21/01/2015 12:09 GMT+7

​Tổng thống Obama: “Mỹ bước vào kỷ nguyên mới”

N. QUÂN - MINH TRUNG
N. QUÂN - MINH TRUNG

TTO - Sáng 21-1 giờ Việt Nam, Tổng thống Barack Obama tỏ ra tự tin khi tuyên bố nước Mỹ “đã sang trang” đau buồn về suy thoái kinh tế và những vụ tấn công khủng bố, chiến tranh kéo dài.

Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang lúc 21g tối 20-1 (tức 9g sáng 21-1, giờ VN) tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Trong thông điệp hàng năm đọc trước Quốc hội, các thành viên nội các cùng đại diện Tòa án tối cao, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Giờ đây chúng ta đã ở năm thứ 15 của thế kỷ mới. Mười lăm nay đã khởi đầu với một vụ khủng bố trên lãnh thổ của chúng ta, đã gây ra hai cuộc chiến lâu dài và tốn kém; 15 năm này chúng ta cũng đã thấy đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên khắp đất nước và thế giới. Nhưng tối nay, chúng ta sẽ lật sang trang”.

Tự tin cho rằng “bóng đen khủng hoảng đã qua và liên bang Mỹ đang mạnh hơn”, ông Obama tuyên bố: “Giờ đây, với nền kinh tế đang phát triển, thâm hụt giảm đi, nền công nghiệp đang trong giai đoạn bùng nổ và sản xuất năng lượng ở mức cao, chúng ta đã thoát khỏi suy thoái và tự do quyết định tương lai của chúng ta hơn bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh này. Chúng ta giờ đây được tự tin chọn lựa tương lai của chúng ta trong 15 năm tới cũng như trong các thập kỷ tới”.

Để chuẩn bị cho tương lai tươi sáng đó, nhà lãnh đạo nước Mỹ đề cập đến những giải pháp cho số đông tầng lớp trung lưu mà đội ngũ của ông đã tung ra trên mạng xã hội mấy ngày trước.

“Liệu chúng ta có chấp nhận một nền kinh tế mà chỉ một nhóm nhỏ có được kết quả tuyệt vời hay là chúng ta cùng tham gia vào một nền kinh tế tạo ra thay đổi về thu nhập và viễn cảnh tương lai tốt cho tất cả những ai đang nỗ lực?”, ông Obama khơi gợi.

Trong các giải pháp của ông cho số đông người dân có đề xuất ngày nghỉ phụ sản cho phụ nữ mới sinh con, có 7 ngày nghỉ bệnh được trả lương và các dịch vụ nhà trẻ dễ tiếp cận hơn nhờ vào phần giảm thuế lên đến 3.000 USD/năm cho mỗi trẻ em.

“Đó không phải là chính sách lấy lòng dân mà là chính sách cần thiết. Đã đến lúc chúng ta không được xem chuyện nhà trẻ cho trẻ em là vấn đề thứ yếu hay là vấn đề của các bà mẹ mà chúng ta phải tiếp cận nó như một ưu tiên kinh tế tầm quốc gia”, ông Obama lập luận.

Trong thông điệp được giới phân tích đánh giá là “cấp tiến”, Tổng thống Obama cũng nêu vấn đề cuộc chiến chống khủng bố vốn đang rất thời sự sau các cuộc tấn công tại Pháp.

“Người Mỹ chúng ta đoàn kết với mọi người trên thế giới đang là mục tiêu của bọn khủng bố, dù đó là trường học ở Pakistan hay trên đường phố ở Paris. Chúng ta sẽ săn đuổi bọn khủng bố, chúng ta sẽ làm lung lay hệ thống khủng bố và chúng ta sẽ đánh bại chúng. Chúng ta giữ quyền đơn phương hành động để tiêu diệt chúng”, ông Obama mạnh mẽ khẳng định và cũng yêu cầu quốc hội chính thức cho phép sử dụng sức mạnh để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Một vấn đề thời sự khác được ông Obama đưa vào thông điệp là quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba.

“Chúng ta đang chấm dứt chính sách lỗi thời với Cuba. Khi quí vị thấy điều gì đó đã không vận hành tốt trong 50 năm thì quí vị có cảm thấy đã đến lúc phải thử điều khác đi? Quá trình quá độ mà chúng ta đang làm với Cuba có khả năng giúp chấm dứt ‘di sản ngờ vực nhau’ ở phần bán cầu của chúng ta”, ông Obama phát biểu và thông báo với Quốc hội rằng ông mong muốn chấm dứt cấm vận Cuba trong năm nay.

Phản ứng sau thông điệp liên bang 

Ông Obama giơ tay chào trước khi đọc bài phát biểu ngày 20-1 (giờ địa phương) - Ảnh: Reuters

Đúng như dự đoán, bản thông điệp liên bang của ông Obama vấp phải chỉ trích gay gắt từ phe Cộng hòa.

Nhưng nhờ quyết đoán trong một số chính sách cộng với sự phục hồi của nền kinh tế, uy tín của ông Obama đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây bất chấp việc đảng Cộng hòa đang kiểm soát quốc hội.

"Bóng đen khủng hoảng đã qua "là cụm từ được ông Obama nói trong xúc động. "Giờ là lúc chúng ta lựa chọn con đường cho 15 năm tới, cho nhiều thập niên tới".

Bài phát biểu của ông Obama liên tục nhận được những tràng pháo tay ủng hộ của những người tham dự. Alan Gross, tù nhân được trả tự do sau khi Mỹ - Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ, đã đứng dậy giơ tay thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Obama.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton viết trên Twitter rằng thông điệp của Tổng thống “đã chỉ ra hướng đi cho nền kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả”. “Bây giờ chúng ta chỉ cần hành động” - bà Hillary kêu gọi.

Nhưng bên cạnh đó là vô số lời phê bình và chỉ trích từ cácnghị sĩ đảng Cộng hòa.

“Tất cả những gì Tổng thống đề nghị tối nay chỉ là thêm thuế, thêm quyền (chính phủ), và cách tiếp cận đã làm thất vọng các gia đình trung lưu. Đây không chỉ là chính sách sai lầm, chúng là ưu tiên sai lầm: tăng tính chuyên quyền của Washington thay vì tăng trưởng kinh tế Mỹ”, chủ tịch hạ viện John Boehner chỉ trích không tiếc lời.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng thông điệp của ông Obama “chứa đầy ngôn từ chia rẽ”. “Trong khi ông ấy hùng hồn kêu gọi đoàn kết nhưng lại liên tục tấn công quốc hội”, thượng nghị sĩ Ted Cruz phê.

Thượng nghị sĩ Cory Gardner thì mỉa mai rằng ông sẽ trao vòng nguyệt quế cho ông Obama vì “công trạng” không ứng cử tổng thống thêm lần nữa.

Dù không đồng tình với đa số đường lối của ông Obama, một số đề nghị của ông có thể sẽ được Quốc hội ủng hộ. Thượng nghị sĩ John Cornyn chỉ ra đó là các lĩnh vực thương mại, cải cách luật hình sự và an ninh mạng.

Tỉ lệ ủng hộ ông Obama tăng

Thông điệp Liên bang của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh khá lạc quan cho đảng Dân chủ, bất chấp thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái. 

Theo cuộc thăm do đài NBC và báo Wall Street Journal thực hiện, 45% người Mỹ bày tỏ sự hài lòng với kinh tế, cao nhất từ tháng 1-2004. 49% số người được hỏi cũng đồng tình với cách điều hành nền kinh tế của ông Obama.

Còn theo thăm dò do The Washington Post và ABC News thực hiện, tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Barack Obama cũng đang tăng lên. Theo đó, tỉ lệ ủng hộ ông Obama hiện đang là 50%, cao nhất kể từ sau cuộc thăm dò của ABC News năm 2013.

Tỉ lệ này cũng cao hơn 9% so với kết quả thăm dò tháng 12-2014 và cao hơn 7% so với tháng 10-2014, ngay trướckhi phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Nguyên nhân tỉ lệ ủng hộ ông Obama tăng mạnh một phần là do ông đã hành động đầy quyết đoán trong các vấn đề cải cách nhập cư và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất phải kể đến là nền kinh tế Mỹ đang cải thiện một cách ổn định.

Cuộc thăm dò cho thấy dân chúng Mỹ có vẻ bị chia rẽ trong nhận định ai là người nắm giữ vai trò lãnh đạo lớn hơn tại Washington. 42% người được hỏi nói người đó là Tổng thống Obama, 40% tin rằng đó là những nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội.

Tuy nhiên, đa phần người dân Mỹ cho biết họ đặt niềm tin vào ông Obama hơn là phe Cộng hòa trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, với tỉ lệ ủng hộ lần lượt 40% và 36%.

 

 

 

N. QUÂN - MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên