"Gặp gỡ cuối năm" - Giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ:
Phóng to |
Phó Giáo sư Văn Như Cương - một đời tâm huyết với nền giáo dục - Việt Thái thực hiện |
PGS Văn Như Cương tại chương trình giao lưu Gặp gỡ cuối năm - Clip do TVO thực hiện |
NỘI DUNG GIAO LƯU
Nghe audio phỏng vấn PGS Văn Như Cương: 3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giày
* Hiện nay tình hình tham ô đã xâm nhập đời sống "như chuyện thường ngày" làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, từ khâu thi cử đến đào tạo, công khai có, trá hình có. Vậy thưa giáo sư chúng ta (trong đó có ngành giáo dục) cần làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo đề ra?) (Nguyễn Trung Quốc, 43 tuổi, trungquoc@...)
- PGS Văn Như Cương: Tình hình tham nhũng tất nhiên ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên theo tôi, việc lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Lãng phí trong giáo dục thể hiện ở nhiều dự án, tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng không đi đến kết quả là bao nhiêu, đi nước ngoài quá nhiều cũng chỉ để "chơi".
Họp hành quá nhiều, rồi các phong trào kiểu hình thức cũng quá nhiều, thi đua, bình bầu khen thưởng quá nhiều...
Theo tôi đó là những lãng phí mà nếu ta tiết kiệm, làm tốt thì sẽ có dư tiền phục vụ việc dạy học.
* Kính chào bác, cháu muốn hỏi bác một vấn đề về nền giáo dục của Việt Nam hiện nay: Tại sao giáo dục phổ thông của nước ta xếp hạng thứ 17 trên thế giới mà sinh viên nước mình ra trường lại bị thất nghiệp nhiều thế ạ? Cháu cảm ơn bác nhiều! (Nguyễn Thị Ngọc Bích, 21 tuổi, johahnthienthan@...)
- PGS Văn Như Cương: Thứ hạng thứ 17 là kết quả khảo sát của PISA chỉ trên ba phương diện khoa học, đọc hiểu và toán chứ không phải đánh giá toàn bộ chất lượng của giáo dục phổ thông. Nhưng nói chung chất lượng giáo dục phổ thông tuy còn có những mặt yếu, nhưng không hoàn toàn kém cỏi.
Còn về giáo dục đại học, thì thực sự là bi đát. Bởi vì chương trình học không bảo đảm cho những người tốt nghiệp ra có thể làm được việc. Cho nên, cải cách giáo dục bậc đại học là vấn đề giải quyết câu hỏi: học cái gì để người học ra cuộc sống có thể tìm được việc làm?
Đại diện báo Tuổi Trẻ (phải) tặng hoa cám ơn cho PGS.TS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh |
- PGS Văn Như Cương: Chính vì kiến thức quá khó và quá nặng nên học sinh mới cần phải học thêm. Với chương trình ấy, thì không thể cấm được học thêm. Muốn không dạy thêm, học thêm tràn lan thì phải giảm nhẹ chương trình, thi cử không căng thẳng, không đánh đố học sinh, đời sống giáo viên được nâng cao.
* Cháu chào bác Văn Như Cương. Cháu có 2 nhận xét về giáo dục Việt Nam 1. Lương giáo viên/giáo sư quá thấp (cháu cũng thấy học phí ở Việt Nam quá thấp) 2. Tình trạng kỹ sư, giáo viên được trường đạo tạo lại quay về trường dạy ở đại học (điều này hạn chế sự sáng tạo).
Mong bác cho ý kiến về 2 vấn đề trên và giải pháp/lộ trình để giải quyết. Cháu cảm ơn (Ngô Nguyễn Thành Danh, 31 tuổi, danhtnn@gmail.com)
- PGS Văn Như Cương: Việc đào tạo cán bộ giảng dạy ở bậc đại học thường theo cách sau đây: Chọn những sinh viên giỏi, giữ lại trường để bồi dưỡng tiếp. Họ trở thành thạc sĩ, tiến sĩ...
Trong thời gian đó, họ có thể tham gia giảng dạy với tư cách phụ giảng. Cách thức đó là đúng và không làm giảm tính sáng tạo. Còn về vấn đề lương giáo viên, giáo sư quá thấp là một thực tế đáng buồn.
Và cố nhiên làm hạn chế rất nhiều công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các thầy, cô giáo. Vì người ta còn phải bỏ thời gian để kiếm thêm thu nhập.
* Nói về giáo dục thì việc chạy theo thành tích là một vấn đề mà lâu rồi vẫn chưa khắc phục được. Theo phó giáo sư, ông có thể đưa ra những biện pháp nào để khắc phục tình trạng đó? (Võ Thị Huyền Kim, 15 tuổi, Huyenkimvo@...)
- PGS Văn Như Cương: Tôi nghĩ đối với giáo dục nên đề cao khẩu hiệu "dạy thật, học thật". Trước kia Bác Hồ nói "Dạy tốt, học tốt". Nhưng để làm được điều đó thì cần phải "dạy thật, học thật".
Nếu chúng ta thống nhất như vậy, thì việc chạy theo thành thích sẽ là "dạy giả, học giả", "dạy dối, học dối" và để đạt mục tiêu "dạy tốt, học tốt" thì bệnh chạy theo thành tích sẽ không còn "đất" tồn tại.
PGS.TS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Nói về giáo dục thì việc chạy theo thành tích là một vấn đề mà lâu rồi vẫn chưa khắc phục được. Theo phó giáo sư, ông có thể đưa ra những biện pháp nào để khắc phục tình trạng đó? (Võ Thị Huyền Kim, 15 tuổi, Huyenkimvo@...)
- PGS Văn Như Cương: Tôi nghĩ đối với giáo dục nên đề cao khẩu hiệu "dạy thật, học thật". Trước kia Bác Hồ nói "Dạy tốt, học tốt". Nhưng để làm được điều đó thì cần phải "dạy thật, học thật".
Nếu chúng ta thống nhất như vậy, thì việc chạy theo thành thích sẽ là "dạy giả, học giả", "dạy dối, học dối" và để đạt mục tiêu "dạy tốt, học tốt" thì bệnh chạy theo thành tích sẽ không còn "đất" tồn tại.
* Con không hiểu vì sao lần đổi mới hay cải cách giáo dục 2015 sắp tới lại không bắt đầu từ các trường sư phạm? Có phải chúng ta đang lúng túng, vội vã trong cách làm giáo dục? (Phan Hưng Duy, 17 tuổi, duyphanhung@...)
- PGS Văn Như Cương: Trong đề án đổi mới giáo dục lần này đã chú trọng đến vấn đề đổi mới các trường sư phạm, điều đó là đúng. Chúng ta phải bắt đầu từ người thầy, thầy phải biết đổi mới từ cái gì, đổi mới như thế nào...Không chỉ thầy giáo tương lai, mà còn cả những thầy giáo đang đứng lớp cũng phải được đào tạo thích hợp.
* Phải làm gì để giáo viên truyền đạt hết nội dung chương trình học ngay trên lớp, với điều kiện học sinh hiểu đạt theo quy định? Hiện nay đa số học sinh không hiểu tại lớp, phải cần giáo viên dạy thêm tại nhà của giáo viên. (Nguyễn Quang Vinh, 1957 tuổi, quangvinhtv@...)
- PGS Văn Như Cương: cần giảm lượng kiến thức, môn học không cần thiết trong chương trình phổ thông. Chỉ dạy học những gì cần thiết nhất, không dạy những thứ phù phiếm vô bổ, tăng cường rèn luyện kỹ năng, tăng cường giáo dục để "làm người"... Nếu thực hiện được điều đó thì có thể sẽ hy vọng chấm dứt được việc học thêm, dạy thêm tràn lan.
* Thưa PGS, phát biểu tại một Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Giáo dục và đào tạo ngày 28-12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói rằng: Phải đột phá đổi mới từ Bộ Giáo dục và đào tạo là đầu tiên. Vậy theo ý kiến riêng của PGS thì đó là những đột phá nào? Xin cảm ơn PGS! (Hoàng Minh Tân, 55 tuổi, ngaho.tvql@...)
- PGS Văn Như Cương: Tôi rất tán thành ý kiến đó của Phó Thủ tướng. Cần phải cải tiến ngay từ "bộ não" của ngành GD-ĐT. Ở đó không cần có những công chức giáo dục sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Mà cần những nhà sư phạm, nhà giáo dục có tâm huyết thực sự với sự nghiệp trồng người.
* Kính thưa PGS, trong giai đoạn hiện nay việc đào tạo đội ngũ giáo viên trên cả nước vẫn tiếp tục. Trong khi đó số học viên ra trường không thể bố trí việc làm hết. Là một nhà giáo tâm huyết với ngành giáo dục nước nhà, ông có kế sách nào hay để giúp ngành? (Ngô Sỹ Thân, 45 tuổi, ngosythan@...)
- PGS Văn Như Cương: Theo tôi biết Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch cắt giảm chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm, vì thực tế giáo viên đang dư thừa. Các trường sư phạm có thể chuyển việc đào tạo sinh viên mới để trở thành thầy giáo mới bằng cách đào tạo lại các thầy giáo cũ đang đứng lớp.
Nếu được như vậy, các trường sư phạm vẫn có việc làm, nhưng không để giáo viên tốt nghiệp thừa nhiều quá. Với cách này chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được nâng lên, phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục.
* Thưa PGS, tại sao đợt cải cách giáo dục lần này bắt đầu từ 2015, mà bây giờ Bộ Giáo dục và đào tạo chưa có động thái gì từ giáo viên và sách giáo khoa? (Nguyễn Văn Khôi, 55 tuổi, khoinv.cd@...)
- PGS Văn Như Cương: Tôi cũng nóng ruột như bạn. Và tôi cũng cảm thấy chưa có động thái gì rõ ràng. Hoặc là do chúng ta chưa biết, nhưng lo lắng lắm thay!
* Là người dân, qua theo dõi quá trình "chỉnh sửa" của ngành giáo dục, tôi chỉ thấy "cải lùi" chứ không "cải tiến". Học sinh cấp 3 sáng học trên lớp, chiều học phụ đạo của trường, tối học thêm tại nhà giáo viên. Thật trái khoa học, hậu quả học sinh"tối mắt tối mũi", giáo viên cấp 3 "giàu sụ" dạy ở huyện mà có tiền "tỉ" mua nhà thành phố". Vậy theo giáo sư làm gì để thay đổi "tệ nạn" này? (Hoàng Hà, 45 tuổi, langduh@...)
- PGS Văn Như Cương: Không phải giáo viên nào cũng kiếm tiền hàng tỷ do dạy thêm. Thầy giáo các môn như Giáo dục công dân, Công nghệ, Thể dục...thì không thể dạy thêm ở đâu cả.
Cho nên vấn đề nâng cao đời sống giáo viên luôn luôn phải đặt ra. Còn việc học sinh THPT phải học đầu tắt mặt tối là do chương trình quá nặng, còn nhiều bất cập. Chúng ta hy vọng lần này là cải tiến thực sự chứ không phải "cải lùi" như bạn nói. Vì không biết còn có thể lùi về đâu được nữa.
* Kính gửi PGS Văn Như Cương: Người Việt Nam rất thông minh, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học rất hạn chế. Theo tôi, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là văn hóa của người Việt. Văn hóa cộng đồng, làng xã, quan tâm lẫn nhau của người Việt. Bên cạnh những khía cạnh tốt đẹp của nó, cũng có mặt trái là làm triệt tiêu động lực của con người, làm mỗi người không dám sống "khác người" trong xã hội, vì sẽ bị coi là lập dị, là gàn… Thầy có đồng ý với quan điểm này không? Văn hóa Nho giáo có ảnh hưởng gì đến tình trạng ở trên không? (Nguyễn Hưng Thắng, 40 tuổi, daticb@...)
- PGS Văn Như Cương: Ta vẫn thường nói "Ba anh thợ giày thành một Gia Cát Lượng". Tuy nhiên với văn hóa người Việt, việc này ngược lại, ba anh Gia Cát Lượng ngồi với nhau có khi thành một anh thợ giầy.
Bạn có thể tự hiểu về thực tế này.
* Thưa thầy, không phủ nhận giáo dục nước ta còn nhiều bất cập. Những người làm công tác quản lý giáo dục cũng đều là những người có trình độ, học thức, học hàm, học vị, cũng lăn lộn nhiều trong môi trường giáo dục... thế thì tại sao nền giáo dục chúng ta cứ loay hoay mãi thế? (Thanh Vân, 52 tuổi, trieukietlong@...)
- PGS Văn Như Cương: Đúng là giáo dục nước ta cứ loay hoay mãi. Đó là vì giáo dục rất ngại đổi mới, không muốn đổi mới, hơn thế nữa là không biết cách đổi mới.
Do đó bao nhiêu năm giáo dục nằm im một chỗ, không chuyển động, nhúc nhích. Tất nhiên, nằm im một chỗ sẽ bị bại liệt. Bởi vậy, việc đổi mới căn bản, toàn diện lần này mang lại cho ta chút ít hy vọng nào đó.
* Có câu nói như thế này: "Một thợ tồi chỉ làm hư đôi giày, một bác sĩ tồi chỉ làm chết một người, một thầy giáo tồi làm hư cả một thế hệ". Theo Phó Giáo sư, ở nền giáo dục VN chúng ta có bao nhiêu thầy giáo tồi? Tại sao? Có cách nào để không còn tình trạng này? Mọi đổi mới trong giáo dục không thể thực hiện được nếu con người thực hiện là những người không có năng lực giỏi và đạo đức tốt. (Phạm Nguyễn Kha, 50 tuổi, khaduglinh@...)
- PGS Văn Như Cương: Đúng như bạn nói, một thầy giáo tồi ảnh hưởng cả một thế hệ, nhiều thầy giáo tồi thì càng nguy hiểm hơn. Bạn hỏi có bao nhiêu thầy giáo tồi, thì tôi không thể trả lời được. Nhưng theo tôi nghĩ việc đổi mới căn bản toàn diện của chúng ta không chỉ bắt đầu từ trên dội xuống, mà còn phải bắt đầu từ tấm lòng của mỗi thầy cô giáo ở mỗi cấp học trên cả nước.
Chúng ta cần có một thế hệ nhà giáo hết lòng vì học sinh. Tôi hy vọng những thầy, cô giáo như vậy ngày càng nhiều. Và những thầy giáo tồi như bạn nói càng ngày càng ít đi.
* Chúng tôi đã nghe nhiều về dự án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nhưng chưa biết nội dung cụ thể và mức độ mới như thế nào. Tôi xin hỏi với dự án lớn đó thì trình độ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất như hiện nay có phù hợp và đáp ứng được yêu cầu đổi mới không? Khi triển khai dự án đó thì đời sống của giáo viên có được đổi mới tương xứng không? Xin cảm ơn PGS. (Dương Thanh, 42 tuổi, DThanh71mt2@...)
- PGS Văn Như Cương: Trong đề án có đề cập tới việc đổi mới về chất lượng giáo viên, nâng cao đời sống giáo viên. Trên thực tế vấn đề đời sống giáo viên, nhiều lần đã được đặt lên bàn để thảo luận, nhưng theo tôi thì khó có thể nâng cao một cách thực sự đời sống giáo viên được.
Bởi vì chúng ta không có nhiều tiền, 20% ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đã quá nhiều. Muốn nâng cao đời sống giáo viên thì chỉ có cách chống tham nhũng và chống lãng phí. Nhưng tiếc thay, đó là công việc lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà giải quyết được.
* Thưa PGS, những nguyên nhân chủ quan nào dẫn tới sự tha hóa trong giáo dục, văn hóa? Cần phải làm gì để khắc phục sự tha hóa nói trên? (Ngô Thị Huyền, 30 tuổi, huyenngothi@...)
- PGS Văn Như Cương: Đây là vấn đề của toàn xã hội, trong đó giáo dục phải nhận trách nhiệm rất lớn. Báo chí, truyền thông, phim ảnh cũng có phần trách nhiệm không nhỏ.
Bởi vậy, vấn đề là sự thay đổi của cả hệ thống về vấn đề giáo dục, văn hóa.
Có nên để phim Hàn Quốc tràn ngập trên truyền hình của ta hay không, điều này rất đáng suy nghĩ. Có nên để câu chuyện "Kiều nữ hiếp dâm tài xế" được đăng tải và kéo dài trên báo chí như vừa rồi hay không?
Đó là trách nhiệm của những người đứng đầu Bộ Văn hóa.
* Chào PGS, xin được phép hỏi về đổi mới giáo dục. Không biết ở Việt Nam ta, có bao nhiêu người được học về Quản lý giáo dục một cách bài bản, đầy đủ? Không biết có bao nhiêu nghiên cứu thật sự để chỉ ra thực trạng và nguyên nhân của chất lượng giáo dục hiện tại từ tiểu học đến đại học và sau đại học? Căn cứ vào đâu để nói giáo dục ta là tốt hay chưa tốt và tại sao cần phải thay đổi, và thay đổi cái gì? Và như vậy có phải là "võ đoán", là thiếu khoa học khi cho rằng cần phải làm điều này hay điều kia - kiểu như ý kiến chuyên gia - nhưng không phải của chuyên gia thật sự? Điều này có đúng không thưa Phó giáo sư? (Zen, 25 tuổi, zen@...)
- PGS Văn Như Cương: Chúng ta có Học viện Quản lý giáo dục nhằm đào tạo ra những người quản lý cấp hiệu trưởng. Như thế tức là chúng ta đã chú ý đến việc đào tạo cán bộ quản lý.
Còn ngoài ra cũng có nhiều nhà nghiên cứu giáo dục ở viện Khoa học giáo dục Việt Nam và các nhà nghiên cứu ở nhiều trường đại học khác. Các chuyên gia giáo dục đều nắm được thực tế giáo dục Việt Nam, hiểu được tình hình giáo dục ở các nước khác.
Tuy nhiên, để đề ra được một quyết sách về giáo dục thì chúng ta còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, nhiều nhân vật khác...
* Kính gửi Phó Giáo sư Văn Như Cương: Hiện nay, rất nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn trong xã hội, từ trẻ em cho đến người lớn, từ nông thôn đến thành thị. Rất nhiều người sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, của cộng đồng.
Theo thầy, nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng này là gì? Phải chăng tham nhũng, chạy chức chạy quyền là cội nguồn? Muốn thay đổi thì ai thay đổi và phải làm gì? (Nguyễn Hưng Thắng, 40 tuổi, daticb@...)
- PGS Văn Như Cương: Điều bạn nói chính là thói vô cảm đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Hầu như mọi người chỉ biết mình, không quan tâm tới người khác. Trước kia thời chống Mỹ không hề có chuyện ấy. Hồi ấy chúng ta thực sự là "Một người vì mọi người, mọi người vì một người".
Truyền thống tốt đẹp đó do cuộc sống khắc nghiệt, do chiến tranh tàn khốc đã tạo nên cho con người sẵn sàng đùm bọc nhau.
Bước sang thời hòa bình, bước sang cơ chế thị trường thì truyền thống đó có những thay đổi cũng là điều dễ hiểu. Bây giờ trước mắt là cuộc sống ngày càng phải ấm no, nhà cửa phải khang trang, đi lại phải đàng hoàng, con cái phải học hành chỗ tốt nhất...
Điều đó dẫn tới tâm lý chỉ lo cho mình, gia đình mình. Để chống lại thói vô cảm, cần có nhiều hoạt động, cần nhiều sự giáo dục, cần nhiều những tấm gương và xây dựng lại một văn hóa cộng đồng tốt hơn nữa.
* Tôi nghĩ nên cấm con của các cán bộ làm trong ngành giáo dục đi du học nước ngoài, để họ tập trung lo cho ngành giáo dục trong nước tốt vì chính họ tạo ra sản phẩm đó thì con cháu họ phải dùng trước chứ, ông nghĩ sao? (Trương Nguyễn, 46 tuổi, lyminh752003@...)
- PGS Văn Như Cương: Không thể cấm được đâu bạn ạ. Tuy nhiên ý kiến của bạn có lý ở chỗ, anh không dùng sản phẩm của anh tạo ra thì anh cũng không thể hết lòng cho công việc của anh để tạo ra sản phẩm đó được.
-----------------------------
PGS-TS Văn Như Cương
PGS-TS Văn Như Cương sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy học ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp trở thành giảng viên của trường này.
Năm 1971, PGS Văn Như Cương hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ.
Trở về nước, PGS Văn Như Cương tiếp tục giảng dạy bộ môn hình học tại ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh. Vào thời kỳ ngành GD-ĐT khuyến khích xã hội hóa, cho phép mở trường ngoài công lập, năm 1989 PGS Văn Như Cương lập ra Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội). Đây là một trong những ngôi trường ngoài công lập ở bậc phổ thông đầu tiên tại Việt Nam và cũng là một trong số ít trường ngoài công lập tạo dựng được tên hiệu với chất lượng giáo dục tốt.
PGS Văn Như Cương cũng được nhiều người biết đến với vai trò tác giả tham gia biên soạn chương trình-SGK phổ thông và giáo trình đại học môn hình học.
“Ba chung” đáng lý phải cáo chung từ lâuPGS Văn Như Cương gửi "tâm thư" bàn về cách dạy conKhoảng trống “dạy người”Thủ khoa, nhiều thì đâu còn quý!
Ông là ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. PGS Văn Như Cương còn là một trong những gương mặt có tiếng nói phản biện thẳng thắn với những chính sách giáo dục, chỉ ra nhiều bất cập của giáo dục và đề xuất đổi mới giáo dục phổ thông.
Trong bối cảnh nền GD-ĐT cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện, PGS Văn Như Cương đã có những ý kiến đóng góp quan trọng nhằm thay đổi nhiều vấn đề bất cập của giáo dục phổ thông.
PGS Văn Như Cương cũng nổi tiếng là một nhà giáo gần gũi với giới trẻ. Facebook của ông thường xuyên có hàng ngàn bạn trẻ truy cập. Những lá thư nhân ngày khai trường của ông viết cho phụ huynh, học sinh mang nhiều ý sâu sắc, chia sẻ về quan điểm của ông trong việc “dạy người” như thế nào.
Nhiều câu chuyện giáo dục, những lời khuyên bảo giản dị, có cả những lời nhận lỗi chân tình của vị giáo sư già được các bạn trẻ đón nhận, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận