Ảnh minh họa. Nguồn: advpodiatric.com
Khi chúng ta già đi, bàn chân mất dần sức mạnh và sự đàn hồi bởi các thay đổi ở da và khớp. Bàn chân có khuynh hướng bè ra và mất các miếng đệm mỡ nâng đỡ bàn chân. Điều này không có nghĩa là bàn chân nhất thiết sẽ bị đau khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, nó có nghĩa là bàn chân sẽ không còn khả năng chịu được mức hoạt động như khi chúng ta còn trẻ. Bạn cần phải chăm sóc bàn chân của mình.
Những thay đổi tự nhiên nào xảy ra khi bàn chân lão hóa?
Mọi bộ phận trong cơ thể chúng ta đều trải qua quá trình lão hóa. Tuy nhiên, bàn chân với chức năng chịu sức nặng của cơ thể trong suốt cuộc đời mỗi người, thường phải chịu những va chạm lặp đi lặp lại, trọng lượng cơ thể, áp suất, ma sát và đôi khi các chấn thương nhỏ.
Những thay đổi tự nhiên ở bàn chân theo thời gian gồm:
- Lớp da mỏng đi;
- Các khớp bị thoái hóa;
- Sức cơ giảm.
Thêm vào đó, bàn chân sẽ có nhiều nguy cơ bị đau và tổn thương hơn nếu bạn ở trong các tình trạng:
- Ảnh hưởng đến các dây thần kinh hoặc các mạch máu đến chân;
- Ảnh hưởng đến các xương, cơ và khớp chân;
- Khiến bàn chân sưng lên.
Các tình trạng này bao gồm:
- Bệnh động mạch ngoại biên;
- Suy tĩnh mạch;
- Đái tháo đường;
- Suy tim;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Bệnh lý thận.
Những ảnh hưởng của lão hóa đến chức năng của chân là gì?
Bàn chân của người trẻ thì đàn hồi, khỏe và dẻo dai. Các vòm bàn chân liên kết với nhau bằng các dây chằng có tính đàn hồi cho phép sự nhún nhảy và giảm sốc. Các khớp linh hoạt và các xương khỏe mạnh, nhanh hồi phục. Da bền, nguồn cung cấp máu hiệu quả, khả năng chữa lành cũng nhanh. Tuy nhiên, thời gian làm tất cả các phần của chân trở nên kém dẻo dai khi về già. Cuối cùng, bàn chân không còn khả năng chịu đựng các áp lực lặp đi lặp lại như va chạm, áp suất và nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
Mất sự đàn hồi
Bàn chân người cao tuổi trở nên kém đàn hồi vì dây chằng giúp giữ các vòm chân không còn độ căng. Điều này làm giảm khả năng hấp thụ các tác động vào bàn chân, chẳng hạn như chân bạn sẽ giảm sức chịu đựng khi nhảy ra khỏi ghế.
Ngoài ra, các vùng bị thoái hóa có thể hình thành tại khớp giữa các xương. Khi các mặt khớp bị xói mòn và trở nên thô hơn qua thời gian, những cử động nhỏ giữa các xương của bàn chân sẽ trở nên kém linh hoạt hơn. Điều này cũng làm giảm sự đàn hồi của bàn chân. Viêm khớp và thoái hóa bàn chân có nhiều khả năng xảy ra khi bạn đã có:
- Chấn thương chân nghiêm trọng.
- Chấn thương chân do các hoạt động thể thao hay khiêu vũ quá mức - như chạy bộ hay múa ballet.
- Bệnh lý viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống, ảnh hưởng đến bàn chân.
- Bệnh gout.
Thiếu sự linh hoạt giữa các khớp kết hợp với các vòm bàn chân có khuynh hướng bị sa xuống có thể dẫn tới sự thay đổi hình dạng bàn chân. Viêm khớp thường xảy ra ở khớp mắt cá chân, khớp dưới sên và khớp ngón chân cái.
Mất sức mạnh
Cùng với tuổi tác, các cơ dần mất đi sức mạnh. Quá trình này diễn ra dần dần, với sức cơ mạnh nhất ở độ tuổi 20 và đầu 30.
Xương bàn chân cũng mỏng dần theo độ tuổi. Việc này là nghiêm trọng trong những bệnh lý chẳng hạn như sự "mỏng đi" của xương (loãng xương) khi xương trở nên dễ gãy. Tuy nhiên, tất cả các xương đều mỏng đi theo độ tuổi. Sự mỏng đi tự nhiên này sẽ tệ hơn ở người hút thuốc lá và không tập thể dục. Nó cũng tệ hơn ở những người có:
- Thiếu vitamin D;
- Sử dụng steroid liều cao hoặc thường xuyên;
- Sử dụng thuốc thể hình steroid ("anabolic steroids");
- Tăng hoạt động của tuyến giáp;
- Thời gian dài không có kinh nguyệt do:
+ Mang thai và cho con bú.
+ Thuốc tránh thai ức chế chu kỳ kinh nguyệt, như Depo-Provera.
+ Tình trạng mãn kinh sớm và chán ăn tâm lý ở phụ nữ, làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
- Suy tinh hoàn (đôi khi được gọi là mãn dục ở nam giới).
- Nhiễm HIV.
Mất sự dẻo dai
- Khi lớn tuổi, da trở nên kém đàn hồi và cấu trúc da có ít mỡ hơn. Điều này làm giảm khả năng đệm và đồng thời tăng khả năng bị tổn thương của da.
- Miếng đệm dưới ức bàn chân có khunh hướng trật ra khỏi vị trí ban đầu theo thời gian. Điều này đặc biệt xảy ra ở những người thường đi giày cao gót và những người bị viêm khớp dạng thấp, dẫn đến đau nhức xương bàn chân và hình thành cục chai. Sử dụng miếng lót khi mang giày có thể cải thiện vấn đề này.
- Giàm sự thay thế các tế bào da khi lớn tuổi đồng nghĩa với giảm khả năng phục hồi thương tổn trên da.
- Giảm lớp mỡ dưới da có thể gây khô da, dẫn đến các vết rạn ở gót chân và cục chai.
- Giảm miếng đệm mỡ ở lòng bàn chân làm giảm đệm và tăng sự nhạy cảm với đau.
Sưng chân
Cùng với độ tuổi, tình trạng sưng chân và bàn chân thường tăng lên. Chỗ sưng làm tăng áp lực lên các cấu trúc bàn chân. Có nhiều nguyên nhân gây ra vần đề này, như:
- Mất sự đàn hồi của tĩnh mạch chân;
- Mất trương lực cơ ở bắp chân (các cơ ở bắp chân là một phần trong cơ chế bơm máu ngược trở lại tim);
- Bệnh lý tim mạch;
- Một vài loại thuốc.
Thay đổi ở móng chân
- Móng chân thường trở nên dày và dễ gãy hơn cùng với độ tuổi vì chúng phát triển chậm hơn theo thời gian. Quá trình này bị ảnh hưởng xấu hơn trong các bệnh lý như suy tuyến giáp và bệnh động mạch ngoại biên.
- Nhiễm nấm ở móng chân cũng có thề khiến móng chân dày lên.
Mất nguồn cung cấp máu
Nguồn cung cấp máu đến các phần xa (hoặc ngoại biên) của cơ thể có khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi quá trình tuần hoàn kém do các tình trạng như xơ vữa động mạch. Các mạch máu thường cứng lại và thu hẹp một ít theo độ tuổi. Giãn tĩnh mạch và các điều kiện khác gây sưng chân sẽ làm cho tình trạng này tệ hơn. Điều này làm giảm khả năng để chân chữa lành các vết thương nhỏ một cách nhanh chóng.
Tình trạng của bàn chân
Tất cả các tình trạng sau có thể là hậu quả của việc điều trị bàn chân không đúng cách, kết hợp với sự lão hóa:
- Biến dạng khớp ngón chân cái: Chồi xương ở gốc ngón chân cái. Những nguyên nhân thông thường là:
+ Mang giày mũi nhọn làm siết chặt các ngón chân;
+ Mang giày cao gót làm ép các ngón chân chúi về phía trước giày quá nhiều;
- U dây thần kinh Morton: Dây thần kinh bị phì đại, phổ biến ở phụ nữ hơn ở nam giới, gây đau, rát, ngứa ran hoặc tê ở ức bàn chân hay giữa các ngón chân. Cũng có thể do mang giày quá chật;
- Viêm điểm bám cân bàn chân: Đây là tình trạng viêm mô ở tận cùng của bàn chân. Triệu chứng thông thường là đau gót chân. Các nguyên nhân khác là viêm khớp và mang giày với đệm gót chân không thích hợp.
Làm sao có thể bảo vệ bàn chân khỏi ảnh hưởng của lão hóa?
Mang giày dép
- Khi bạn lớn tuổi, việc mang giày dép đủ ấm và không quá cứng rất quan trọng. Tránh mang giày dép cạ vào chân, gây đau hoặc quá chật. (Vì có thể hạn chế sự lưu thông máu hoặc gây áp lực tổn hại da bàn chân). Tránh mang giày cao gót và nên chọn giày nâng đỡ, vừa vặn với chân.
- Mang giày làm từ da thuộc hoặc vật liệu nhân tạo, thoáng khí.
- Giữ ấm bàn chân, mang vớ khi thời tiết lạnh và đảm bảo rằng vớ không bị nhăn khi bạn mang giày .
- Mang giày hỗ trợ vòm chân của bạn. Có miếng lót đệm càng tốt.
- Nếu chân bạn thường bị sưng, hãy đảm bảo rằng đôi giày của bạn đủ lớn để thích ứng với điều này. Nên mang giày ngay vào buổi sáng trước khi chân bạn sưng lên.
- Vớ, quần vớ nên đúng kích cỡ cho bàn chân.
- Tránh đi chân đất, ngay cả trong nhà.
Tập thể dục
Vận động bàn chân thường xuyên. Nhớ là: "Nếu bạn không dùng nó, bạn sẽ mất nó."
Chăm sóc da
- Hãy chăm sóc da bàn chân của bạn. Loại bỏ lớp da cứng mà có thể là nơi sinh sản của vi trùng và có khả năng hình thành cục chai. Thường xuyên giữ ẩm da bàn chân, và loại bỏ lớp da cứng bằng đá bọt.
- Nếu bạn có những vết rộp chân, biến dạng khớp ngón chân cái hoặc bất kỳ biến dạng nào của bàn chân như các ngón chân quắp lại hoặc vòm bàn chân bị sa, hãy xem xét việc đi khám một một bác sĩ chuyên khoa về các rối loạn của chân.
- Sau khi rửa chân, hãy thoa kem dưỡng da chân. Kem này nên có dầu và sáp dưỡng ẩm để giữ cho chân của bạn mềm mại và không bị các cục chai và vết rạn. Kem này cũng nhẹ nhàng loại bỏ lớp tế bào chết ở da chân của bạn và bảo vệ tránh bị nhiễm trùng.
- Cắt tỉa và giũa các móng chân ngang qua thay vì làm tròn chúng. Điều này giúp ngăn móng chân mọc vào trong. Hãy sử dụng dụng cụ cắt móng tay, không dùng kéo.
- Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày nếu có thể. Chú ý ngay lập tức bất kỳ vết gãy hoặc nứt ở da hoặc bất kỳ vấn đề nào khác mà bạn thấy.
- Nếu bàn chân của bạn thường có vấn đề, xem xét việc phòng bệnh bằng cách thường xuyên khám bác sĩ về chân để giữ bàn chân khỏe mạnh.
Chăm sóc sức khỏe tổng quát
Theo dõi bất cứ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn một cách tốt nhất có thể. Đặc biệt nếu bạn có bất cứ điều nào sau đây, bạn nên kiểm tra chân thường xuyên:
- Đái tháo đường;
- Bệnh động mạch ngoại biên;
- Vấn đề với các dây thần kinh ở bàn chân;
- Dị dạng bàn chân;
- Dị dạng móng chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận