SV năm nhất tìm “gia sư” trên phần mềm SHub Teacher - Ảnh: Tường Hân
Đây là 1/15 công trình lọt vào vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Không gian giao tiếp thông minh
Xuất phát từ tình trạng nhập nhằng điểm rèn luyện, sinh viên (SV) Nguyễn Đăng An bắt đầu xây dựng SHub như công cụ tự động hóa quá trình điểm danh, đơn giản thủ tục hành chính khi quản lý SV.
Sau thời gian phát triển, hệ thống ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc thông tin quan trọng từ nhiều nguồn như website trường, website khoa, phòng công tác SV, phòng đào tạo, câu lạc bộ, đội nhóm... gửi đến từng điện thoại của SV theo nhu cầu.
Vượt qua khuôn khổ đồ án môn học, SHub đã được phòng công tác SV của trường tin tưởng áp dụng để thuận tiện trong quá trình trao đổi với SV.
Đây là nền tảng linh hoạt gồm nhiều ứng dụng (app) khác nhau. Trong đó, SHub Social được thiết kế như mạng xã hội kết nối nhà trường với sinh viên, tích hợp công cụ hỗ trợ điểm danh, nhắc nhở thời khóa biểu, điểm học tập, lịch thi/hoãn thi, đóng học phí, gợi ý học bổng, việc làm...
Ngoài app trung tâm, SV có thể trao đổi sâu với từng giảng viên, phòng ban thông qua app vệ tinh SHub Chat. Thay vì phải đến phòng công tác SV thắc mắc, tốn thời gian cho quy trình thủ tục, SV có thể ở nhà đặt câu hỏi, hệ thống AI tự tìm câu trả lời hoặc kết nối đến nhân viên phụ trách giải đáp qua ứng dụng.
SHub Store là web được phát triển theo hình thức kênh thương mại điện tử, cung cấp không gian quảng bá, trao đổi sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của SV, từ dung dịch rửa xe, bột giặt, chất tẩy rửa đến kính thiên văn... và về lâu dài, mang lại doanh thu cho dự án.
SHub Admin là web hỗ trợ công tác quản lý cho cán bộ nhà trường, cung cấp giải pháp thống kê theo các tiêu chuẩn, xử lý một số thủ tục hành chính. SHub Teacher kết nối nhu cầu tự học trong SV.
Một số SV xuất sắc có thể đăng mẩu nhận dạy kèm, các SV có nhu cầu ôn tập tự chọn đăng ký. Mỗi lớp tự học như vậy gồm 20-30 người, diễn ra tại thư viện trung tâm.
"Học thầy không tày học bạn. Những môn khó, tỉ lệ rớt cao thường được SV quan tâm tham gia. Để chứng minh giá trị của mô hình, hiện tại dự án hỗ trợ chi phí cho SV trợ giảng, chưa thu phí người học, sau này tùy theo mức độ phát triển của mô hình sẽ có điều chỉnh khác" - Nguyễn Ngọc Huân, thành viên dự án, chia sẻ.
Có ý nghĩa thực tế
Cha đẻ của nền tảng, chàng SV năm cuối Nguyễn Đăng An cho biết: "Trong tương lai, nhóm muốn cung cấp hệ sinh thái với nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ tùy biến theo nhu cầu của mỗi trường.
Hệ thống sẽ triển khai miễn phí, tự duy trì để phục vụ SV, hỗ trợ giảng viên, công tác quản lý. Khi cộng đồng người dùng đông đảo, yếu tố thương mại sẽ đến từ các doanh nghiệp có dịch vụ liên quan".
Dự án không chỉ mang lại giá trị cho người dùng mà còn cả đội ngũ phát triển về công việc lẫn kiến thức. Thành viên Lê Văn Quang chia sẻ: "SV Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc tế cùng tham gia đóng góp cho dự án, mọi người học hỏi lẫn nhau. Môi trường khởi nghiệp giúp mỗi SV có động lực phát triển bản thân, tìm ra mục tiêu sự nghiệp trong tương lai sau này".
Dõi theo học trò từ những ngày đầu, PGS.TS Trần Minh Triết, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: "Ý tưởng được hình thành trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường, từ đó nhóm đã phát triển hệ thống ứng dụng trong quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Phòng công tác SV thường xuyên hỗ trợ nhóm để phát triển các tính năng phù hợp với nghiệp vụ chuyên môn và tạo điều kiện để sản phẩm được triển khai rộng rãi đến SV. Sản phẩm có ý nghĩa thực tế và tiềm năng phục vụ tốt. Tôi đánh giá cao sự đam mê và chủ động của nhóm trong việc không ngừng hoàn thiện sản phẩm".
Cô giáo đạt giải tiếp tục hành trình '"vì giáo dục"
Đó là cô Lê Thị Bé Nhung - giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre. Cô cho biết: Đề tài "Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học" của tôi năm 2016 được ban tổ chức, Nhà xuất bản Trẻ hỗ trợ hoàn thiện công trình và xuất bản thành ba tập sách giáo dục giới tính.
Điều này tạo động lực rất lớn để tôi tiếp tục tìm tòi, đào sâu ý tưởng mới đóng góp cho ngành giáo dục.
Tôi đã trăn trở rất lâu mới bắt tay thực hiện một công trình về giáo dục giới tính cho cộng đồng LGBT để gửi đến chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018".
Ông Trịnh Văn Hào (giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long):
Ấn tượng với các công trình ứng dụng công nghệ
Ông Trịnh Văn Hào (trái) và GS.TS Đỗ Việt Hùng
Chúng tôi đánh giá rằng năm nay, cuộc thi thu hút nhiều công trình chất lượng cao, nổi bật là các công trình ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tập đoàn Thiên Long tin rằng "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018" sẽ lựa chọn ra những ý tưởng, công trình xứng đáng nhất để hỗ trợ ứng dụng trong thực tiễn.
GS.TS Đỗ Việt Hùng (chủ tịch hội đồng trường, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ tịch hội đồng ban giám khảo sơ khảo):
Các công trình mang tính thiết thực
Chất lượng của các công trình năm nay thật sự thuyết phục vì tính thiết thực.
Cụ thể, các công trình hướng đến việc khắc phục những hạn chế trong ngành, nhiều ý tưởng mới, có thể nâng cao chất lượng dạy và học, các hoạt động trong ngành giáo dục.
Ngoài ra, có nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp, khắc phục khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, giúp học sinh tương tác với giáo viên, chủ động tiếp cận với giáo viên để có thể tạo ra sự sinh động, thoải mái, hiệu quả trong việc học tập.
15 công trình vào vòng chung kết "Tri thức trẻ vì giáo dục 2018"
Sau 5 tháng triển khai, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018" tiếp nhận 401 hồ sơ công trình, sáng kiến của trí thức trẻ trong và ngoài nước. Ban giám khảo lựa chọn ra 15 công trình, sáng kiến tiêu biểu sẽ bước vào vòng chung khảo.
1. Toán tương tác - Flash for Math (Nguyễn Nga Nhi - Hà Nội)
2. Ứng dụng thực tại ảo 4D trong dạy học vật lý và hóa học (Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thị Hồng Nhung - Hà Nội)
3. SHub - Hệ thống hỗ trợ môi trường giáo dục thông minh (Nguyễn Đăng An, Phạm Thị Quỳnh Giao, Lê Văn Quang, Nguyễn Ngọc Huân, Nguyễn Phương Nam - TP.HCM)
4. Đèn học thông minh - The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT) (Nguyễn Huy Du - Hà Nội)
5. Dụng cụ học tập sử dụng các môn ở khối tiểu học (Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Quốc Tân, Nguyễn Tấn Bảo, Lê Bảo Sương - Đồng Nai)
6. VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ blockchain (Lê Yên Thanh, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích - TP.HCM)
7. Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống (Dương Thị Thu Hà, Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy - Hà Nội)
8. Phát triển năng lực tư duy cho học sinh trong dạy học lịch sử ở trường THPT (Dương Tấn Giàu - TP.HCM)
9. Bàn học cải tiến (Phạm Quỳnh Sơn, Đinh Đức Tiến - Lai Châu)
10. Đa sắc giới - Rút ngắn khoảng cách LGBT+ (Lê Thị Bé Nhung - Bến Tre)
11. Phần mềm học tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY (Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn - Lào Cai)
12. Nguyên nhân, tác động của hội chứng Sophophobia lên học sinh THPT và đề xuất hướng khắc phục (Lê Thanh Nhã, Lê Huỳnh Mai Tâm - TP.HCM)
13. Ứng dụng Smart Study Assistant vào môi trường học tập 4.0 (Nguyễn Duy Phước Hải - Quảng Trị)
14. Cải thiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông thông qua cổng thông tin điện tử về thực tế nghề nghiệp Ecareer (Phan Nguyễn Phong Luân, Võ Quốc Bảo - TP.HCM)
15. Giáo dục, tuyên truyền học sinh chấp hành an toàn giao thông qua phần mềm "Cùng em học an toàn giao thông" trên nền tảng scratch (Đoàn Thanh Hải, Cao Anh Tuấn, Bùi Phương Chi, Đậu Mai Phương - Hà Tĩnh).
Các tác giả, trưởng nhóm tác giả có trách nhiệm gửi bản cam kết về việc công trình dự thi là tác phẩm thuộc sở hữu, hoặc được quyền sử dụng tham gia dự thi của tác giả đến ban tổ chức chương trình trước ngày 30-10-2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận