25/10/2018 07:07 GMT+7

Tô phở 'nỗi nhớ Việt Nam' của đầu bếp Jack Lee

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Phở không chỉ ngon mà còn là phương thuốc tốt cho sức khỏe - đó là nhận xét của Jack Lee, đầu bếp Việt kiều Mỹ, hiện được yêu thích qua các show ẩm thực của màn ảnh nhỏ Việt.

Tô phở nỗi nhớ Việt Nam của đầu bếp Jack Lee - Ảnh 1.

Đầu bếp Jack Lee với món phở - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông chia sẻ:

- Phở luôn là món ăn yêu thích không chỉ với tôi mà với tất cả thành viên trong gia đình. Trong buổi tiệc Giáng sinh của gia đình tôi ở Mỹ thường có món sườn bò Mỹ nướng. Sau khi dùng xong, tôi "lượm" lại xương bò, rồi đem hầm lửa nhỏ suốt một đêm để làm nước dùng.

Nước dùng ấy được chế biến thành những tô phở thơm ngon, mà ai nhìn cũng... chảy nước miếng.

Trong khí hậu lạnh lẽo mùa đông, ăn một tô phở nóng, người sẽ toát mồ hôi, cơ thể ấm dần lên, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

Tô phở nỗi nhớ Việt Nam của đầu bếp Jack Lee - Ảnh 2.

Đĩa phở "Nỗi nhớ Việt Nam" do Jack Lee nấu ở Mỹ

* Phở không chỉ là món ăn yêu thích của Việt Nam mà còn được bình chọn là một trong những món ăn ngon nhất trên thế giới. Dưới con mắt của đầu bếp hơn mấy chục năm, theo ông phở có sự khác biệt gì so với các món ăn khác?

- Người Mỹ có câu: "You are what you eat" (bạn là những gì bạn ăn), ngụ ý rằng để có cơ thể đẹp, sức khỏe tốt thì ăn uống phải hợp lý. Nhìn làn da người Việt mình là biết: tươi tắn, hơn một số người nước châu Âu hay châu Mỹ, bởi canh luôn là món ăn có mặt trong bữa ăn hằng ngày của các bạn.

Các nước khác chủ yếu ăn đồ chiên, nướng nên da họ khô, mất nước hơn.

Có những lúc ở Mỹ, tôi ăn phở trong ba ngày liền. Ban đầu tôi chưa thật sự hiểu tại sao mình ăn hoài mà không ngán.

Sau khi bắt tay vào nấu phở, tôi lý giải được điều này. Món ăn rất bổ dưỡng, bởi nước được ninh từ xương bò, thịt bò, rồi có thêm ngũ vị hương, quế, các loại rau thơm... - những phương thuốc cây cỏ có lợi cho sức khỏe. Mùa mưa, lạnh, ăn tô phở giúp cân bằng nhiệt độ trong cơ thể.

Lúc trời nóng, ăn tô phở xong, người toát mồ hôi, kiểu như vừa mới được "xông" vậy, rất tuyệt.

Cách chế biến phở ở ba miền khác nhau: miền Nam có rau, miền Trung cay xé lưỡi, còn miền Bắc có vị ngọt thanh khó lẫn. Bản thân tôi thích phở miền Nam hơn vì có rau thơm ăn kèm, nưng phở miền Nam hơi ngọt.

Tô phở nỗi nhớ Việt Nam của đầu bếp Jack Lee - Ảnh 3.

Jack Lee trong chương trình Khi chàng vào bếp

* Có kỷ niệm nào về phở mà ông nhớ nhất?

- Mới đây thôi, vào đầu tháng 9, tôi có chuyến công tác ở Wisconsin (một tiểu bang của Mỹ) trong 12 ngày. Nhiều ngày trong khách sạn, ăn các món ăn Mỹ càng làm tôi thèm món ăn Việt, thèm tô phở nóng vô cùng.

Thế là tôi ra siêu thị tìm mua nguyên liệu nấu phở. Tôi tìm mãi chỉ mua được bánh phở, bò viên đông lạnh và ít hành lá, rau thơm.

Tôi đem từ Việt Nam qua tương ớt và tương đen. Tôi xin ít xương ở nhà bếp khách sạn về ninh vài tiếng lấy nước. Không có hành củ, tôi lấy cọng hành lá đem nướng trên bếp điện, bỏ vào nồi hầm, thêm một chút rượu vodka cho dậy mùi...

Vì trong phòng không có tô, tôi để món phở vào đĩa. Phở không đúng mùi vị lắm, nhưng tôi lại thấy rất ngon. Tôi gọi tô phở ấy là tô phở "Nỗi nhớ Việt Nam".

Tô phở nỗi nhớ Việt Nam của đầu bếp Jack Lee - Ảnh 4.

Jack Lee trong chương trình Chuẩn cơm mẹ nấu

* Jack Lee quyết định lập nghiệp ở Việt Nam với mong mỏi là đưa các món ăn Việt đến gần hơn với thế giới. Trong các món ấy có phở?

- Dĩ nhiên rồi. Chuyến công tác Mỹ tháng 9 vừa qua, tôi được kênh FOX (Mỹ) mời ghi hình hướng dẫn nấu ăn món ăn, và tôi đã chọn món ăn Việt.

Ban đầu, tôi chọn món bò nướng vị nhưng món này nhiều khói, không ghi hình được trong phim trường, nên phải bỏ. Món thứ hai là bánh xèo, có dính đến nước mắm, bị chê gây mùi hôi nên cũng phải bỏ qua. Cuối cùng tôi chọn món hải sản xoài. Mọi người rất thích, ăn khen ngon. Ví dụ trên chứng tỏ để món ăn đến gần hơn với thực khách các nước cũng cần có điểm chung nào đó.

Một tín hiệu vui là hiện nay các món ăn Việt đang mở rộng hành trình của mình đến với nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ở một số địa phương của Mỹ và một số nước, có tiền cũng khó mua được tô phở Việt, vì không phải nơi nào cũng bán.

Tô phở nỗi nhớ Việt Nam của đầu bếp Jack Lee - Ảnh 5.

Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa Ngày của phở , báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi Ký ức về phở .

Mời bạn viết về kỷ niệm với một quán phở cụ thể, một lần ăn phở đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với món phở; hoặc ấn tượng về một nhân vật có thật, gắn bó/có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.

Bài viết tối đa 1.000 chữ. Vui lòng gửi về: kyucvepho@tuoitre.com.vn.

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 12-11-2018. Các giải thưởng sẽ được công bố vào chương trình Ngày của phở 2018, dự kiến diễn ra ngày 12-12.

Mời bạn đăng ký thành viên tại đây để đóng góp ý kiến, bình luận bài viết của Tuổi Trẻ Online. Cảm ơn bạn.
Tuổi Trẻ phát động hai cuộc thi đồng hành Ngày của phở Tuổi Trẻ phát động hai cuộc thi đồng hành Ngày của phở

TTO - Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa Ngày của phở, báo Tuổi Trẻ phát động hai cuộc thi viết về phở.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên