25/04/2025 10:55 GMT+7

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là 1 trong 5 người nhận giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải Nobel châu Á) vào ngày 16-11-2024 vì những nỗ lực không ngừng trong hành trình đấu tranh giành công lý cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh 1.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể lại quá trình tìm mối liên hệ giữa chất độc hóa học và trẻ dị tật bẩm sinh - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ tìm ra sự thật sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe con người, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) còn là người đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, "mẹ đẻ" cô đỡ thôn bản, khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc".

Đi tìm mối liên hệ giữa trẻ bị dị tật bẩm sinh và chất hóa học

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết bản thân đã cống hiến gần cả đời để tìm hiểu điều "bí ẩn khủng khiếp" gây hậu quả bi thảm với nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Hành trình tìm mối liên hệ giữa chất độc hóa học và tỉ lệ trẻ dị tật bẩm sinh bắt đầu từ sự nghiệp đỡ đẻ một em bé vô sọ tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, cứ cách vài lần trực, bà lại gặp một ca dị tật tương tự - điều mà trước năm 1965 rất hiếm gặp.

Qua nhiều lần chứng kiến và có phần tò mò, bà xin giữ lại những cháu bé khuyết tật đặc biệt, trong đó có nhiều đứa trẻ tội nghiệp khi vừa sinh ra đã qua đời. 

Đến năm 1976 khi các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam và thấy các trẻ bị dị tật tại Bệnh viện Từ Dũ, họ thắc mắc vì sao và hẹn bà sẽ trở lại bệnh viện để nghe câu trả lời.

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh 2.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng thuyết trình tại sự kiện nhận giải thưởng Ramon Magsaysay ngày 16-11-2024 tại Nhà hát Metropolitan ở thủ đô Manila, Philippines - Ảnh: T.T.D.

Lần theo các tài liệu đã đọc, bà phát hiện điều kỳ lạ là số trẻ dị tật, quái thai vào năm 1952 thấp, nhưng trong hai năm 1960 - 1961 tăng và đến năm 1965 - 1967 tăng nhiều. Bà cùng các cộng sự đã đến những địa phương được xác định rải nhiều chất độc hóa học như Bến Tre, Cà Mau...

Bà còn so sánh tỉ lệ phơi nhiễm chất độc da cam ở nhóm phụ nữ sinh con khuyết tật và nhóm ngược lại tại Bệnh viện Từ Dũ. Những kết quả bà đưa ra đều có ý nghĩa về phương diện thống kê và được một số giáo sư Mỹ rất giỏi về xác suất thống kê tán dương.

Năm 1987, tại hội nghị quốc tế về chất độc hóa học dioxin tác hại trên môi trường và con người ở Las Vegas (Mỹ), bà có ba bài báo cáo được tạp chí khoa học Anh đồng ý đăng, trong đó có bài so sánh giữa Bến Tre với TP.HCM, Cà Mau với TP.HCM và những người đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con bị dị tật so với những người không bị như có tỉ lệ phơi nhiễm chất độc da cam ra sao.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) được thành lập. Trên cương vị phó chủ tịch, bà đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa tiếng nói của các nạn nhân da cam ra thế giới, cũng như nỗ lực đấu tranh đòi công lý cho họ.

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh 3.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể lại quá trình tìm mối liên hệ giữa chất độc hóa học và trẻ dị tật bẩm sinh - Ảnh: T.T.D.

Bước ra hội nghị quốc tế để chứng minh trẻ dị tật bẩm sinh tại Việt Nam là do chất độc dioxin, giáo sư Phượng cho hay việc này là không dễ dàng khi các công ty hóa chất đều cử luật sư và nhà khoa học tham dự để phản biện. 

Tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ năm 2008 và 2010, bà được chính phủ cử qua. Bà cũng đến Tòa án lương tâm quốc tế năm 2009 tại Paris để góp tiếng nói tố cáo các công ty hóa chất Mỹ, đã sản xuất các chất độc hóa học gây hại cho con người.

Kể về trường hợp đặc biệt nhất trong hành trình khám phá sự thật, tìm công lý và hỗ trợ nhóm người bị ảnh hưởng chất độc da cam, giáo sư Phượng nhắc đến cuộc mổ tách hai cháu song sinh dính liền nhau Việt - Đức vào tháng 10-1988 do chính đội ngũ bác sĩ Việt Nam lên đến hàng trăm người thuộc nhiều chuyên khoa thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản về máy móc, thuốc men.

Ca mổ thành công đã gây chấn động giới y khoa trong, ngoài nước và trở thành sự kiện trên diễn đàn báo chí quốc tế. Với giáo sư Phượng, thành tựu của cuộc mổ tách Việt - Đức không chỉ là tách thành hai cơ thể riêng biệt, mà còn là một thành tựu khác rất quan trọng, đó là thành tựu nhân văn khi Việt sống được đến gần 20 tuổi, còn Đức hiện đang làm thư ký tại làng Hòa Bình.

Ngày 16-11-2024, giáo sư Phượng là 1 trong 5 chủ nhân nhận giải thưởng Ramon Magsaysay, được coi như Nobel châu Á. Giải thưởng không chỉ là sự công nhận về mặt cá nhân mà có ý nghĩa là quốc tế sẽ cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam góp phần nâng cao đời sống của các nạn nhân da cam, cũng như đấu tranh giành công lý cho họ.

Sau nhận giải, bà đã thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM gửi đến các tổ chức như Hội chất độc da cam/dioxin TP.HCM, Hội chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Làng Hòa Bình để giúp đỡ những nạn nhân này.

Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh 4.

Bà Cecilia L. Lazaro và ông Ramon B. Magsaysay Jr. trao giải thưởng Ramon Magsaysay cho GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh: T.T.D.

Khai sinh chương trình "cô đỡ thôn bản", thụ tinh trong ống nghiệm

Là người đặt nền móng đầu tiên cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, giáo sư Phượng cho hay sự ra đời của kỹ thuật này xuất phát từ việc bà muốn tìm cách điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, khi chứng kiến nhiều cặp vợ chồng không có con dẫn đến gia đình bất hòa, thậm chí ly hôn.

Trải qua nhiều khó khăn và sự chuẩn bị, được sự cho phép của Bộ Y tế, vào đúng ngày thống nhất đất nước 30-4-1998, tại Bệnh viện Từ Dũ, ba em bé được thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã chào đời lành lặn, khỏe mạnh, mở ra bao hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Theo giáo sư Ngọc Phượng, khi đưa một kỹ thuật cao, thành tựu khoa học về nước thì đối tượng phục vụ không chỉ là người có điều kiện mà cần có cả người hoàn cảnh khó khăn.

Với mong muốn giúp đỡ cho gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, bà khởi xướng chương trình Ươm mầm hạnh phúc.

Trải qua 10 mùa liên tiếp, chương trình đã mang hy vọng, mở ra cơ hội điều trị cho hơn 600 cặp vợ chồng hiếm muộn trên cả nước.

Giáo sư Phượng còn được biết đến là người khai sinh chương trình "cô đỡ thôn bản". Bà cho biết vào khoảng năm 1990, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi, Tây Nguyên rất cao khi việc sinh con của các dân tộc thiểu số vẫn còn lạc hậu, không cho y tế can thiệp mà mời thầy mo cúng bái.

Thấy nhiều phụ nữ chẳng may phải bỏ mạng khi chuyển dạ, giáo sư Phượng triển khai đào tạo "cô đỡ thôn bản" - đây là những người gần gũi địa phương, dễ dàng tuyên truyền và có thể đỡ đẻ tại nhà an toàn. Hiện chương trình đã nhân rộng, giúp giảm rất nhiều tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Anh hùng Lao động, giáo sư, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ

Hãy cố gắng làm hết sức

Dù hơn 80 tuổi, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài làm việc. Bà cho biết bản thân mình ham mê đọc những cuốn sách của Liên Xô, say sưa những câu triết lý về cuộc đời như: "Khi ta mới sinh ra thì ta khóc, mọi người nhìn ta mỉm cười. Hãy sống sao cho đến khi ta chết, mọi người nhìn ta khóc, còn ta thì mỉm cười".

Với bà, khi tóc còn xanh, máu còn nóng thì hãy cố gắng làm hết sức những điều cần làm và điều ấy phải có ích. Người khác cần, bà giúp nhiệt tình không một chút suy nghĩ, vì được sống thôi đã là một hạnh phúc nên phải sống tốt.

Giáo sư Ngọc Phượng thổ lộ bà và các con từng được chồng bảo lãnh sang nước ngoài sinh sống, nhưng bà chọn ở lại Việt Nam. Với bà, khi các con ở lại Việt Nam sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, trong một xã hội công bằng và tôn trọng giá trị thực của con người hơn. Điều này cho đến nay vẫn đúng vì giá trị con người không đánh giá qua vật chất, mà dựa vào sự cống hiến, đóng góp của mỗi cá nhân cho xã hội.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1944) là một nhà y khoa nổi tiếng người Việt Nam.

Bà hiện là phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM), phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO), nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nguyên viện trưởng Viện Tim TP.HCM, nguyên phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam TP.HCM, nguyên chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TP.HCM.

Bà từng là đại biểu Quốc hội khóa VII, phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa 1992 - 1997. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân và Huân chương Lao động hạng III.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nữ giáo sư dành cả đời tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 6.Gia đình 3 thế hệ bác sĩ nội trú sản khoa của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Tân bác sĩ Hồ Ngọc Lan Nhi vừa nhận giấy báo trúng tuyển bác sĩ nội trú chuyên ngành sản phụ khoa Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐH Quốc gia TP.HCM), trở thành người thứ ba trong gia đình theo học bác sĩ nội trú sản khoa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên