20/05/2017 16:36 GMT+7

'Tôi cay đắng và lo sợ trước những dự án phá rừng'

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Quanh vấn nạn phá rừng làm dự án đang trở thành "mốt" ở nhiều tỉnh thành, bạn đọc Khánh Hưng có bài viết với tư cách công dân, đầy băn khoăn, lo lắng. Chúng tôi xin giới thiệu.

Tỉnh Phú Yên chủ trương phá rừng phòng hộ và thi công sân golf tại dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, nhưng phủ nhận dự án này không liên quan đến cuộc thi hoa hậu hữu nghị ASEAN - Ảnh: V.TR.

“Lại phá rừng làm công nghiệp” - đó là bài báo điều tra mới nhất của Tuổi Trẻ về nạn phá rừng. Từ “lại” nói lên một thực trạng đau đớn rằng: rừng tiếp tục bị phá, môi trường tiếp tục bị đe dọa liên tục. Bởi gần đây thôi, báo chí đồng loạt phanh phui nhiều câu chuyện phá rừng làm khách sạn, sân golf, biệt thự, thậm chí phá rừng để nuôi bò... 

Tôi để ý trên mạng xã hội, mỗi khi một hình ảnh rừng bị phá hủy nham nhở được đưa lên là dư luận lại “dậy sóng”. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi họ - những người dân bị đặt vào “thế đã rồi”, những dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” khiến người dân không biết làm gì hơn ngoài việc bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn báo chí".
Khánh Hưng

Tôi tự hỏi những người dân như tôi sẽ nghĩ gì khi hằng ngày những tin tức đó đập vào mắt?

Đầu tiên, tôi thấy thương bản thân mình khi luôn bị ở tư thế bị động. Người dân không được biết rừng kia sẽ được phá làm sân golf, khách sạn, hay quy hoạch thế nào nếu không có báo chí điều tra. Thành thử mỗi ngày người dân lại phải à lên tiếc nuối và đau đớn trước hàng trăm hecta rừng bị phá.

Trong quy định bảo vệ rừng nêu rõ: “Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hoá công cộng. Việc bảo vệ rừng phải do Nhà nước và toàn dân cùng làm”.

Thế nhưng, nhìn vào những vụ việc vừa qua thử hỏi người dân đang đứng ở vị trí nào? Có “được biết, được bàn” về chuyện bảo vệ rừng hay không? Câu trả lời là không, và họ luôn phải bất ngờ trước những thông tin báo chí nêu ra.

Thậm chí, có chuyện cười ra nước mắt, 40 biệt thự ở Sơn Trà xây sai được phát hiện nhờ… người câu cá - tức một người dân thấy bất thường xót xa nên dùng điện thoại chụp lại.

Từ chỗ ở thế bị động, không “được biết, được bàn”, người dân trở nên bất lực. Họ không biết làm gì khi mà mỗi ngày những tin tức phá rừng, hủy hoại môi trường sống của chính họ đang dội vào. Làm gì đây ngoài việc oằn mình gánh chịu và bày tỏ sự phẫn nộ mỗi khi một thông tin buồn dội đến?

Tôi để ý trên mạng xã hội, mỗi khi một hình ảnh rừng bị phá hủy nham nhở được đưa lên là dư luận lại “dậy sóng”. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi họ - những người dân bị đặt vào “thế đã rồi”, những dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” khiến người dân không biết làm gì hơn ngoài việc bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn báo chí.

Và sau “thương thân” là cảm giác lo sợ. Chắc mọi người còn ám ảnh đoạn video hàng chục ngôi nhà bà con An Giang chìm nghỉm xuống lòng sông Vàm Nao mới đây, hay nhiều trận lũ lụt ở miền Trung nước ta. Rõ ràng, chúng ta luôn ở thế “xin thua” trước sự đáp trả đầy thịnh nộ của tự nhiên.

Quê tôi ở Hà Tĩnh, lại là vùng rốn lũ nên chuyện lũ lụt mỗi năm thành… quen. Nhưng cảm giác “quen” lúc nhỏ bây giờ thành nỗi sợ, bởi nhìn lại mỗi năm nay lũ lụt mỗi lớn hơn, thiệt hại nặng nề hơn. Quê nhà giờ buồn heo hắt, bởi nhiều người dân đã bỏ xứ mà đi, họ không chịu nổi những trận lũ lụt cuốn đi hết mọi thứ.

Nhưng tôi lại lo hơn, liệu họ bỏ xứ mà đi thì đi đâu mới an toàn bây giờ? Khi mà mỗi ngày thấy nơi nào cũng nhan nhản chuyện phá rừng, chuyện thiên nhiên đáp trả?

Và sau nỗi sợ có hình thù rõ ràng đó những người dân như tôi có cảm giác niềm tin bị phản bội. Có lẽ người dân sẽ chỉ biết than trời khi nghe những câu nói kiểu: “Chúng tôi có đi điều tra đâu” của một người đứng đầu có trách nhiệm.

Câu trả lời đó vô tình đặt người dân vào một hoàn cảnh bắt buộc phải chịu đựng, hoặc trả giá trong tương lai gần cho những sai lầm khi những người có trách nhiệm đã không làm hết trách nhiệm được nhân dân, tức là chính chúng tôi, giao phó.

Tôi cảm thấy cay đắng và lo sợ trước những dự án phá rừng như thế.

Rừng mất đi khó mà lấy lại được, môi trường sống sạch cũng sẽ biến mất bởi những dự án phá rừng. Và niềm tin của người dân cũng vơi dần, khó lấy lại được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, đấu tranh hiệu quả, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức sai trái.

Hơn bao giờ hết, những người dân chúng tôi cần “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra” vào việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống hiện tại và tương lai của đất nước chúng ta.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua ô bình luận bên dưới hoặc gửi email về tto@tuoitre.com.vn.
KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên