Thói nịnh bợ thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Khi trong bộ máy quan chức nhiều người liêm khiết thì thói nịnh bợ co lại, kém phát triển; còn khi thói nịnh bợ "nở rộ" thì chứng tỏ chất lượng cán bộ có vấn đề.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, trong đó quy định nhân viên không được nịnh lãnh đạo. Bởi đó là vấn đề rất cấp bách.
Nhìn thẳng vào sự thật thì thấy Việt Nam có thể là quốc gia khá "thuận lợi" cho thói nịnh bợ phát triển.
Điều này xuất phát từ truyền thống văn hóa làng xã của chúng ta: Người Việt thường thích sự đồng thuận, yên bình, thích "dĩ hòa vi quý".
Xưa là vậy, còn nay sự nịnh hót nảy sinh từ sự thiếu dân chủ và thực tế với việc cấp dưới luôn luôn sợ cấp trên, nhiều người nịnh bợ được nâng đỡ, người thẳng thắn thường bị sếp phật lòng...
Từ thực tế như vậy, có người cho rằng thói nịnh bợ hiện nay phát triển tràn lan chủ yếu do cán bộ lãnh đạo thích được ca ngợi, thích được tâng bốc. Họ lại nắm "quyền sinh, quyền sát" trong tay nên nhân viên không thể nào làm gì khác ngoài việc lấy lòng lãnh đạo.
Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nịnh bợ có hai vế: có kẻ xu nịnh, tâng bốc và có người thích nghe nịnh, khoái chí với những lời tâng bốc.
Ngày nay nịnh không chỉ dừng lại ở lời nói, mà nịnh đã được nâng lên ở "tầm cao mới": nịnh bằng vật chất, tiền bạc, danh hiệu, sự cung phụng người thân của lãnh đạo.
Ví dụ, việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón người nhà của lãnh đạo là một biểu hiện của sự nịnh nọt. Hoặc cứ mỗi khi bình bầu các danh hiệu thì cấp lãnh đạo hầu như chiếm gần hết!...
Sự nịnh nọt gây hại cực kỳ lớn.
Người xưa đã cảnh báo rằng "Tôn nịnh đại suy" - nghĩa là để cho thói nịnh bợ phát triển thì nguy cơ suy thoái lớn không tránh khỏi, thậm chí dẫn đến khuynh đảo xã hội. Vì vậy, việc chống thói nịnh bợ là cần thiết và hiện nay đã ở mức độ bức thiết.
Tuy nhiên, chống lại sự nịnh hót không hề dễ dàng nếu trong bộ máy vẫn còn nhiều người thích nịnh.
Điều cơ bản vẫn là vấn đề con người, nhưng trước hết lãnh đạo đơn vị phải là người có tâm, có tài, biết mình, biết người; đánh giá nhân viên căn cứ vào những việc họ làm cho cơ quan, chứ không phải những điều họ nói và họ làm cho riêng thủ trưởng.
Để chống sự nịnh hót có hiệu quả, trước hết lãnh đạo đơn vị phải biết hi sinh một số quyền lợi của mình (cả tinh thần lẫn vật chất): những lời ca ngợi, tâng bốc; những gói trà ngon, những chai rượu quý, thậm chí là những cô gái đẹp...
Thay vào đó là chấp nhận những lời phê bình thẳng thắn, những ý kiến phản biện có lập luận chặt chẽ, trọng người tài, đánh giá nhân viên dựa trên công việc.
Nịnh bợ là một thói xấu có sức tàn phá rất ghê gớm, nhưng việc con người chống lại nó một cách khó khăn vì những kẻ nịnh bợ thường rất tinh ranh, xảo quyệt.
Tránh được thói nịnh bợ là tránh được sự tàn phá ngấm ngầm làm băng hoại xã hội chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận