Nhạc phim Tình khúc Bạch Dương
Tình khúc Bạch Dương là một dự án lớn của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam).
Bộ phim kể câu chuyện về những du học sinh, những người Việt Nam sang Nga học tập và lao động giai đoạn từ năm 1985 đến nay.
Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ của bốn người bạn cùng học chung đại học là Hùng, Quyên, Quang, Vân tại thành phố Krasnodar.
Nhân vật Hùng và Quyên trong "Tình khúc Bạch Dương" - Ảnh: VTV
Hùng là một du học sinh thông minh, thời học bên Nga rất giỏi buôn bán. Hùng yêu Vân, một cô tiểu thư nhà giàu, học giỏi. Tập đầu tiên mở ra bối cảnh trường đại học nơi Hùng học tập. Lúc này Quyên vẫn ở Việt Nam chờ được sang Liên Xô học.
Sau này Quyên và Hùng đã có một quãng thời gian yêu nhau ở nước Nga, nhưng vì hiểu lầm đã không thể duy trì tình yêu. Nhiều năm sau gặp lại, Hùng và Quyên một lần nữa bị hút về phía nhau, khiến gia đình của cả hai người cùng lao đao.
Ngay từ khi công bố, Tình khúc Bạch Dương đã thu hút sự chú ý vì rất ít phim Việt ra nước ngoài quay, mà lại làm về thời quá khứ, đặc biệt là về nước Nga - đất nước rất gắn bó với người Việt Nam.
Sau khi tập một Tình khúc Bạch Dương phát sóng, khán giả Minh Phuong Nguyen viết một bài rất dài trên trang cá nhân bày tỏ sự thất vọng về bộ phim vì cho rằng "từ kịch bản đến diễn xuất, âm nhạc và lồng tiếng, đều không thật".
Chị Minh Phuong Nguyen cho rằng hầu hết những sinh viên sang Nga học thời đó được tuyển lựa rất cẩn thận và họ sang đó chủ yếu tập trung học hành, có người buôn bán nhỏ nhưng "không lọc lõi và trốn học liên miên như anh chàng Hùng".
Chị Phương cũng bức xúc cho rằng phim ít khai thác việc học hành của sinh viên mà chủ yếu khai thác chuyện đi buôn và tự đặt câu hỏi "thời thanh niên sôi nổi của trí thức Việt lại chỉ là... đi buôn thôi sao?".
Trailer phim 'Tình khúc Bạch Dương'
Khán giả Kolia Ham Chơi cảm thấy khó chịu với cách phát âm tiếng Nga của đội ngũ lồng tiếng và không hài lòng với đạo cụ trong phim, vì không thấy bóng dáng của các đồ vật thời Liên Xô đâu. Do đó đã tuyên bố "tẩy chay" bộ phim.
Những khán giả khác nhận xét họ chưa thấy diễn xuất của dàn diễn viên trẻ thuyết phục, và đặc biệt khó chịu vì lồng tiếng không thật sự hợp với khẩu hình của diễn viên.
Nhưng có lẽ việc nhiều khán giả yêu cầu bộ phim phải trung thành với bối cảnh nước Nga mà họ đã từng biết, với một số khán giả khác là yêu cầu quá khắt khe.
Tuy nhiên nhiều khán giả cũng cho rằng phim mới chỉ phát sóng tập một, nên chưa thể nhận xét ngay.
Tôi mới được sang Nga cách đây 2 năm. Tôi yêu con người và đất nước này. Tôi nghĩ bộ phim làm cho cả nước xem chứ không chỉ cho một nhóm người từng học ở Nga. Nếu chỉ vì một vài chi tiết nhỏ mà đánh giá đoàn làm phim không có tâm là không đúng. Tôi nhận thấy họ đã cố gắng rất nhiều trong điều kiện có thể. Bộ phim mới chỉ bắt đầu sao đã dùng lời lẽ miệt thị ghê gớm đến vậy. Hy vọng nhiều người trẻ sẽ tiếp cận được tâm hồn Nga qua bộ phim này, dù chỉ là một thoáng.
Khán giả Duong Quang Tung
Ai cũng lấy bối cảnh, ‘ốp’ của mình, trường mình... làm chuẩn xem chừng không thỏa đáng! Người bảo thời mình không đi buôn, người bảo cái áo không đúng. Mình thấy những cái đó chỉ tương đối thôi. Cái áo phông kẻ đó chả giống hệt phông cá sấu nam, bộ quần áo Quyên mặc chả đúng thời đó là gì? Còn bảo 100% như trí nhớ của một ai đó thì hơi khó! Tại sao cứ lấy mình ra làm chuẩn!? Lạ thế!
Khán giả Phùng Huyền Trần Vinh
Xem ra các bác chỉ muốn thấy hình ảnh ký ức của mình trong phim, thấy lại cái thời huy hoàng của Liên Xô và những điều tốt đẹp mà các bác nhận được khi sang Liên Xô. Còn hễ mà động vào những góc khuất của cuộc sống cộng đồng Việt, đưa hình ảnh của nước Nga thời hậu cải tổ và khủng hoảng thì các bác nhảy dựng lên là không giống, là tát vào mặt các bác. Các bác đi tìm ký ức của mình thì cũng phải cho thế hệ trẻ bọn cháu cũng được tìm ký ức của mình chứ. Nước Nga cuối những năm 80 đầu 90 có nhiều biến cố, cuộc sống có nhiều góc khuất nhưng nó cũng là ký ức của một thế hệ. Tại sao lại chỉ cho phép nhắc lại ký ức của các bác mà không cho nhắc đến ký ức của thế hệ sau vậy?
Khán giả Viet Nga Nguyen
Kịch bản của Tình khúc Bạch Dương dựa trên tiểu thuyết Tình khúc Lavanda do nhóm FKBN (nhóm của cựu sinh viên khoa Nga trên Facebook) viết. Trong nhóm viết kịch bản có nhà báo Kim Ngân, là cựu du học sinh Nga.
Ngoài ra, nhà sản xuất còn có một đội ngũ cố vấn về nước Nga thời kì này. Hiện tại bộ phim mới chỉ phát sóng tập đầu, còn nhiều thời gian để khán giả theo dõi và "nhặt sạn".
Tình khúc Bạch Dương (36 tập) đang phát sóng vào lúc 20h45 các ngày thứ năm, thứ sáu trên kênh VTV1.
Tuổi Trẻ Online đã từng trao đổi với đội ngũ viết kịch bản Tình khúc Bạch Dương. Một biên kịch cho biết họ đã phải nghiên cứu rất kĩ trước khi làm phim.
Nhóm biên kịch đã gặp rất nhiều người đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại nước Nga. Họ đã gặp những người có điều kiện kinh tế khá giả, cả thời thanh xuân chỉ tập trung cho việc học, nhưng cũng gặp những người có hoàn cảnh khó khăn thời sinh viên cúp học, đi buôn bán.
Với đạo cụ, họ cũng phải nghiên cứu kĩ thời đó người ta ăn mặc thế nào, đồ đạc ra sao, giá cả hàng hóa… Họ cũng phải để mắt tới từng khuôn hình để tránh những chi tiết của bối cảnh hiện đại lọt vào.
Trong quá trình làm êkíp gặp rất nhiều khó khăn, có những điều họ đã lường trước được nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện để khắc phục.
Vì lý do phải phục dựng nhiều bối cảnh quá khứ, trong điều kiện làm phim ở nước ngoài, nhà sản xuất đã chọn thành phố Krasnodar, nơi vẫn còn nhiều bối cảnh của thời Liên Xô.
Tuy nhiên, để có bối cảnh phong phú cho bộ phim, đoàn làm phim sẽ phải quay ở nhiều nơi khác nhau, nên họ cũng sẽ phải xóa nhòa nhiều địa danh trong phim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận