22/10/2008 02:07 GMT+7

Tôi đi làm công nhân

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Ngành công nghiệp thủy sản đang phát triển ở ĐBSCL thu hút hàng ngàn công nhân. Mức thu nhập bình quân của công nhân 1,2-1,4 triệu đồng/tháng. Để nhận được đồng lương đó, họ phải quần quật khoảng 10 giờ mỗi ngày trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Để có cái nhìn cận cảnh, tác giả đã trở thành một công nhân trong số họ.

Nhọc nhằn đời công nhân thủy sản - Bài 1:

DXdptR8L.jpgPhóng to
Công nhân thủy sản - Ảnh: Q.VINH

Tôi quảy túi đồ từ Cần Thơ tìm đến các công ty thủy sản ở An Giang - “thủ phủ” của làng công nhân thủy sản - để tìm việc. Ở các cổng xí nghiệp, nhiều cô gái trẻ cũng háo hức hoặc ủ ê xin việc như tôi.

Tưởng xin việc dễ nhưng không phải vậy. Đến đâu cũng nghe câu hỏi “có tay nghề chưa?”. Hóa ra công ty chỉ tuyển người có nghề, ai không có nghề “chịu khó đợi khi nào công ty có nhu cầu đào tạo sẽ ra thông báo sau”. Có lẽ thấy dáng tôi quá thảm não, cám cảnh gái quê lên thành tìm việc nên chú bảo vệ mách nước: đến các công ty thủy sản nhỏ, ở đó có chỗ cho những người chưa có nghề. Tôi tìm đến công ty X.

Vào nghề

Ông Đặng Huy Châu, trưởng phòng lao động tiền công, Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh An Giang, cho biết số công nhân thủy sản ở tỉnh khoảng 14.000 người, trong đó lao động nữ chiếm hơn 2/3.

Mất cả tuần đi lại điều chỉnh bộ hồ sơ, cuối cùng tôi cũng nộp được đơn. Hai cán bộ phòng nhân sự mặt khó đăm đăm trực tiếp tuyển chọn. Ai sinh năm 1992 bị quăng hồ sơ trả lại. Nhiều bạn gái bị trả hồ sơ rơm rớm nước mắt nài nỉ: “Còn vài tháng là em thêm tuổi rồi, xí xóa cho qua đi cô”. Đáp lại thường là tiếng quát: “Qua gì mà qua! Có biết Luật lao động không?”. Nhiều gương mặt ỉu xìu bước ra về…

Tôi mừng húm khi được vào vòng trong. Sau khi đọc nội quy, ký cam kết, nộp tiền bảo hộ lao động, tôi được phát đồng phục. Tôi và hàng chục bạn nữ khác được phân về khâu tạo hình hay còn gọi là sửa cá. Còn những bạn nam khác về khâu thành phẩm, xuất kho… Được nhận, chưa làm nhưng nhiều bạn đã hí hửng: “Tụi mình thế mà sướng, chưa có tay nghề công ty sẽ đào tạo. Tạm thời lương bổng thấp nhưng không lo, sau này làm ăn theo sản phẩm, ráng sức là có tiền!”.

Trong căn phòng hàng trăm người, cánh học việc chúng tôi được xếp dãy cuối, mỗi người được lãnh một rổ nhựa hình chữ nhật đựng philê cá. Tùy kích cỡ lớn nhỏ, mỗi rổ cá nặng 2,5kg gồm 12-14 miếng cá. Nhiệm vụ của chúng tôi là lạng bỏ lớp mỡ phần trên của sóng cá và những lớp vụn phần giữa từ bụng đến đuôi cá. Phải xuôi dao sao cho thật khéo, giữ lại lớp thịt mỏng gọi là phần vè cá. Kế đến lách bỏ lớp sọc đỏ trên thân cá. Sau cùng là cạo bỏ sợi chỉ (gân). Cá được coi là hoàn chỉnh khi giữ được phần vè, trắng phau, không bị tét đầu, ít phạm thịt.

Việc cầm dao là cả một nghệ thuật. Dùng ngón cái, ngón trỏ giữ sao cho thật nhẹ nhàng, không ghì chặt, xuôi theo chiều con cá mà làm. Dao phải cực kỳ sắc, sơ sểnh đứt tay ngay. Bàn tay cô dạy việc như làm xiếc trên sản phẩm. Tôi và những bạn học việc toát mồ hôi mặc dù trong phòng lạnh khi liên tục phạm lỗi, khi mất vè, khi tét đầu cá… khiến cô dạy việc không ngừng thở dài.

Đứng suốt 10 giờ

Cả buổi sáng mang bao tay, đi ủng, đôi chân tôi cứng đơ, tê rần. Ngoài ra, mùi thuốc sát trùng, mùi cá ươn bốc lên nồng nặc, dù ai cũng bịt kín mũi, miệng nhưng vẫn không tránh khỏi những cơn choáng váng, buồn nôn ập đến từng chặp. Năm giờ liên tục trôi qua, tôi cơ hồ sắp quỵ xuống thì thật may vừa lúc cô dạy việc bảo: “Nghỉ, 11 giờ rồi, ăn cơm trưa”. Tôi mừng hơn bắt được vàng. Những bạn đồng môn học việc của tôi trong cơn lơ mơ cũng bừng tỉnh hẳn. Sau khi vệ sinh tay, chúng tôi chen nhau lên phòng nghỉ thay đồ rồi ngồi bệt xuống thở.

Ăn trưa, nghỉ khoảng 30 phút, đến 12 giờ chúng tôi tiếp tục công việc. Gần 5 giờ chiều công việc kết thúc. Trái với vẻ háo hức của buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc, buổi chiều về người nào kẻ nấy mệt mỏi, phờ phạc. Cả ngày gần 10 giờ đứng suốt toàn thân tôi rã rời, cổ đơ, cánh tay mỏi nhừ không nhấc lên được. Chân cẳng tê cứng không còn cảm giác, tôi lê từng bước về phòng trọ…

Về đến phòng tôi nằm phịch xuống chỉ muốn ngủ. Anh chị chủ nhà trọ thấy thương, an ủi: “Ngày đầu ai cũng vậy hết, từ từ sẽ quen em ạ”. Chị vợ giúi vào tay tôi ổ bánh mì rồi động viên: “Ăn đi! Cực mấy rồi cũng quen, có việc làm là quý rồi! Chứ ở không nằm nhà có ngày chết đói”.

Giành nhau miếng ăn

JwkW4gkK.jpgPhóng to
Bữa ăn vội vàng - Ảnh: Q.VINH

Hơn 3 giờ sáng, còn đang say ngủ tôi bị đánh thức bởi tiếng lục đục của công nhân những phòng bên cạnh. Tôi lơ mơ nói với chị Tuyết ở cùng phòng: “Công ty 5 giờ mới làm, đi giờ này quá sớm”. Chị ngạc nhiên: “Đi thế này là trễ lắm! Nhiều người đi từ 3 giờ sáng rồi. Đến công ty 4 giờ, đứng xếp hàng lấy cá là vừa”. Chị giảng giải: “Đi sớm mới lọt vô những tốp đầu, làm xong còn lãnh được rổ cá khác. Ăn theo sản phẩm mà, đi trễ người ta lãnh hết cá. Chậm như vậy có nước húp cháo!”.

Nhiều công nhân cho biết chỉ một vài công ty lớn là không phải xếp hàng bởi cá nguyên liệu nhiều, công nhân chỉ việc lấy. Còn các công ty nhỏ công nhân phải chen nhau giành lấy cá, giành lấy việc. Nga, phòng bên cạnh, là công nhân học việc gần một tháng nay, do làm ở công ty nhỏ nên ngày nào cũng hối hả đi sớm.

Đối với “công nhân cá”, việc đi sớm xếp hàng lãnh cá là một trong những chuyện quyết định sống còn đến thu nhập. Chỉ những người học việc mới được ưu ái không phải xếp hàng. Đến mấy ngày sau tôi mới hiểu vì sao những buổi đầu lấy cá, nhiều cặp mắt nhìn mình không mấy thân thiện. Lại có tiếng thở dài đâu đó vang lên: “Rồi, lại tụi học việc tới!”. “Tụi học việc tới” tức là thu nhập của các công nhân cũ phải chia sẻ, là bữa ăn của họ bớt đi một chút…

Cũng vì việc lãnh cá mà xảy ra nhiều chuyện ẩu đả. Nhiều người từ dưới vọt lên trên hoặc ngang nhiên nhảy hàng, có khi hai người cùng giành một rổ cá. Cự cãi, ẩu đả xảy ra thường xuyên, thậm chí dùng cả đồ mài dao ném nhau… Để ngăn chặn, có công ty đã đưa ra biện pháp trừ lương nhưng xem ra vẫn không hữu hiệu. Thế là nhiều công ty đưa ra biện pháp “rắn”: ai vi phạm sẽ có tên trong danh sách “đen” bị sa thải ngay tức khắc. Lúc đó tình trạng trên mới chấm dứt. Tuy nhiên chỉ chấm dứt ở trong công ty chứ cảnh chửi rủa, xô xát vẫn diễn ra bên ngoài công ty. Cũng chỉ vì chén cơm, manh áo…

Ngột ngạt

Mỗi ngày chúng tôi làm gần 10 giờ. Hôm nào cá ít làm 6-7 giờ. Khâu của chúng tôi máy lạnh chạy hết công suất nhưng không gian vẫn bức bối, tanh tưởi. Những ngày máy lạnh bị hư, phòng làm việc nóng hầm hập. Công nhân liên tục tháo găng tay uống nước, có người chịu không nổi xin ra ngoài cho bớt ngộp. Cô dạy việc cũng thế, cứ thoáng chốc lại ra ngoài rồi quay vào dạy tiếp. Có khi cúp nước, nhà vệ sinh rất dơ. Một lần bước vào tôi thấy 2-3 người đang nôn ói. Chứng kiến cảnh này tôi cũng không chịu nổi, bụng quặn lên nôn thốc nôn tháo…

--------------------------

Kỳ sau: Cơ cực trăm bề, mịt mù tương lai

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên