18/01/2014 08:59 GMT+7

Tổng thống Mỹ công bố cải tổ hoạt động do thám

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Những người mong chờ sự thay đổi lớn tại Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) sẽ phải thất vọng khi nghe Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch cải tổ NSA sáng nay 18-1 (giờ Việt Nam, tối 17-1 giờ Mỹ).

Ông Obama cải tổ chương trình giám sát của NSA

SqBqFsTP.jpgPhóng to
Một người Mỹ chống lại chương trình do thám của NSA thể hiện kiểu nghe lén tại Washington - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin NBC, trước đó nguồn tin từ chính Nhà Trắng tiết lộ ưu tiên hàng đầu của kế hoạch cải tổ NSA là ngăn chặn những “Edward Snowden tương lai”. Theo đó, NSA sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhân viên của NSA và các nhà thầu có quyền tiếp cận với tài liệu nhạy cảm để phát hiện sớm bất kỳ động thái khả nghi nào. NSA cũng sẽ hạn chế số lượng nhân viên có quyền tiếp cận với các tài liệu tối mật.

Mục tiêu là ngăn chặn một vụ lộ mật mới. Khi làm việc tại một căn cứ của NSA ở Haiwaii, Snowden - nhân viên của nhà thầu Booz Allen Hamilton - đã thu thập hơn 1 triệu tài liệu về các chương trình do thám tối mật của NSA và gửi cho các tờ báo lớn trên thế giới. Vụ lộ mật này đã khiến quan hệ của Mỹ với nhiều nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo Washington Post đưa tin một số quan chức Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ bác bỏ đề xuất cải tổ toàn diện NSA mà ủy ban các chuyên gia do chính ông bổ nhiệm đưa ra. Ông Obama sẽ bác bỏ yêu cầu tách NSA ra khỏi Bộ chỉ huy chiến tranh mạng Mỹ (USCYBERCOM). Hiện NSA và USCYBERCOM đều nằm dưới quyền điều hành của tướng Keith Alexander. Những người chỉ trích cho rằng cơ cấu này dẫn tới sự tích tụ quyền lực và hạn chế sự giám sát cần thiết. Ông Obama cũng bác bỏ đề xuất chuyển bộ phận phòng thủ trên mạng của NSA sang Bộ Quốc phòng.

Một quan chức tình báo cấp cao giấu tên cho biết ông Obama sẽ dừng chương trình thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại. Tuy nhiên báo Huffington Post dẫn lời một số nhà quan sát nhận định kể cả nếu ông Obama muốn cải tổ mạnh mẽ NSA thì Quốc hội vẫn sẽ là cơ quan ra quyết định cuối cùng. Mà hiện Quốc hội Mỹ đang rất chia rẽ về chương trình do thám của NSA. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã khẳng định ông Obama phải thấy rằng chương trình do thám của NSA “bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ”.

Trong khi nước Mỹ còn đang tranh cãi về hoạt động của NSA, báo chí quốc tế tiếp tục lật tẩy những chương trình do thám bí mật của cơ quan này dựa trên tài liệu do Snowden cung cấp. Mới đây báo Anh Guardian và kênh truyền hình Channel 4 đưa tin NSA thu thập gần 200 triệu tin nhắn điện thoại trên toàn thế giới mỗi ngày. Từ đó, NSA lần ra các thông tin như địa điểm của người gửi tin nhắn, các mối quan hệ, thông tin thẻ tín dụng...

Từ tin nhắn điện thoại, tính ra mỗi ngày NSA thu thập được các thông tin như hơn 1,6 triệu lượt xuất cảnh, hơn 110.000 cái tên, hơn 800.000 giao dịch tài chính... Các tài liệu cho thấy Cơ quan tình báo Anh GCHQ cũng sử dụng dữ liệu do NSA thu thập.

Trung Quốc cáo buộc NSA do thám quân đội

Hôm 16-1, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang “vừa ăn cướp vừa la làng” khi cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh mạng của mình nhưng cùng lúc lại sử dụng công nghệ gián điệp kỹ thuật cao để do thám quân đội Trung Quốc.

Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản ứng sau khi báo New Yorks Times hôm 14-1 đăng tin NSA đã dùng công nghệ chip điện tử do thám khoảng 100.000 máy tính trên thế giới từ năm 2008. Theo New Yorks Times, NSA theo dõi cả các đơn vị quân đội của Trung Quốc, Nga, các băng nhóm ma túy, các viện thương mại của Liên minh châu Âu và một số đối tác của Mỹ như Saudi Arabia, Ấn Độ và Pakistan.

Ông Hồng Lỗi cho biết Nga và Trung Quốc đã đề xuất Liên Hiệp Quốc đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về an ninh trong thông tin. “Một mặt, Mỹ luôn cường điệu về các mối đe dọa an ninh mạng đối với mình từ những nước khác nhưng mặt khác họ đã sử dụng nhiều cách khác nhau để do thám, gây nguy hiểm đối với chủ quyền, an ninh và những bí mật của các nước khác” - ông Hồng Lỗi nói.

Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời ông Lý Khánh Công - phó tổng thư ký Cơ quan nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia của Quốc vụ viện Trung Quốc - cho rằng Washington sử dụng sóng radio để thu thập thông tin ngay cả những máy tính không kết nối Internet. Công cụ này còn có thể dùng để thực hiện một cuộc tấn công mạng nếu cần.

Washington từ lâu đã cáo buộc quân đội Trung Quốc liên quan đến những cuộc tấn công hoặc gián điệp các mạng máy tính của Mỹ. Tháng 5-2013, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện những hoạt động gián điệp mạng để tìm cách thu thập thông tin về các kế hoạch quân sự và chính sách đối ngoại của Mỹ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên