23/11/2023 17:44 GMT+7

Toàn ngành bảo hiểm khó khăn, phải đồng lòng nỗ lực thay đổi

Thị trường bảo hiểm đang bị bủa vây bởi hàng loạt khó khăn, khi niềm tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng.

Định phí là nghiệp vụ quan trọng, giúp đo lường và quản trị rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm, góp phần cung cấp đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của nhiều khách hàng - Ảnh: BÔNG MAI

Định phí là nghiệp vụ quan trọng, giúp đo lường và quản trị rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm, góp phần cung cấp đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của nhiều khách hàng - Ảnh: BÔNG MAI

"Hội nghị Định phí bảo hiểm Việt Nam 2023" (VAC 2023) đang tổ chức vào hôm nay 23-11 tại TP.HCM.

'Vượt bão', phát triển thị trường bảo hiểm bền vững hơn

Về thị trường chung, bà Lý Thị Thu Thủy - trưởng phòng quản lý bảo hiểm nhân thọ, thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - nhìn nhận năm 2023, ngành bảo hiểm đối mặt nhiều thách thức và những thay đổi không nhỏ, đặc biệt cuộc khủng hoảng trên truyền thông, khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng. Khó khăn không dừng lại ở một vài doanh nghiệp, mà lan ra toàn ngành.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm mới đạt khoảng 127.000 tỉ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên trong 20 năm ghi nhận mức phát triển âm, thể hiện rõ khó khăn.

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng nỗ lực hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý. Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. Sau khi Quốc hội ban hành nghị định 46, mới đây Bộ Tài chính cũng vừa ban hành thông tư số 67, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, nhiều hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có sự thay đổi. 

Cần bảo hiểm cho người bệnh tiểu đường, người cao tuổi...

Bà Elena QueK - trưởng phòng phát triển kinh doanh thị trường Đông Nam Á, thuộc Công ty tái bảo hiểm toàn cầu RGA - chia sẻ để thị trường phát triển bền vững, doanh nghiệp cần cung cấp thêm sản phẩm đặc biệt, mở rộng cửa hơn trong quy trình thẩm định bán bảo hiểm cho khách hàng bị bệnh tiểu đường, mỡ trong máu, huyết áp cao... Ngoài ra, người khuyết tật, người gặp vấn đề về tâm thần… cũng cần được quan tâm hơn.

Một thông tin cần chú ý, khoảng 20 năm tới Việt Nam bước vào ngưỡng dân số già, tốc độ khá nhanh. Vì Nhật Bản mất khoảng 25 năm, Pháp lên tới 100 năm. Do đó, cần cung cấp thêm sản phẩm bảo hiểm cho người cao tuổi, thay vì từ chối bán cho họ.

"Họ biết, có nhu cầu nhưng không mua được bảo hiểm. Làm thế nào thiết kế sản phẩm phù hợp, quy trình thẩm định dễ dàng, hỗ trợ nhóm khách hàng này", chuyên gia bảo hiểm cho hay.

Bà Lý Thị Thu Thủy nhấn mạnh doanh nghiệp cần phát triển kênh bán hàng theo tiêu chí không chỉ lợi cho bên bán, mà còn tạo lợi ích cho người mua và xã hội. Từ đó góp phần nâng cao tỉ lệ người được bảo hiểm, lan tỏa tính nhân văn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên