Phóng to |
Tổ ấm ấy của ông bà chỉ là chiếc chòi nát đến mức không thể nát hơn, chỉ rộng hơn 3m2 ở ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long, cũng là nơi ông bà bày bán rau củ mỗi ngày. Những người sống ở gần căn chòi tạm bợ của ông Búp và bà Dung bảo rằng trước nay, chưa một lần thấy ông bà to tiếng với nhau.
Ông Búp kể khi đi cắt lúa mướn ở huyện Châu Phú (An Giang), ông đã gặp và thương cảm người phụ nữ bệnh tật bị người thân ruồng bỏ, phải một mình ở trong căn chòi ngoài đồng hoang. Lúc đó ông biết bà bị bệnh không thể sinh nở, thế nhưng dù bị cha mẹ ông phản đối kịch liệt đám cưới vẫn diễn ra trong nước mắt của niềm hạnh phúc lẫn tủi hờn.
Thoáng chốc đã gần 30 năm, giờ ở tuổi già họ vẫn bên nhau không rời nửa bước. Họ bầu bạn với những chú chó nhỏ. Chúng cứ lớn rồi già và mất thì ông bà lại nuôi những chú chó khác. Ông thương nên gọi chú chó đang nuôi là thằng Phèn. “Đêm nào thằng Phèn cũng canh chiếc xe rau cho hai vợ chồng tui ngủ. Tụi tui có cháo thì nó cũng ăn cháo, khi nào có cơm, thằng Phèn cũng có phần cơm” - ông âu yếm vuốt ve con chó nhỏ.
Sức đã gần cạn nhưng mỗi ngày từ 3g sáng, cả hai lục tục gọi nhau thức giấc. Họ cùng sắp sửa rồi đẩy xe ra chợ cách chòi 3km mua rau củ quả về bán. Trời mưa gió, đường đi sình lầy, hai ông bà vẫn làm việc chăm chỉ. Vì không làm một ngày là đói. “Lời chỉ một, hai chục ngàn đồng bạc để sống qua ngày chứ đâu có dư mà dám nghỉ trốn nắng, tránh mưa” - bà Dung tâm sự.
Chuyện ăn uống thì ông bà chỉ qua loa. “Tụi tui chỉ ăn rau dưa đại khái nhưng khi tui bệnh ốm, bả mua mấy con cá về kho cho tui ăn. Bả kêu ăn cho khỏe để còn ở bên bả hoài chứ...” - ông Búp kể với nụ cười móm mém rồi nhìn vợ. Còn bà Dung bảo mỗi ngày ông Búp lụm khụm ra sông xách từng thùng nước nhỏ về cho vợ tắm giặt. “Ổng bảo ổng còn sức thì cứ xách nước về dùng cho tiết kiệm. Có lẽ ông muốn làm thế để thể hiện rằng ổng rất thương tui dù tui chẳng sinh cho ổng một mụn con nào” - bà Dung tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận