29/10/2018 08:43 GMT+7

'Toán tương tác' của Nhi

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Nhằm giúp học sinh dễ dàng học toán hơn, cô nữ sinh 17 tuổi Nguyễn Nga Nhi đã làm dự án "Toán tương tác" (Flash for Math).

Toán tương tác của Nhi - Ảnh 1.

Nguyễn Nga Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - Ảnh: H.THANH

Dù đang khá bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi toán quốc gia (VMO), nhưng mỗi tháng Nguyễn Nga Nhi, 17 tuổi, học sinh lớp 12 toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn dành một buổi nói chuyện với các em nhỏ về dự án "Toán tương tác" (Flash for Math).

"Toán tương tác" biến các bài toán từ chữ viết thành mô hình trực quan giúp học sinh có thể tương tác trực tiếp trên mô hình, từng bước tìm ra lời giải một cách tự nhiên.

Học sinh học toán cần gì nhất?

"Toán, qua các thao tác nhấp chuột, kéo thả hay nhấn bàn phím máy tính, tương ứng với các thao tác đó, giao diện sẽ đổi màu, chuyển trạng thái hay có những thay đổi khác.

Nhờ đó, học sinh có thể xem xét bài toán trên nhiều phương diện một cách trực quan để dần dần đi đến kết quả cuối cùng một cách tự nhiên nhất thay vì máy móc lặp lại các bước giải mà giáo viên chỉ dẫn", Nga Nhi say mê giải thích khái niệm "Toán tương tác".

Nhi nhớ lần đầu tiên lên ý tưởng phát triển mô hình "Toán tương tác" là vào năm lớp 8, cô đọc được trên một tờ báo điện tử bài toán về thiết lập vách ngăn ô vuông quân cờ domino của thầy Trần Nam Dũng - thầy được ví như "ông bầu" của những thần đồng toán học Việt Nam - và học theo.

"Bài toán thầy ra rất thú vị, tôi muốn giới thiệu đến các bạn và khi đó tôi mới nghĩ đến công cụ toán tương tác để biến bài toán thành một trò chơi hấp dẫn" - Nga Nhi chia sẻ về ý tưởng ban đầu.

Thậm chí phát triển xong mô hình tương tác đầu tiên, Nga Nhi đã nâng cấp thành một trò chơi có tên là Sudomi để người chơi có thể trải nghiệm các tình huống khác nhau về cách xếp quân domino được hình thành qua thuật toán ngẫu nhiên.

Toán tương tác của Nhi - Ảnh 2.

Một bài toán tương tác của Nhi - Ảnh: H.THANH

Theo Nhi, tính mới nổi bật của công cụ học tập này chính là sự tương tác. Khi thiết kế kịch bản sư phạm cho mỗi mô hình, nữ sinh này phải "lường trước" các cách tiếp cận khác nhau của học sinh để ai cũng có thể tìm thấy lối đi riêng của mình trong mô hình.

Hiện nay Nga Nhi đã có 150 bài toán tương tác hoạt động trên máy tính. Tất cả các mô hình này đều có thể hoạt động độc lập hay nhúng vào phần mềm trình chiếu PowerPoint.

"Đối tượng của tôi là học sinh tiểu học, các bạn thường rất thích tìm hiểu một thứ mới. Với công cụ toán tương tác, các bạn có thể tương tác với bài toán, liên kết như trò chơi khiến các bạn hứng thú học toán hơn" - Nhi chia sẻ.

Toán - bắt đầu từ mọi thứ xung quanh

Gõ tìm kiếm "Nguyen Nga Nhi" trên Google sẽ cho khoảng 62 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,46 giây. Kết quả nhiều nhất phải kể đến đề tài "Toán tương tác" của cô nữ sinh này.

Cô còn lập một trang Facebook cá nhân đăng tải các bài toán tương tác mới và có riêng chuyên mục "Toán tương tác" trên một tờ báo điện tử. Không khó để nhận ra những bài toán tương tác của Nga Nhi rất gần gũi với trẻ em.

Nhi đưa bài toán của bạn Gấu và bạn Sóc là tên thường gọi của hai chị em Nhi ở nhà, có bài toán xuất hiện một nhóm bạn đến chơi nhà, lấy bối cảnh ngay ở ngôi nhà của mình, có bài toán về chú ếch con hay con chuột chạy trong mê cung…

"Hồi nhỏ tôi thích toán vì đơn giản nó thỏa mãn được sự chính xác mà mình muốn. Lớn lên, tôi thấy môn toán không chỉ là môn học thú vị mà còn là môn học cần thiết, nhất là ở thời đại công nghệ hiện nay cái gì cũng cần đến toán", Nhi chia sẻ về niềm say mê môn toán.

Không học bài bản về máy tính, về lập trình, tất cả ý tưởng về "Toán tương tác" đều do một mình cô bé Nga Nhi mày mò nghiên cứu trên mạng.

Cô chia sẻ số lượng công cụ phải lập trình cho đề tài "Toán tương tác" không nhiều, riêng công cụ kéo - thả đã làm được rất nhiều bài toán, nhưng điều quan trọng nhất là có một bài toán và người lập trình phải nghĩ xem học sinh cần gì cho bài toán đó.

Hiện mỗi tháng Nhi đều đến các trường học nói chuyện với các em nhỏ về "Toán tương tác". Cô nữ sinh nhớ lại lần đầu tiên đứng trên hội trường với 200 học sinh tiểu học, các em đứng lên chào rất trật tự.

Nhưng Nhi thú thật… không thích cách "nói chuyện" này nên cho phép các em nhỏ được di chuyển, được nói chuyện và đến khi mô hình hiện lên có các công cụ tương tác thì có nhiều em nhỏ chạy hẳn lên sân khấu để di chuyển mô hình.

"Sau mỗi bài giảng, các em đều nói muốn tôi đến dạy thêm một buổi nữa, đó là điều khiến tôi vui nhất. Thực ra ban đầu tôi không phải người hoạt ngôn, nhưng chỉ 1-2 buổi nói chuyện với học sinh khiến tôi càng say mê vì tôi thích dạy trẻ em" - Nhi bày tỏ.

"Cô gái vàng" về toán học

* Huy chương vàng vòng chung kết cuộc thi toán châu Á - Thái Bình Dương APMOPS 2013 tại Singapore. Với vị trí xếp hạng tư, Nguyễn Nga Nhi là thí sinh VN đầu tiên lọt vào top 10.

* Huy chương vàng cuộc thi toán học trẻ quốc tế KIMC 2014 tại Hàn Quốc.

* Huy chương bạc cuộc thi toán học trẻ quốc tế CIMC 2015 tại Trung Quốc.

* Giải nhất cuộc thi giải toán trên MTCT thành phố Hà Nội hai năm 2014 và 2015.

* Giải nhất cuộc thi toán Hà Nội mở rộng HOMC 2015.

Chỉ mong nhiều người biết đến "Toán tương tác"

Dù gửi "Toán tương tác" đến chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Thiên Long tổ chức, tuy vậy, Nhi chia sẻ: "Tôi không có mục tiêu giành giải thưởng gì lớn, chỉ mong có thêm một nơi, một địa điểm để mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh, biết đến công cụ toán tương tác, càng nhiều người biết đến công cụ toán này càng tốt". Dù vậy, công trình của Nhi đạt điểm số cao nhất trong số các công trình vượt qua vòng sơ khảo.

Nhi dự tính sắp tới sẽ nghiên cứu phát triển công cụ "toán tương tác" sử dụng được trên điện thoại di động và tạo thành app hệ thống các bài toán tương tác để học sinh tự giải các bài toán và đưa ra ý tưởng về bài toán mới.

Tri thức trẻ vì giáo dục: Mạng gắn kết sinh viên - nhà trường Tri thức trẻ vì giáo dục: Mạng gắn kết sinh viên - nhà trường

TTO - Để xây dựng hệ sinh thái giao tiếp thông minh trong trường học, nhóm sinh viên khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đang phát triển SHub trở thành không gian mạng để trao đổi thông tin tự động, chính xác.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên