21/03/2022 10:52 GMT+7

Tổng thống Phần Lan nói về rủi ro khi gia nhập NATO

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Việc gia nhập NATO có thể giúp Phần Lan chấm dứt các lo lắng an ninh của nước này nhưng cũng đồng thời có một số điều chưa được, bao gồm "rủi ro lớn" leo thang căng thẳng ở châu Âu.

Tổng thống Phần Lan nói về rủi ro khi gia nhập NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khẳng định sẽ đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu khi ra quyết định, nhưng cần cân nhắc mọi yếu tố được - mất trong từng phương án - Ảnh: REUTERS

Phần Lan, nước có đường biên giới hơn 1.300km với Nga, đang tìm cách tăng cường an ninh sau khi Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. 

Quốc gia này từ lâu đã duy trì vị thế có phần trung lập là chọn gia nhập Liên minh châu Âu để hưởng lợi về kinh tế và đứng ngoài các khối liên minh quân sự.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Financial Times đăng ngày 20-3, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Phần Lan sẽ tìm cách thay đổi vị thế hiện tại nhằm củng cố an ninh trong bối cảnh mới.

Có hai cách để làm điều này: hoặc là gia nhập NATO, hoặc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và nước láng giềng Thụy Điển, một quốc gia không thuộc NATO.

"Cả hai lựa chọn này đều có ưu điểm là an ninh của chúng tôi sẽ được cải thiện. Hoặc ít ra chúng tôi sẽ biết được rằng sự ổn định quốc gia được duy trì và người dân có thể sống trong an toàn", Tổng thống Niinisto giải thích.

Dư luận đang nghiêng về phương án đầu tiên, tức gia nhập NATO. Một cuộc thăm dò của Đài truyền hình Yle vào tuần trước cho thấy 62% ủng hộ và chỉ 16% phản đối Phần Lan trở thành thành viên NATO.

Tờ Financial Times lý giải việc Nga đưa quân vào Ukraine đã khiến người dân Phần Lan thay đổi quan điểm đã có suốt hàng chục năm qua.

Tuy nhiên theo Tổng thống Niinisto, việc gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại có nhiều "rủi ro lớn", đặt trong bối cảnh căng thẳng ở châu Âu vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông Niinisto, hiện tại tình hình Bắc Âu vẫn ổn nhưng nếu có leo thang lớn ở châu Âu, tất cả các nước đều bị ảnh hưởng.

Nhà lãnh đạo Phần Lan nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Thụy Điển và Mỹ là một khả năng thực tế, cùng với việc duy trì tư cách Phần Lan như một đối tác tăng cường của NATO.

EU có Điều 42.7 về phòng vệ lẫn nhau với cách diễn đạt được Phần Lan đánh giá là mạnh mẽ hơn Điều 5 phòng vệ tập thể của NATO. Tuy nhiên Điều 42.7 lại bị nhận xét là "có tiếng mà không có miếng", tức thiếu cơ chế và lực lượng để thực thi.

Theo Tổng thống Niinisto, quyết định tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của Đức đã ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc thảo luận an ninh và quốc phòng ở châu Âu. Đây cũng là một yếu tố để Phần Lan cân nhắc.

Quan điểm từ trước đến nay của Phần Lan là giữ cho lực lượng phòng thủ mạnh nhất có thể. Quốc gia 5,5 triệu dân này có thể huy động khoảng 280.000 lính khi cần thiết và sẽ tiếp tục củng cố hơn nữa thế trận phòng thủ, theo Tổng thống Niinisto.

Áp dụng mô hình phi NATO cho Ukraine: Lối thoát cho xung đột? Áp dụng mô hình phi NATO cho Ukraine: Lối thoát cho xung đột?

TTO - Trước vòng đàm phán lần 3 với phía Nga dự kiến vào ngày 7-3, một thành viên của phái đoàn Ukraine đã gửi đi một tín hiệu được cho là có thể giúp xuống thang xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: NATO Phần Lan Ukraine