Liên quan đến việc Trường Phổ thông cao đẳng FPT cho thôi việc giảng viên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Việt Hương - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết Vụ Nhà giáo thuộc Tổng cục đang kiểm tra vụ việc.
Trong khi đó, nhiều ý kiến trong ngành cho rằng nhà trường cần xem lại quyết định cho thôi việc giảng viên.
Cho thôi việc giảng viên là "quá khắt khe"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng cho thôi việc giảng viên trong trường hợp này là quá khắt khe, nên xem lại.
Theo ông Dũng, ở trường công lập, để buộc thôi việc một giảng viên rất khó. Giảng viên đó phải vi phạm nhiều lần, bị lập biên bản, không đạt đánh giá chuyên môn. Ở trường tư, quy tắc có thể khác.
"Đánh giá bài làm sinh viên là quyền của giảng viên. Việc đánh giá có thể không công bằng nhưng phải qua đánh giá, xử lý kỷ luật trước khi cho thôi việc. Thế nên trường hợp này là quá khắt khe" - ông Dũng nói.
Để kiểm tra bài làm của sinh viên có sử dụng trí tuệ nhân tạo hay không, theo ông, cũng không khó. Có thể ra lệnh cho trí tuệ nhân tạo xem kết quả cho ra như thế nào và so sánh với bài làm của sinh viên.
Cũng theo ông Dũng, mối quan hệ giảng viên - sinh viên hiện nay khá phức tạp. Nhiều trường cho sinh viên đánh giá giảng viên nên nhiều khi giảng viên ngại cho điểm quá khắt khe với sinh viên. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng. Giảng viên cho điểm thấp theo hướng đánh giá đúng năng lực sinh viên là cách giúp sinh viên có kỹ năng tốt sau khi ra trường.
"Hiện nay sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo làm bài khá nhiều. Các trường cần siết lại. Trí tuệ nhân tạo là công cụ tham khảo, hỗ trợ học tập chứ không phải làm bài tập thay, tác động xấu đến năng lực học tập của sinh viên" - ông Dũng nêu quan điểm.
Nên xem xét cả quá trình làm việc của giảng viên
Tương tự, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng việc cho thôi việc giảng viên trong trường hợp trên là nặng tay.
Theo ông Vinh, giảng viên có thể mắc sai sót, vi phạm quy tắc ứng xử khi giao tiếp với sinh viên nhưng không phải vi phạm đạo đức. Việc xử lý nên xem xét cả quá trình làm việc của giảng viên cũng như ý kiến đánh giá của sinh viên.
"Trường nên làm rõ sinh viên có sử dụng trí tuệ nhân tạo làm bài hay không, sử dụng ở mức độ nào, có copy toàn bộ hay không. Nghệ thuật là sáng tạo, lệ thuộc quá nhiều vào trí tuệ nhân tạo khiến sinh viên mất đi sự sáng tạo" - ông Vinh nói.
Trước đó, đại diện Trường Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic cho biết trường và giảng viên L.V.M.D. thống nhất tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 28-8-2024. Nguyên do giảng viên "có ứng xử chưa phù hợp, sai sót trong đánh giá bài làm của sinh viên". Phía gia đình cho rằng việc giảng viên nhắn trên group lớp rằng sinh viên nhờ trí tuệ nhân tạo vẽ hộ bài đã khiến sinh viên xấu hổ với bạn bè, suy sụp...
Tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình, cho rằng giảng viên góp ý là muốn tốt cho sinh viên. Ngoài ra, theo bạn đọc Tuổi Trẻ Online, giảng viên cũng đã xin lỗi sinh viên.
Trong những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với giảng viên M.D. để ghi nhận ý kiến của người trong cuộc nhưng chưa được. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi nhận được phản hồi của giảng viên này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận