Xem toàn cảnh Đại án Dương Chí Dũng
Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt chú ý đến việc đưa các đại án ra xét xử công khai trước tòa như vụ Dương Chí Dũng... Mức án mà tòa tuyên phạt đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và qua đó cũng thể hiện quyết tâm trong cuộc đấu tranh gian khó này. Những tội mà các bị cáo trong vụ này gây ra là rất lớn, hậu quả không chỉ gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân hàng trăm tỉ đồng, làm cho Vinalines suy kiệt, rơi vào vũng lầy khó khăn mà còn làm mất lòng tin, gây hoang mang dư luận. Không ai có thể tưởng tượng được rằng những con người được giao trọng trách quản lý các đơn vị kinh tế lớn quan trọng như vậy, có ăn học như vậy lại đem tiền đi mua một cái ụ nổi cũ về để nó trở thành đống sắt vụn...
Việc xét xử nghiêm khắc, đúng người, đúng tội là phù hợp với đòi hỏi của cử tri, dư luận và của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, băn khoăn của tôi và cũng như của nhiều người là việc gây ra trọng tội, để lại hậu quả nặng nề như vậy có phải chỉ Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc? Có còn kẻ phạm tội nào đang bị bỏ lọt hay không? Cơ quan nhà nước nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong quản lý Vinalines? Bởi trong và sau khi vụ án được đưa ra xét xử, vẫn còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đâu phải dễ dàng đem một đống sắt vụn từ Nga về VN làm ụ nổi, nó phải qua bao nhiêu quy trình, thủ tục. Vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành đến đâu, trách nhiệm của cơ quan quản lý và giám sát tài sản nhà nước như thế nào?...
Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội, để xảy ra tình trạng tham nhũng trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì phải có những cán bộ có chức có quyền tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu và đồng lõa, đồng hành, đồng phạm với những kẻ tha hóa như đã bị phát hiện ở Vinalines, Vinashin. Vì vậy, trong chống tham nhũng, đã quyết tâm thì phải quyết tâm đến cùng, đã làm thì phải làm rốt ráo, đừng để xử xong rồi mà vẫn còn vết gợn trong dư luận nhân dân. Những câu hỏi nêu trên buộc người có trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền giải đáp sáng rõ thì dân mới hài lòng, tin tưởng.
Và cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng phòng ngừa tốt thì vẫn hơn là phải chống. Kẻ phạm tội có thể bị xử tử hình, nhưng hậu quả mà nó gây ra là thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thì rất khó lấy lại và lòng tin của người dân cũng không dễ gì bù đắp. Vì vậy, trong rất nhiều kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị phải tìm cách bịt các lỗ hổng, mà hai vấn đề quan trọng nhất là phải xem lại cơ chế quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cơ chế quản lý, bổ nhiệm cán bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận