28/05/2019 09:00 GMT+7

Tới phường nghe 'Con mời chú, mời cô' mà bớt sợ... cán bộ

NGỌC HÓA
NGỌC HÓA

TTO - Người dân nông thôn miền Tây rất ngại lẫn sợ mỗi lần đi làm thủ tục hành chính. Họ thường cử người biết ăn nói, quen biết nhiều người đi lo giấy tờ. Nỗi lo ấy được vơi bớt cùng với những cải cách thủ tục hành chính, như ở Đồng Tháp.

Tới phường nghe Con mời chú, mời cô mà bớt sợ... cán bộ  - Ảnh 1.

Phường Phú Mỹ, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp từng thí điểm trao giấy khai sinh tại nhà dân, ứng xử văn hóa này được duy trì 2 năm qua. Người dân làm giấy khai sinh sẽ nhận được thư chúc mừng, thẻ bảo hiểm y tế cho bé và giấy khai sinh cùng được trao tận nhà - Ảnh: N.TÀI

Vào cao điểm thu hoạch lúa, cũng là cao điểm hoạt động ở các ngân hàng nông nghiệp. Với bà con nông dân, nhiều khi tiền vào chưa nóng túi đã phải lo toan trả nợ nọ nợ kia. Tôi vừa đi trả nợ ngân hàng cho tía má ở Ngân hàng Nông nghệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), thấy bà con chờ đến lượt mình trả nợ gốc hoặc vay vốn. 

Ấm lòng khi nhìn thấy thái độ hòa nhã của nhân viên ngân hàng: "Con mời chú, con mời cô", hoặc gọi chung là khách hàng qua hệ thống loa.

Bớt "sợ" cán bộ

Ngay quầy tôi làm thủ tục, cô nhân viên gọi một khách hàng tên Hai vào làm thủ tục. Ông chú nọ liền vào ghế ngồi, cô nhân viên hỏi có phải chú tên Hai không, chú lắc đầu. 

Cô nhân viên giọng hơi trách: "Sao không phải chú mà chú vào?". Ông chú hơi ngượng ngập một lát mới chỉ vào hồ sơ cô cầm trên tay và nói là của chú, nhưng chú tên Hải chứ không phải tên Hai. Cô nhân viên liền xin lỗi và phân trần vì dấu hỏi nhỏ và mờ nên không thấy.

Bên ngoài, một nhân viên bảo vệ giúp người dân kiểm đếm tiền để ghi vào bản kê. Những tờ tiền mệnh giá nhỏ như 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, kể cả tiền giấy 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng được xếp cẩn thận thành từng xấp... 

Các anh bảo vệ nhiệt tình ghi bản kê xong sẽ đưa vào quầy để nộp tiền. Có chú nọ thấy quầy trống liền chen vào hỏi có được nạp ở đây không? Cô nhân viên ngân hàng trả lời "dạ không được", còn thêm câu nói vui: "Chú nộp cho con, anh quầy bên kia khóc luôn đó chú".

Một lần khác, tôi đi làm thủ tục cho tặng tài sản. Bản thân cũng "ngán ngược" thủ tục liên quan đến đất đai vì vừa rắc rối vừa khó từng dấu chấm, dấu phẩy. Đến UBND xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, thấy tôi cầm một xấp giấy tờ, công chức tiếp nhận hồ sơ mở ra xem một lượt rồi yêu cầu thêm các giấy tờ cần thiết khác và dặn khi nào xong hết, lúc đó mới "triệu tập" những người có liên quan, cầm CMND đến ký vào hồ sơ. 

Thủ tục ở xã xong, tôi còn cẩn thận kiểm tra lại rồi mới nạp về huyện. Cuối giờ buổi chiều, hồ sơ bị trả lại vì sai một chi tiết, cô cán bộ thủ tục đất đai ở huyện khoanh bằng viết chì những chi tiết cần sửa và dặn dò kỹ lưỡng.

Chợt nhớ, người nhà tôi (những người liên quan đến thủ tục) đang ở TP.HCM, chỉ có thể thu xếp về được có một ngày. Tôi liên hệ với cán bộ giải quyết hồ sơ ở xã để tìm cách giải quyết. Cán bộ đồng ý giải quyết dù đã hết giờ hành chính. 

Cũng không có chuyện phải đưa tiền "lót tay", có thể do chính tôi cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm "các anh làm sai, các anh phải chịu trách nhiệm với cái sai của mình".

Chú trọng "mặt tiền"

Thái độ hòa nhã, lễ độ cũng được ghi nhận ở hầu hết các bệnh viện tại Đồng Tháp. Một lần, tôi đưa người thân vào bệnh viện, chạy một mạch vô nhà xe rồi dẫn bà cụ vào phòng khám. Nhân viên bãi giữ xe thấy bà cụ đi lại loạng choạng liền "rầy", sao không chở thẳng bà cụ vào phòng cấp cứu, lấy xe đẩy. Rồi liền đỡ bà cụ lên xe, cũng nhất quyết không thu tiền giữ xe.

Tại phòng cấp cứu, khi bệnh nhân vào, y tá liền đến đo huyết áp, ghi nhận bệnh trạng rồi chuyển bác sĩ trực. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, các bước điều trị. Thủ tục nhập viện cũng được một điều dưỡng lo hết, rồi còn đẩy xe đến tận giường bệnh, sắp xếp chỗ... Hầu hết y bác sĩ nhẹ nhàng, dịu dàng với bệnh nhân.

Có một sự đổi khác ở Đồng Tháp là công chức tiếp nhận hồ sơ ở các UBND xã đa phần là người có gương mặt "sáng sủa", nắm chắc thủ tục, cư xử hòa nhã. Phải thừa nhận nhiều người dân chưa nắm rõ thủ tục, thường hỏi nhiều, nói dai. 

Suy nghĩ "cán bộ cố tình làm khó để có tiền bôi trơn" ăn sâu, nên có những lúc dù được giải thích, người dân lại khăng khăng mình đúng, lại chạy đi tìm người quen có chức quyền, có quan hệ rộng để "tác động". 

Với cách này, chính người dân cũng góp tay cho tiêu cực. Như cách ông ngoại của bạn thân tôi mất 2 triệu đồng nhờ cán bộ xã lo thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ bị "ngâm" hơn một năm mới xong trong khi đúng quy trình chỉ cần gần 2 tháng.

Tiền lót tay không phải là cách giải quyết công việc ở công sở. Và giao tiếp giữa cán bộ với người dân cần thật nhiều nụ cười, tiếng dạ thưa, sự tận tình, chu đáo.

Ông Lê Minh Hoan (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp):

Thước đo là sự hài lòng của dân

Nhắc đến văn hóa công sở, nhiều người thường nghĩ đến các quy định về trang phục, cách thức bài trí, giờ giấc làm việc, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức công sở.

Nhưng văn hóa công sở là tổng hợp văn hóa làm việc của mỗi thành viên. Đó là: thái độ, trách nhiệm đối với công việc, môi trường làm việc, là cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, các mối quan hệ, sự liên kết giữa các cộng sự, sự gắn bó tình cảm của các thành viên trong cơ quan, đơn vị.

Văn hóa công sở ở Đồng Tháp "lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức".

Có người cho rằng "tiền lương thấp nên công chức, viên chức ít cười, chểnh mảng giờ giấc, kém tinh thần trách nhiệm". Nghĩ và nói như vậy đã là hợp lý chưa? Hay trong bộ máy công vụ vẫn còn "sức ì", làm việc chỉ theo mệnh lệnh cấp trên chứ chưa xuất phát từ sự tự nguyện, tự giác phục vụ?

Nhiều công chức, viên chức bất kể điều kiện khó khăn vẫn niềm nở, thân thiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được sự quý mến, tín nhiệm của người dân. Để có những hình ảnh đáng trân trọng như vậy, họ đã tự mình tạo được động lực từ bên trong, trách nhiệm và tự hào với công việc.

Từ vụ mắng chửi bác bảo vệ, nghĩ về văn hóa ăn nói Từ vụ mắng chửi bác bảo vệ, nghĩ về văn hóa ăn nói

TTO - Việc nói năng thể hiện bản tánh, cốt cách con người. Chính vì vậy, ông bà ta đã dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Nói gì cũng cẩn trọng, để tránh làm phiền lòng người khác.

NGỌC HÓA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên