21/11/2013 13:26 GMT+7

Liệu Quốc hội có né những vấn đề nóng không?

MAI HƯƠNG ghi 
MAI HƯƠNG ghi 

TTO - Thời gian qua, đại biểu băn khoăn có những vấn đề nóng của một số vị bộ trưởng nhưng không được đưa ra chất vấn lần này. Cử tri hỏi tôi vậy liệu Quốc hội có né những vấn đề nóng không?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói với PV Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay (21-11).

yxhsa1xL.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Như Tiến - Ảnh: Mai Hương

* Việc lựa chọn người ngồi vào “ghế nóng” phải chăng là một yếu tố quan trọng để phiên chất vấn “có lửa”, thưa ông?

- Ông Lê Như Tiến: Đúng vậy. Phải lựa chọn những người, những ngành mà trong thời gian qua có nhiều cử tri quan tâm, dư luận xã hội và đại biểu quan tâm vì đại biểu Quốc hội mang tiếng nói của cử tri lên diễn đàn Quốc hội mà. Thời gian qua, đại biểu cũng băn khoăn nhiều là có những vấn đề nóng của một số vị bộ trưởng nhưng không được đưa ra chất vấn lần này. Cử tri hỏi tôi vậy liệu Quốc hội có né những vấn đề nóng hay không? Đại biểu Quốc hội cũng hỏi nhiều, nhưng có lẽ là đoàn chủ tịch và Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc khi lựa chọn người trả lời. Nhưng rõ ràng có vấn đề cử tri đặt ra là nhiều vấn đề nóng chưa được bàn thảo kỹ lưỡng trên diễn đàn Quốc hội.

* Thưa ông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói tăng cước 3G là hợp lý. Ông nghĩ sao về điều này và đánh giá thế nào về phần trả lời của ông Son?

- Bộ trưởng Son trả lời khá rõ ràng. Trong nhiều bộ trưởng thì tôi thấy Bộ trưởng Son khá thẳng thắn, trực diện và có nhận trách nhiệm. Tôi đánh giá cao thái độ nhận trách nhiệm về mình, về ngành mình, về cá nhân mình trong phần trả lời của ông Son.

Riêng chi tiết các nhà mạng cùng một lúc tăng giá cước 3G thì nhiều đại biểu cũng còn “gợn” bởi vì không thể ngẫu nhiên được. Chắc là phải có vấn đề gì đó bên trong. Tôi cho là có một cái gì đó không bình thường ở đây. Cuối cùng, người thiệt thòi vẫn là người sử dụng các dịch vụ mạng thông tin truyền thông. Vấn đề này bộ trưởng đã hứa là sẽ điều tra, sẽ xem xét và báo cáo Quốc hội sớm nhất.

* Quốc hội kỳ này đã đi gần hết chương trình chất vấn, giải trình trước Quốc hội. Ông đánh giá ra sao về chất lượng các phiên chất vấn, giải trình lần này?

- Không tranh luận, trao đổi nhiều thì những vấn đề cốt lõi sẽ không bật được ra. Ví dụ như bộ trưởng Bộ Công thương nói về thủy điện thì chủ yếu đổ tại địa phương hoặc ngành nông nghiệp mà không thấy bản thân các thủy điện nhỏ thì có chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Hay như với Bộ Nội vụ, người ta hỏi tỉ lệ 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” có đúng không? Có lần tôi chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ tại diễn đàn Thường vụ Quốc hội nhưng bộ trưởng cũng không trả lời trực diện là đúng hay không, hay số liệu nào là đúng. Còn nói 1% thì con số không được tin cậy lắm.

Tôi có cảm giác chất vấn vẫn “thiếu lửa”. Thiếu lửa ở đây không phải là sự gay gắt mà thiếu lửa ở nhiệt huyết để đi đến tận cùng vấn đề. Bởi vì nếu như chất vấn là nhận thức, nhận thấy, nhận ra vấn đề, thì cái quan trọng nhất của hậu chất vấn là hành động và chuyển động. Nếu sau chất vấn không hành động, không chuyển động thì mọi thứ đều vô nghĩa. Cho nên, cuối cùng của chất vấn vẫn là hiệu quả pháp lý, quy trách nhiệm cá nhân, sau đó thì bộ trưởng, trưởng ngành phải có giải pháp thiết thực để chuyển động theo hướng tích cực, khắc phục những tồn tại bất cập, đấy mới chính là hiệu ứng tốt của chất vấn. Tôi vẫn hi vọng là sau chất vấn các bộ trưởng sẽ hành động ra sao chứ không chỉ là những lời hứa trên nghị trường.

* Có ý kiến cho rằng chưa làm rõ trách nhiệm của người trả lời chất vấn thì tình trạng “trả bài” trên diễn đàn Quốc hội vẫn còn tiếp diễn. Ông nghĩ nên khắc phục bằng cách nào?

- Tiến tới, Quốc hội, đặc biệt là đoàn chủ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có một cách điều hành kiên quyết hơn để hướng các vị bộ trưởng, trưởng ngành thấy được trách nhiệm của mình - đấy mới là cái chính. Bởi vì bản chất của chất vấn là quy trách nhiệm cá nhân, chứ chất vấn không phải để nắm tình hình, không phải là để tìm hiểu thông tin, càng không phải là để truy xét tập thể mà chính là xác định trách nhiệm người đứng đầu. Cho nên đoàn chủ tịch phải hướng tới việc đó, nếu không lần sau chính vì không rõ trách nhiệm cá nhân nên lại chất vấn lại những vấn đề đó. Và những vấn đề đó thì thường không được khắc phục. Do đó, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, cả về phía đại biểu Quốc hội và phía các thành viên chính phủ.

* Ông có kỳ vọng gì ở phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng chiều nay?

- Tôi kỳ vọng phiên chất vấn chiều nay của Thủ tướng là các đại biểu sẽ đặt những câu hỏi, những vấn đề lớn - những vấn đề không phải thuộc phạm vi từng ngành nữa. Nói cách khác đó phải là câu hỏi dành cho vị nhạc trưởng chứ không phải cho từng nhạc công. Đối với vị nhạc trưởng thì khâu chủ yếu là chỉ đạo điều hành, xử lý các mối quan hệ giữa các bộ, ngành với nhau và trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

* Xin cảm ơn ông!

MAI HƯƠNG ghi 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên