01/01/2013 08:14 GMT+7

10 trả lời ấn tượng nhất trong giao lưu liên tục 10 giờ

TTO
TTO

TTO - Suốt từ 8g sáng đến 18g chiều 31-12-2013, 10 nhân vật được đông đảo dư luận chú ý trong năm 2013 đã ít nhiều làm hài lòng hàng vạn bạn đọc qua cuộc giao lưu trực tuyến "kỷ lục" dài 10 tiếng liên tục.

TTO xin được giới thiệu, chọn lọc lại 10 câu trả lời ấn tượng qua cuộc giao lưu (theo thứ tự thời gian giao lưu).

ZUPo7DE1.jpgPhóng to
q8J5KUFM.jpgPhóng to
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thuận Thắng
lXoSzAKD.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Xlal9njc.jpgPhóng to
PGS.TS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh
493EmIAk.jpgPhóng to
Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng tại buổi giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ - Gặp gỡ cuối năm của Tuổi Trẻ - Ảnh: Thuận Thắng
pqNobRFk.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Thái Hòa - Ảnh: Thuận Thắng
Z91pG6bW.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Dương Thụ xuất hiện trong chương trình giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ tại tuoitre.vn chủ đề Gặp gỡ cuối năm - Ảnh Thuận Thắng
919PZ3Yl.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội cùng chung tay với ngành y tế nâng cao đạo đức nghề nghiệp - Ảnh: Thuận Thắng
EnsC4dul.jpgPhóng to
Doanh nhân Võ Quốc Thắng tại buổi giao lưu trực tuyến Gặp gỡ cuối năm do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Thuận Thắng
UrmYjQUl.jpgPhóng to
TS Nguyễn Thị Hậu tại buổi giao lưu trực tuyến Gặp gỡ cuối năm do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức - Ảnh: Thuận Thắng
6X6J19jG.jpgPhóng to
Cầu thủ Công Vinh và Ca sĩ Thủy Tiên (vợ Công Vinh)

1. Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Thất vọng vì không có cải cách mạnh mẽ

Thất vọng vì không có cải cách mạnh mẽ

* Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong những điều ông làm được, ông tâm đắc nhất với điều gì và thất vọng nhất với điều gì? (Dũng Anh, 34 tuổi, tandunganh@...)

- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những điều tôi đã làm được là tích cực phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của cử tri trong việc sửa đổi hiến pháp và có một số điểm góp ý của tôi cũng được chấp nhận ghi trong hiến pháp sửa đổi.

Điều tôi tâm đắc nhất là việc góp ý xây dựng hiến pháp đã được cởi mở, thẳng thắn và công khai so với các lần sửa đổi hiến pháp trước đây.

Điều tôi thất vọng nhất là tôi mong muốn là có sự cải cách mạnh mẽ hơn về chính trị, kinh tế, xã hội trong hiến pháp sửa đổi, nhưng đã không được chấp nhận vì tôi là thiểu số.

Tuy nhiên, hiến pháp sửa đổi cũng có những tiến bộ so với hiến pháp năm 1992 và công việc của đại biểu quốc hội bây giờ là nỗ lực để làm cho những điểm tốt đẹp và tiến bộ của hiến pháp trở thành hiện thực của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

2. ĐBQH Lê Như Tiến: Tôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũng

Tôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũng

* Là một cử tri tôi luôn quan tâm và theo dõi những lời hứa của các tư lệnh ngành, đặc biệt là chờ đợi câu trả lời của Thủ tướng khi ông chất vấn Thủ tướng về xử lý "quốc nạn" tham nhũng. "Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng?" Sao Thủ tướng im lặng mãi? Tôi hy vọng và chờ đợi Thủ tướng trả lời. Ông có hy vọng không? (Lê Hải, 70 tuổi, haile40hphong@...)

- Ông Lê Như Tiến: Trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi có chất vấn Thủ tướng vấn đề như bác nêu.

Tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp câu hỏi này mà hứa sẽ trả lời bằng văn bản và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Đến nay, tôi chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng và cũng chưa thấy câu trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Tôi hy vọng rằng Thủ tướng sẽ sớm trả lời câu hỏi của tôi và đó cũng là mong đợi của nhiều cử tri như bác.

Trong bản góp ý kiến rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải bố trí thời gian hợp lý để Thủ tướng có điều kiện trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

3. PGS-TS Văn Như Cương: "3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

"3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

* Kính gửi PGS Văn Như Cương: Người Việt Nam rất thông minh, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học rất hạn chế. Theo tôi, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là văn hóa của người Việt. Văn hóa cộng đồng, làng xã, quan tâm lẫn nhau của người Việt. Bên cạnh những khía cạnh tốt đẹp của nó, cũng có mặt trái là làm triệt tiêu động lực của con người, làm mỗi người không dám sống "khác người" trong xã hội, vì sẽ bị coi là lập dị, là gàn… Thầy có đồng ý với quan điểm này không? Văn hóa Nho giáo có ảnh hưởng gì đến tình trạng ở trên không? (Nguyễn Hưng Thắng, 40 tuổi, daticb@...)

- PGSVăn Như Cương: Ta vẫn thường nói "Ba anh thợ giày thành một Gia Cát Lượng". Tuy nhiên với văn hóa người Việt, việc này ngược lại, ba anh Gia Cát Lượng ngồi với nhau có khi thành một anh thợ giầy.

Bạn có thể tự hiểu về thực tế này.

4. Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng: Nếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa

Nếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa

* Vai trò của tổ chức Đoàn, ý nghĩa của việc vào Đoàn ở trường THPT đang trở thành một vấn đề khi ai cũng có thể vào Đoàn. Dù cố gắng nhìn nhận ưu điểm nhưng theo tôi, Đoàn chỉ là một tổ chức hình thức và "làm màu", thiếu thực tế với học sinh. Anh nghĩ sao về điều ấy? (Đôn Quý, 18 tuổi, thungan_94@...)

- Anh Lâm Đình Thắng: Chào bạn, anh không nghĩ rằng ai cũng có thể vào Đoàn.

Để được kết nạp Đoàn, các bạn phải thật sự là những thanh niên có phẩm chất và có quá trình học tập, rèn luyện tốt. Có thể tại trường bạn học, cách tiếp cận của các anh chị trong Đoàn trường chưa hiệu quả nên bạn có cảm nhận chưa tốt về Đoàn.

Đoàn các trường THPT trên địa bàn thành phố đang tổ chức những chương trình có ý nghĩa như "Khi tôi 18" - giúp các bạn chuẩn bị hành trang khi tốt nghiệp THPT, "Thắp sáng ước mơ" - giúp các bạn xây dựng và kiên trì với ước mơ tốt đẹp của mình, hoặc Chiến dịch tình nguyện "Hoa phượng đỏ" - giúp các bạn có một mùa hè bổ ích khi vừa được rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm vừa giúp đỡ được cho cộng đồng.

Anh cho rằng nếu tổ chức Đoàn "làm màu" như bạn nói thì không thể có những chương trình như thế được. Nếu có dịp, xin mời bạn đến Thành Đoàn, anh sẽ giới thiệu bạn tham gia một số chương trình dành cho học sinh THPT rất hay và có ý nghĩa.

5. Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quá

Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quá

* Chào anh Hòa. Anh có nghĩ hiện tại mình là một trong diễn viên hài phim điện ảnh được yêu thích nhất hiện nay với "bảo chứng" là doanh thu phòng vé "khủng" của phim Long Ruồi, Tèo Em? Anh có thấy mình bị "ảnh hưởng diễn xuất " của diễn viên Châu Tinh Trì hay không ? (Trung Hiếu, 29 tuổi, votrunghieu1313@...)

Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quá, do truyền thông ưu ái tặng anh thôi. Nhiều phim có anh đóng cũng lỗ nhiều lắm chứ không phải phim nào cũng lời em ơi! Dù sao thì cũng rất cám ơn khán giả thương mến Thái Hòa.

Anh không ảnh hưởng bởi Châu Tinh Trì dù rất ngưỡng mộ diễn viên Hong Kong này. Diễn viên anh yêu thích là Tom Hanks và Dustin Hoffman.

6. Nhạc sĩ Dương Thụ: Không nội tâm, ca sĩ vẫn có thể là "ngôi sao" nhưng...

Không nội tâm, ca sĩ vẫn có thể là "ngôi sao" nhưng...

* Được biết nhạc sĩ rất ưu ái giọng ca trẻ Nguyên Thảo. Tôi thấy cô ta hát rất truyền cảm, tinh tế và sắc vóc cũng đẹp. Thế nhưng tại sao những năm gần đây Nguyên Thảo hầu như vắng bóng? Không nổi bật và dường như rất ít ai biết đến? Nhạc sĩ có thể thông tin về cô này hiện tại. Nhân đây cũng xin hỏi nhạc sĩ là ca sĩ trẻ hôm nay cần những tố chất gì để có thể thành công? (Thùy dương, 32 tuổi, thuyduongbhoa@)

Nhạc sĩ Dương Thụ:

Bạn đã nhận xét đúng về Nguyên Thảo. Cô ấy ít biểu diễn vì có ít chương trình thích hợp và những chương trình cô ấy biểu diễn thường được làm ở Hà Nội - nơi cô ấy có rất đông người hâm mộ. Thảo là ca sĩ "ẩn mình", cô ấy ít xuất hiện trên báo chí vì rất ngại đám đông và cũng có vẻ sợ các nhà báo. Tôi nhiều lần khuyến khích và tạo điều kiện cho cô ấy xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông đại chúng nhưng cô ấy đều từ chối. Tính Thảo là thế. Một người như Thảo không chạy theo danh vọng và tiền bạc ở giới ca sĩ là rất hiếm. Tôi rất quý trọng cô ấy.

Muốn trở thành một ca sĩ thật sự ngoài giọng hát, trình độ âm nhạc, văn hóa nền tốt còn phải có điều gì để mà hát. Tố chất là không đủ, phải có đời sống nội tâm sâu sắc, còn không thì vẫn có thể hành nghề, thậm chí kiếm tiền tốt và trở thành "ngôi sao" như hiện nay, nhưng là ca sĩ thật sự, để chúng ta yêu mến như Nguyên Thảo thì không phải.

7. Bộ trưởng Bộ Y tế NguyễnThị Kim Tiến: Không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi

Không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi

* Thưa Bộ trưởng, nhiều người nhận xét: 100 Bác sĩ thì 90 người nhận phong bì nhưng chưa bị lộ. Chỉ có 1-2 người bị báo chí phanh phui là do số không may. Chuyện nhận phong bì là thói quen, bình thường và đã thành chuyện đương nhiên, phải thế. Bộ trưởng có cảm thấy nhận xét đó đúng hay không? Nêu rõ các giải pháp cụ thể và dể mang lại hiệu quả nhất, dễ thực thi nhất để chống lại nạn phong bì trong ngành của Bộ trưởng? (Phan Anh, 62 tuổi, Phanak555@...)

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:

Chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là không được phép, là quy định cấm trong các nghị định, thông tư, quy trình khám chữa bệnh, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế.

Nhưng ở đâu đó, do quá tải, do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, nên người nhà bệnh nhân mong muốn được khá trước, được khám kỹ hơn thì bệnh nhân có đưa tiền.

Theo chúng tôi quan sát thì không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi. Nhưng là điều dưỡng, người thay băng

Đối với bác sỹ thì không phải dễ tiếp cận. Con số 90 bác sỹ nhận phong bì chưa có căn cứ, cần phải phải có thống kê, đánh giá.

Hiện tượng là có, nhưng cũng phải có những bệnh viện mà nếu độc giả, bạn đọc đến thì không thể đưa phong bì. Ví dụ, BV Việt Đức (Hà Nội, BN Đại Học y dược TP.HCM, BN huyện miền núi, BV khu vục đồng bằng sông Cửu Long...) thế nên con số 90/100 người này cần phải đánh giá lại.

Đâu đó cũng có cán bộ y tế không giữ được nhân cách đạo đức của mình. Cũng cần phải nói là chế tài việc nhận phong bì chưa nghiêm. Bên cạnh đó cũng còn tâm lý của người bệnh cám ơn bác sĩ.

Còn về giải pháp, chúng tôi đã nói, đã có được dây nóng để bệnh nhân báo đến. Nhiều bệnh viện lớn hiện nay đã gắn camera hết.

Ngoài thông tư về đạo đức ngành mà Bộ sắp xây dựng thì hiện Chính phủ đã có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (ngày 1-1-2014 sẽ có hiệu lực) nếu phát hiện sai phạm, nhận phong bì sẽ xử phạt 30 triệu đồng.

Người đưa cũng có thể bị xử phạt vì nếu không có người đưa thì cũng không có người nhận, nên các bệnh nhân cũng cần thực hiện tốt nguyên tắc này

Ở nước ngoài, dù lương y bác sĩ cao hơn, thu nhập tốt hơn nhưng thực tế cũng vẫn chưa hết nạn phong bì.

8. Doanh nhân Võ Quốc Thắng: Nhiều người hỏi tôi về việc đầu tư vào KienLongBank

Nhiều người hỏi tôi về việc đầu tư vào KienLongBank

* Cùng với khó khăn chung của toàn ngành kinh tế, ngành ngân hàng đã bộc lộ nhiều khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều nhà đầu tư thoái vốn khỏi ngành ngân hàng cũng như tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên theo các phương tiện thông tin đại chúng tối được biết trong năm qua ông vừa tiến hành đầu tư vào KienlongBank, và giữ chức hội đồng quản trị.

Xin hỏi, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của khoản đầu tư này trong tương lai? Và việc đầu tư ngoài ngành như vậy có làm tăng rủi ro cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Đồng Tâm Group? Kính chúc ông sức khỏe và nhiều thành công trong năm mới 2014. (Phạm Đình Nam, 26 tuổi, tai.pn167@...)

- Doanh nhân Võ Quốc Thắng: Xin chào Nam! Đây là một hỏi rất thú vị với anh. Vừa qua, nhiều bạn bè cũng đã hỏi anh việc này.

Thứ nhất, anh muốn nói Đồng Tâm là thương hiệu có bề dày gần 45 năm hình thành và phát triển. Anh cũng đã chính thức điều hành Đồng Tâm được 28 năm và anh cũng đã có những định hướng xây dựng, phát triển thương hiệu Đồng Tâm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng - trang trí nội thất.

Không ngừng ở đó, Đồng Tâm mong muốn đầu tư phát triển một số các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy với công nghệ, máy móc hiện đại, đưa thương hiệu Đồng Tâm xứng tầm thương hiệu lớn của Việt Nam. Kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2013 bạn có thể thấy được ở câu trả lời trước.

Anh cũng xin thông tin thêm rằng, Đồng Tâm và Kiên Long Bank là 2 mảng hoạt động độc lập, khác nhau. Việc tham gia đầu tư lĩnh vực ngân hàng không liên quan, ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của thương hiệu Đồng Tâm.

Kienlongbank là tổ chức tín dụng có bề dày lịch sử 18 năm hình thành và phát triển, là ngân hàng bán lẻ đặc thù.

Hiện nay, Kienlongbank có gần 200 ngàn khách hàng giao dịch thường xuyên, và hệ thống mạng lưới phát triển mạnh ở đồng bằng Sông Cửu Long với 97 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước.

Anh nghĩ đây là ngân hàng tuy không lớn so với các ngân hàng bạn nhưng có tính ổn định cao, nhờ vào lượng khách hàng ổn định.

Điều đáng mừng, dù tình hình kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn, nhưng bằng những chính sách điều chỉnh hợp lý, kịp thời của HĐQT, sự điều hành của Ban Tổng giám đốc, việc kinh doanh của Kienlongbank đã đạt được một số kết quả khả quan, tính đến 31/12/2013: lợi nhuận trước thuế trên 400 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát dưới 2,3% (hai phẩy ba).

Một lần nữa, anh xin cảm ơn em và chúc em và gia đình một năm mới nhiều hạnh phúc.

9. TS Nguyễn Thị Hậu: Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc vào chính chúng ta

* Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay chỉ thích xem phim Hàn, nghe nhạc pop, chẳng còn mấy ai thích nghe dân ca. Liệu đó có phải là xu hướng văn hóa tất yếu của giai đoạn phát triển hiện nay.

Những "di sản văn hóa" xa xưa liệu còn lưu truyền được đến bao giờ thưa bà? Xin cảm ơn bà (Hà Ngọc Thủy, 25 tuổi,ttkh@...)

TS Nguyễn Thị Hậu: Thanh thiếu niên thì luôn luôn thích cái mới, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng không phải vì thế mà các em không quan tâm đến văn hóa truyền thống.

Tôi được biết nhiều bạn trẻ vẫn âm thầm tìm hiểu về dân ca cũng như đi đến các di tích lịch sử văn hóa, tìm đọc những cuốn sách về lịch sử để làm giàu them kiến thức cho mình.

Những di sản văn hóa xa xưa lưu truyền được đến bao giờ là do chính chúng ta bảo vệ và “di truyền” tình yêu với di sản văn hóa cho lớp trẻ nhiều thế hệ.

Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc vào chính chúng ta

10. Cầu thủ Công Vinh: "Rất hy vọng U-19 nhưng đừng tạo áp lực"

U - 19: "Rất hy vọng nhưng đừng tạo áp lực"

* Lứa cầu thủ U-19 đang gây tiếng vang lớn. Góc nhìn của Vinh về lứa cầu thủ này thế nào? (Lê Hoài Dư, 22 tuổi, lehoaidu@...)

- Cầu thủ Công Vinh: Vinh rất hi vọng ở lứa U-19 này, vì các cầu thủ được đào tạo từ nhỏ và rất bài bản, từ các giáo án nước ngoài, lứa này có một kỹ thuật cơ bản rất tốt và phối hợp với nhau rất ăn ý và nhuần nhuyễn, thể hình các cầu thủ này rất tốt. Họ lại được huấn luyện bởi HLV nước ngoài từ CLB Asenal gửi sang và quan trọng hơn họ có sự ủng hộ cũng như đầu tư rất tốt từ chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

Vinh hi vọng chú Đức có một kế hoạch cũng như chiến lược để lứa U-19 phát triển nhiều hơn nữa và Vinh cũng hi vọng các cầu thủ U-19 thi đấu ở các hàng đầu châu Á, và các đội bóng châu Âu để họ quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế và xa hơn nữa họ sẽ là nòng cốt của U-23 và đội tuyển quốc gia để mang vinh quang về cho tổ quốc.

Nhưng chúng ta cũng đừng kỳ vọng cũng như tạo áp lực lên các em quá nhiều và chúng ta cứ chờ và hi vọng, tin tưởng vào các em.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên