23/07/2009 07:01 GMT+7

Toàn cầu hóa cuộc chiến chống ma túy

ĐINH CÔNG THÀNH (tổng hợp từ Courrier International)
ĐINH CÔNG THÀNH (tổng hợp từ Courrier International)

TT - Tháng 3-2009, các chuyên gia chống ma túy của Liên Hiệp Quốc đã gặp nhau tại Vienne (Áo) để tổng kết chiến lược 10 năm, với mục tiêu đầy kỳ vọng đi đến “một thế giới không còn ma túy” do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Trong khi tình hình sản xuất và vận chuyển ma túy đang tạo ra một “bản đồ ma túy” mới trên toàn cầu, có giải pháp nào để thắng nhanh trong cuộc chiến toàn cầu?

Kỳ 1: Tấn công cái ác từ gốc và ngọn

0TpsniTp.jpgPhóng to

Câu hỏi này chưa bao giờ nóng bỏng như hiện nay.

Thời gian qua sản xuất ma túy tăng mạnh ở Colombia, Peru và Bolivia, cũng như lượng tiêu thụ ở châu Âu và nhiều quốc gia Nam Mỹ. Theo Tổ chức Chống ma túy & tội ác của Liên Hiệp Quốc, diện tích trồng coca lậu tại Colombia giảm từ 165.000ha xuống 75.000ha trong khoảng 2000-2006, nhưng trong cùng thời kỳ lại mở rộng với số vùng trồng mới. Năm 2000-2006, toàn thế giới có 1 triệu ha cây thuốc phiện bị tiêu diệt, thế nhưng ma túy vẫn ngày càng rẻ và nhiều hơn.

avaIE9NG.jpgPhóng to

Cảnh sát Mexico lục soát một người đàn ông khả nghi trong chiến dịch truy quét ma túy ở Michoacan ngày 21-7-2009. 5.000 lính và cảnh sát được huy động tham gia chiến dịch này - Ảnh: Getty Images

Rắn bảy đầu

Mafia ma túy sinh sôi giống như con rắn bảy đầu trong thần thoại Hi Lạp. Khi các cơ quan chống ma túy chặn bắt những tên buôn lậu, chúng lại tìm lối đi khác. Khi các cánh đồng trồng cây coca hay cây anh túc bị phun thuốc trừ cỏ phá hủy, chúng lại chuyển sang trồng ở nơi mới.

Tại Mexico, trong 10 năm qua các nhóm tội ác cũng đã lớn mạnh. Chúng còn bỏ vòi xuống Trung Mỹ (nơi sản xuất như Chile) và lấn sang châu Âu, các nước tây châu Phi bằng cách hợp tác với mạng lưới tội phạm địa phương để buôn người, ma túy và vũ khí. Mafia Mexico phất lên kéo theo bạo động gia tăng trên cả nước.

Ngay từ khi nhậm chức đầu năm 2006, Tổng thống Felipe Calderon đã huy động cảnh sát và quân đội đương đầu với các tập đoàn ma túy. Ông hợp tác với Mỹ qua chiến dịch mang tên Sáng kiến Merida. Được Quốc hội Mỹ chuẩn y năm 2008, chương trình kéo dài ba năm với ngân sách hơn 1 tỉ USD và mục tiêu chính là gia tăng khả năng kỹ thuật chống ma túy của Mexico. Thế nhưng, đất nước này hiện đang phải đối mặt với nạn bạo động hơn bao giờ hết. Dù kỹ thuật giám sát và bắt giữ có tiến bộ ngoạn mục, nhưng lỗ hổng biên giới Mexico - Mỹ vẫn còn.

Nạn buôn lậu ma túy cũng gia tăng ở các quốc gia giáp biên giới với Colombia. Venezuela trở thành con đường chính chuyển hàng sang châu Âu bằng tàu chở hàng, du khách, đường hàng không và cả máy bay loại nhỏ như Cessna với khoang chứa đặc biệt. Theo Liên Hiệp Quốc, những trạm trung chuyển sang các nước tây châu Phi như Guinée - Bissau không còn là ngoại lệ mà thường xuyên. Trong khi đó, buôn lậu cocaine gia tăng ở Peru và Bolivia, còn việc buôn bán và sản xuất các chế phẩm từ cocaine lại nở rộ tại Argentina, Brazil, Chile và mức tiêu thụ tại chỗ ở những nước này cũng tăng lên.

Theo Tổ chức Kiểm soát ma túy quốc tế, Afghanistan là nơi xuất phát của 90% thuốc phiện thế giới, tức 7.700 tấn. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về Afghanistan cho rằng mức sụt giảm 19% diện tích trồng lậu cây thuốc phiện trong năm 2008 là do giá sụt giảm, khủng hoảng lương thực và hạn hán, nhưng cũng do nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn cấm và triệt hạ việc sản xuất ma túy.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết 14 trong 34 tỉnh của Afghanistan không hề có chương trình này. Năm 2008, mục tiêu là loại bỏ 50.000ha trồng cây anh túc, nhưng thực tế chỉ có 5.480ha. Chỉ riêng tỉnh miền trung Helmand - một “pháo đài” của Taliban, nơi tập trung 2/3 lượng ma túy - diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006. Taliban kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ đánh thuế cao trên việc kinh doanh thuốc phiện.

maopcLkK.jpgPhóng to
Cảnh sát chống ma túy và chó nghiệp vụ chuẩn bị tham gia buổi lễ kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống lạm dụng và buôn lậu ma túy tại Tehran (Iran) ngày 27-6-2009 - Ảnh: AP

Những khoản tiền lớn

“Nhất định phải xem lại chiến lược chống ma túy được thực hiện từ 30 năm qua”. Kết luận này được rút ra từ báo cáo được công bố tháng 2-2009 của Ủy ban Chống ma túy & dân chủ của châu Mỹ Latin, với sự tham gia của ba cựu tổng thống: Ernesto Zedillo (Mexico), Fernando Henrique Cardoso (Brazil) và César Gaviria (Colombia).

Để đạt mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, nhiều chính phủ đã chọn giải pháp tấn công cái ác từ gốc. Lực lượng cảnh sát càng tấn công vào các tập đoàn ma túy, bọn kinh doanh ma túy càng tỏ ra khôn khéo và có nhiều phương cách đối phó hơn. Tàu ngầm vận tải ma túy là bằng chứng cho thấy khả năng biến hóa của các ông trùm ma túy khi đối phó với lực lượng trấn áp.

Được sản xuất từ những xưởng đóng tàu bí mật trong rừng già Colombia, những tàu ngầm nhỏ này có thể di chuyển sát dưới mặt nước và vận chuyển được 10 tấn ma túy đến tận thị trường béo bở cực kỳ như Mỹ. Lực lượng tuần duyên bờ biển Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho các thiết bị dò tìm, năm 2008 họ đã bắt giữ khoảng một chục tàu ngầm “bỏ túi” này mỗi tháng. Tuy nhiên, người ta ước tính số bị bắt chỉ chiếm khoảng 1/5 so với số lọt lưới.

Báo cáo chống ma túy và dân chủ của châu Mỹ Latin tố cáo Mỹ và châu Âu đã không thực hiện đủ trách nhiệm ngăn ngừa hay cắt cơn thèm khát ma túy cho các con nghiện của mình, vốn là nguyên nhân kích thích việc sản xuất và kinh doanh ma túy khắp thế giới. Peter Reuter - giáo sư Đại học Maryland, một trong số những chuyên gia nổi tiếng nhất về chiến lược chống ma túy - cho rằng “giảm nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ sẽ có hiệu quả hơn là đấu tranh ngăn chặn từ nguồn cung”.

Những khoản tiền lớn đã được đầu tư cho các chiến dịch trấn áp ma túy (40 tỉ USD tại Mỹ và 34 tỉ euro ở châu Âu), trong đó cứ 4 euro bỏ ra chỉ có 1 euro được dành cho “cắt cơn”. Do vậy, nhu cầu cocaine tại Mỹ vẫn còn rất lớn. Năm 2006, tại Mỹ có 20 triệu con nghiện, tại châu Âu có 4,5 triệu người nghiện phần lớn ở Tây Ban Nha, Ý và Anh. Tình hình này cực kỳ đáng lo ngại và cho thấy có những giới hạn của chính sách ngăn chặn con nghiện.

Ngày 11-2-2009, một tư liệu mang tựa đề “Drugs and democracy in Latin America: toward a paradigm shift (Ma túy và dân chủ tại Mỹ Latin: hướng đến một thay đổi về mô hình)“ do các nhà chính trị, trí thức, nhà văn và nhà báo nổi tiếng tại Nam Mỹ ký tên ủng hộ được công bố.

Theo tư liệu, việc sản xuất và tiêu thụ ma túy đã trở thành một điều cấm trong xã hội, khiến công chúng không thể tranh luận được vì nó liên can đến tội ác và kết quả là cô lập người tiêu thụ trong môi trường của thế giới tội ác. Các tác giả đề nghị mô hình mới: xem việc nghiện ma túy là một vấn đề y tế công cộng, giảm tiêu thụ thông qua phổ biến thông tin và các biện pháp phòng ngừa, tập trung tấn công vào các tổ chức tội ác.

------------------------------------------------

Những cuộc vây bắt và trấn áp tội phạm ma túy được đẩy mạnh tối đa. Các ông chủ ma túy ở Mexico, Afghanistan... đang trong giai đoạn thách thức.

Kỳ tới: Bàn tay sắt

ĐINH CÔNG THÀNH (tổng hợp từ Courrier International)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên