà họ gọi là "sự phát triển quân sự bình thường và chính sách quốc phòng quốc gia" của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc QUAD "tạo ra căng thẳng, kích động đối đầu và kiềm chế sự phát triển của các nước khác".
Lầu Năm Góc cho biết các quan chức Mỹ sẽ công bố khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 500 triệu USD cho Philippines trong chuyến thăm lần này, là một phần của khoản viện trợ trị giá 2 tỉ USD cho các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Quốc hội Mỹ coi là để đối phó với Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cũng đã đề xuất chi 128 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines mà lực lượng Mỹ có thể tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA).
Hiện nay có chín địa điểm thuộc EDCA, sau khi Manila đồng ý thêm bốn địa điểm mới vào năm ngoái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận