31/12/2013 08:50 GMT+7

Tôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũng

TTO
TTO

TTO - Ông Lê Như Tiến, người nổi tiếng về những tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng bắt đầu giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến liên tục 10g - Gặp gỡ cuối năm tại tuoitre.vn từ 9g.

b4A6fvNL.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến tại buổi giao lưu - Clip do TVO thực hiện

NỘI DUNG GIAO LƯU

Theo dõi toàn bộ chương trình

10 trả lời ấn tượng nhất trong giao lưu liên tục 10 giờGiao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ tại tuoitre.vnThất vọng vì không có cải cách mạnh mẽTôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũngCông Vinh: "Rất hy vọng U - 19 nhưng đừng tạo áp lực"Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc chính chúng taNhiều người hỏi tôi về việc đầu tư vào KienLongBankKhông phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túiKhông nội tâm, ca sĩ vẫn có thể là "ngôi sao" nhưng...Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quáNếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa"3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

Nghe audio phỏng vấn Đại biểu Lê Như Tiến:

* Lương thấp khiến người cán bộ phải "nhũng nhiễu" dân. Vậy nếu 33% cán bộ không làm được việc bị cho thôi việc, liệu đồng lương tăng lên có phải sẽ khiến tham nhũng giảm đi không. Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nghĩ sao về vấn đề này? (Phan Hưng Duy, 17 tuổi, duyphanhung@...)

- Ông Lê Như Tiến: Đúng là lương thấp, đời sống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, công chức "chân ngoài dài hơn chân trong", lấy việc phụ, thu nhập phụ thành việc chính, thu nhập chính, như vậy thì việc phụ lại thành việc chính, rồi nhũng nhiễu, tham nhũng để bù đắp vào phần thiếu hụt trong đời sống.

Tuy nhiên, không phải cứ nâng lương cao lên thì sẽ hết tham nhũng. Bởi vì, trong thực tế những kẻ tham nhũng thường là những người có chức, có quyền,có địa vị và đồng lương thì không hề thấp chút nào, thậm chí còn là những người lãnh lương "khủng", nhưng họ vẫn là chủ thể của tham nhũng bởi lòng tham là vô đáy, không giới hạn. Khi lòng tham đã ngự trị trong những con người này thì không biết bao nhiêu là đủ.

Vì vậy, giảm biên chế đối với khoảng 30% công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" là một giải pháp nhưng không phải là duy nhất. Phải có nhiều biện pháp đồng bộ như sự nghiêm minh của pháp luật, không tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng lợi dụng, rồi công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ để đội ngũ ấy thực sự là những công bộc của dân... đó mới là khâu quyết định.

pWoxqioC.jpg
Đại diện báo Tuổi Trẻ (trái) tặng hoa cám ơn cho ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Thưa đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, nhiều người dân nhận thức được rằng, nếu chúng ta chống tham nhũng từ nhiều năm nay, chắc chắn tham nhũng không thể như một căn bệnh nan y, di căn như hiện nay. Xin hỏi ông, để chữa "bệnh nan y" này cần phải có bài thuốc đặc trị gì? Ai là người cắt thuốc? Ai là người cho uống thuốc? Nếu không khỏi thì có giải pháp gì khác không? Xin cảm ơn ông (Hoàng Minh Tân, 55 tuổi, ngaho.tvql@...)

- Ông Lê Như Tiến: Đúng như ông nói, nếu chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, bài bản, căn cơ từ nhiều năm trước thì không đến nỗi trọng bệnh tham nhũng trở thành di căn như hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta đã nhận định nó là quốc nạn, nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ.

Chữa "bệnh nan y" này cần phải có thuốc đặc trị. Trước hết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với các quy định phòng và chống rất chặt chẽ. Chúng ta cũng đã củng cố bộ máy chuyên trách về phòng chống tham nhũng: từ việc Thủ tướng là người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chuyển giao sang Tổng Bí thư đứng đầu ban chỉ đạo này, chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta. Rồi Ban Nội chính, cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, được thành lập từ trung ương đến các địa phương.

Như vậy, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện từ pháp luật đến tổ chức bộ máy chống tham nhũng. Vấn đề còn lại là khâu triển khai thực hiện như thế nào.

Người cắt thuốc và người cho uống thuốc chính là các Cơ quan bảo vệ pháp luật: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Và trong thực tế vừa qua chúng ta đã biết có những mức án rất nghiêm khắc đã được tuyên phạt, đó là án tử hình cho những kẻ tham nhũng. Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng chống tham nhũng.

Như chúng ta đều biết, ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ tham nhũng. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, vì những người có chức có quyền thường lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Ai là người kiểm soát quyền lực?

Đó chính là các cơ quan trong bộ máy nhà nước kiểm soát lẫn nhau, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí là những kênh để giám sát và phát hiện tham nhũng.

Thực tiễn trong thời gian vừa qua thì nhân dân, báo chí đã phát hiện rất nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Tôi hy vọng rằng các chế định về kiểm soát quyền lực đã được thể hiện trong Hiến pháp sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật trong thời gian tới.

* Hầu hết cán bộ nào đều đi học ít nhất 12 năm, đa phần có bằng đại học, từng học các trường Đảng, trường lí luận chính trị. Vậy tại sao họ còn "chủ nghĩa cá nhân", tham nhũng, phải chăng một phần do giáo dục tư tưởng đạo đức chính trị còn yếu kém, ông nghĩ sao về điều này? (Trần Đức, 56 tuổi, tranduc23@...)

- Ông Lê Như Tiến: Đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền hiện nay được đào tạo, bồi dưỡng khá cơ bản, đều có trình độ đại học trở lên, được bồi dưỡng về lý luận chính trị.

Tuy nhiên, giữa kiến thức với nhận thức và hành vi lại là vấn đề khác. Học hành bài bản nhưng không được thường xuyên trau dồi đạo đức, phẩm chất, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm lẽ sống như Bác Hồ nói: cán bộ là người đày tớ, là công bộc của nhân dân thì họ sẽ dễ vì quyền lợi của cá nhân mình chứ không vì dân.

Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, còn bao cấp, đời sống của cán bộ công chức gặp rất nhiều khó khăn, cực khổ, thiếu thốn nhưng vì có tinh thần vì nước vì dân nên đội ngũ cán bộ thời ấy rất liêm khiết, chí công vô tư, tận tụy với công việc, thực sự là người lo trước dân, hưởng sau dân.

Và thời đó cán bộ lãnh đạo cấp trên thực sự là những tấm gương sáng cho cán bộ cấp dưới noi theo, không có hiện tượng nói một đường làm một nẻo hoặc nói mà không làm.

Câu hỏi của ông làm tôi nhớ lại câu nói của nhà giáo dục học nổi tiếng Xô Viết Makarenco đã đúc kết cách đây gần một thế kỷ: "Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục".

Gz3qIAY0.jpg
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Thưa đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, tôi cũng đã theo dõi phiên họp Quốc hội vừa qua, được nghe, thấy những bức xúc của cử tri gửi gắm cho ông và ông cố gắng bằng mọi khả năng, suy nghĩ của mình đưa ra những chất vấn với các thành viên Chính phủ về "vấn nạn tham nhũng và lãng phí" đang thách thức xã hội ngày càng tinh vi và nở rộ hơn.

Xin hỏi việc công khai tài sản của cán bộ công chức chỉ kê khai ở cơ quan họ hay do cơ quan thanh tra Đảng, Chính quyền nắm giữ. Vì sao không được công khai tại nơi cư trú của cán bộ công chức đó cho dân biết. Như vậy là phòng chống tham nhũng, lãng phí làm chưa triệt để, lọt lưới nhiều "quan tham" thì liệu phòng chống có thành công như tinh thần nghị quyết trung ương 4 không? (Phạm Đình Khang, 58 tuổi, phamkhang57@...)

- Ông Lê Như Tiến: Về vấn đề kê khai tài sản, tôi đã từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội. Đó là chúng ta có quy định kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức nhưng lại không công khai tại nơi cư trú và nơi công tác của cán bộ, công chức đó, bản kê khai tài sản thường được xếp rất ngăn nắp, khóa rất kỹ trong tủ hồ sơ quản lý cán bộ.

Vì thế, cử tri và nhân dân không thể giám sát được tài sản của cán bộ, công chức. Kê khai mà không công khai thì việc kê khai không còn ý nghĩa.

Gần đây, tôi được thông tin một cán bộ cấp phòng ở Hà Nội mà tài sản tăng thêm trong một năm có giá trị đến hàng tỷ đồng, thử hỏi với một cán bộ công chức cấp phòng có mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì lấy đâu ra số tiền "khủng" đó nếu không phải là tham nhũng.

Nhưng vì không công khai cho nên không ai biết được, chỉ khi các cơ quan pháp luật vào cuộc thì mới lộ chân tướng. Thêm một ví dụ điển hình là Dương Chí Dũng do tham nhũng mà hàng chục tỷ đồng để mua nhà nọ nhà kia cho "bạn gái".

Còn có hiện tượng mà chúng ta chưa kiểm soát được đó là tình trạng chuyển tài sản cho người thân trong gia đình. Con trai, con gái đang ở tuổi vị thành niên mà đã nắm giữ số tài sản rất lớn: ô tô, biệt thự, đất đai, cổ phiếu...

Tóm lại, kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, kê khai phải đi liền với công khai và trách nhiệm giải trình để cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân giám sát.

* Thưa bác Lê Như Tiến, cháu là một sinh viên của Học viện Hành chính, vấn đề tham nhũng và phòng chống tham nhũng cháu được tiếp xúc hàng ngày. Và cháu có một thắc mắc mong bác giải đáp: tham nhũng ở Việt Nam đang ở mức nào và muốn phòng chống tham nhũng thì phải làm từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên, và có nhất thiết phải hy sinh cả 1 thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu cho lớp cán bộ mới hay không? (Phạm Đức Toàn, 20 tuổi, phamtoan01636@...)

- Ông Lê Như Tiến: Bác rất hoan nghênh cháu là một sinh viên của học viện hành chính lại rất quan tâm đến quốc nạn tham nhũng. Bác tin tưởng tương lai cháu sẽ là một người cán bộ tốt, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Về thắc mắc của cháu là tham nhũng ở VN đang ở mức nào? Theo điều tra của một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập ở nước ngoài thì VN là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao trên thế giới.

Vì thế, Đảng và Nhà nước ta mới xác định là quốc nạn cần phải kiên quyết phòng và chống quốc nạn này. Chúng ta phòng chống tham nhũng không phải là hy sinh cả một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu mà là để loại bỏ những con sâu con mọt đục khoét tài sản quốc gia ra khỏi bộ máy.

Trong bộ máy công quyền của chúng ta còn có rất nhiều người tốt, hết lòng vì nước vì dân, nếu không như thế thì không thể có một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay. Cũng như trong một ruộng lúa thì bao giờ cũng có cỏ dại, vấn đề là chúng ta phải nhổ cỏ dại để lúa tốt hơn. Bác rất tin tưởng vào thế hệ trẻ hiện nay, những người có nhận thức đúng đắn như cháu sẽ là những nhân tố làm cho bộ máy công quyền ngày càng trong sạch hơn.

* Là một cử tri tôi luôn quan tâm và theo dõi những lời hứa của các tư lệnh ngành, đặc biệt là chờ đợi câu trả lời của Thủ tướng khi ông chất vấn Thủ tướng về xử lý "quốc nạn" tham nhũng. "Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng?" Sao Thủ tướng im lặng mãi? Tôi hy vọng và chờ đợi Thủ tướng trả lời. Ông có hy vọng không? (Lê Hải, 70 tuổi, haile40hphong@...)

- Ông Lê Như Tiến: Trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi có chất vấn Thủ tướng vấn đề như bác nêu.

Tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp câu hỏi này mà hứa sẽ trả lời bằng văn bản và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Đến nay, tôi chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng và cũng chưa thấy câu trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Tôi hy vọng rằng Thủ tướng sẽ sớm trả lời câu hỏi của tôi và đó cũng là mong đợi của nhiều cử tri như bác.

Trong bản góp ý kiến rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải bố trí thời gian hợp lý để Thủ tướng có điều kiện trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

* Thưa đại biểu Lê Như Tiến, theo nhận xét của cử tri thì chất lượng đại biểu Quốc hội không đồng đều, vẫn có những ông bà nghị gật, ngay tại kỳ họp vừa qua cũng thấy có rất nhiều ghế trống do đại biểu bỏ họp… Phải làm gì để Quốc hội có thêm nhiều đại biểu tâm huyết, nói lên tiếng nói của dân? (B.Đ)

- Ông Lê Như Tiến: Đây là một trong những vấn đề thường được đặt ra trong các cuộc rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp của Quốc hội. Đúng là có tình trạng chất lượng không đồng đều giữa các đại biểu Quốc hội mà cử tri có thể dễ dàng đánh giá, so sánh.

Chúng ta đều biết rằng trong Quốc hội có những đại biểu chuyên trách và những đại biểu kiêm nhiệm, số đại biểu kiêm nhiệm vẫn chiếm khoảng 2/3 và có ít thời gian dành cho hoạt động Quốc hội.

Các đại biểu là bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch tỉnh… đều rất bận trong công tác điều hành công việc hàng ngày, cho nên chúng ta có thể thông cảm phần nào với những chiếc ghế trống trong một số phiên họp Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra vấn đề là cần tăng thêm nữa số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như việc lựa chọn được những đại biểu toàn tâm toàn ý và dành toàn bộ thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, một nhiệm vụ đầy trọng trách và niềm tin mà cử tri giao phó.

* Ông là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhưng trong cuộc giao lưu này hầu hết câu hỏi bạn đọc đặt ra cho ông là về phòng chống tham nhũng, ông có ngạc nhiên không? (L.V.K, kienlt@...)

- Ông Lê Như Tiến: Tôi không ngạc nhiên nhưng thấy rất thú vị và cảm động. Tôi hiểu rằng bạn đọc báo Tuổi Trẻ và cử tri cả nước đều rất quan tâm đến quốc nạn tham nhũng.

Đây là vấn đề bức xúc và nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Tôi rất cảm động trước nhiều câu hỏi rất hay, rất tâm huyết, từ đáy lòng của cử tri ở nhiều lứa tuổi khác nhau gửi đến cho mình.

Rất tiếc là thời gian dành cho tôi có hạn nên tôi không thể trả lời hết tất cả những câu hỏi đặt ra hôm nay, xin hẹn bạn đọc vào những dịp khác.

Qua báo Tuổi Trẻ, tôi xin gửi lời cảm ơn đến cử tri, bạn đọc đã tin tưởng tôi và tôi rất xúc động khi có bạn đọc gọi tôi là ông đại biểu chống tham nhũng.

Sự tin tưởng của cử tri và bạn đọc khiến tôi thấy càng phải có trách nhiệm hơn trong việc nói lên tiếng nói của cử tri, bày tỏ tâm tư tình cảm và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội.

----------------------------------

Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến

Ông Lê Như Tiến, sinh năm 1954, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, hiện là phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Trong các phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội ở nhiều kỳ họp, ông Lê Như Tiến luôn có mối quan tâm đặc biệt và xuyên suốt về vấn đề tham nhũng, lãng phí, thường có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ về tham nhũng cũng như những câu hỏi chất vấn sắc sảo về vấn đề này đối với Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng.

Tham nhũng chưa bị sát thương!Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Tôi không sợ hãiLiệu Quốc hội có né những vấn đề nóng không?Suy nghĩ sau các án tử hình

Gần đây nhất, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, ông Lê Như Tiến đã có một bài phát biểu “chấn động” nghị trường thu hút sự quan tâm của rất nhiều cử tri.

Trong bài phát biểu này, ông cho biết: “Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng. Vậy là cuộc chiến chống tham nhũng có nguy cơ triệt tiêu trên diễn đàn Quốc hội".

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên