02/06/2017 18:46 GMT+7

​Tình bạn của Triều Tiên với thế giới ra sao?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Mỹ kêu gọi các nước cắt đứt hoặc tiết giảm quan hệ thương mại, ngoại giao với Triều Tiên. Nhưng quốc gia bị cô lập này vẫn còn nhiều mối quan hệ hơn những gì ta biết.

Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters
Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters

Úc đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức Triều Tiên, liên quan tới việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, theo trang News.com.au ngày 2-6.

Đó chắc chắn là thông tin Mỹ rất muốn nghe. Mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và CHDCND Triều Tiên đang căng thẳng hơn trong thời gian qua.

Washington không giấu ý định gây sức ép lên các nước khác nhằm cô lập Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, hồi đầu tháng 5, từng cảnh báo đầy chất đe dọa: “Bạn ủng hộ Triều Tiên hay là ủng hộ chúng tôi đây. Nếu bạn là quốc gia cung cấp hoặc ủng hộ Triều Tiên, chúng tôi sẽ kêu gọi bạn nên chấm dứt”.

Về phần Triều Tiên, dù là một trong những nước bí ẩn nhất thế giới, Bộ Ngoại giao nước này thường xuyên khẳng định vẫn nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, và cho rằng “cộng đồng quốc tế nên bác bỏ lập luận phi lý của Mỹ về việc bắt người khác làm theo ý mình”.

Hãng tin Bloomberg điểm lại về mối quan hệ giữa Triều Tiên và phần còn lại của thế giới ở các khía cạnh khác nhau, từ đó cho thấy hiện trạng "bị cô lập" của quốc gia này.

Thương mại

Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc siết chặt các biện pháp trừng phạt từ năm 2006, thời điểm Bình Nhưỡng có vụ thử hạt nhân lần đầu tiên. Điều này khiến thương mại của Triều Tiên gặp vô vàn khó khăn. Tuy vậy, mỗi năm Triều Tiên vẫn duy trì được mối hợp tác thương mại trị giá khoảng 6,6 tỉ USD với các nước. Có 90% số ấy liên quan tới Trung Quốc (6,1 tỉ USD) - đối tác lớn nhất và là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.

Ngoài ra, chính quyền ông Kim Jong Un cũng làm ăn với Ấn Độ (145 triệu USD), Philippines (89 triệu USD), Nga (84 triệu USD), cũng như Pakistan và một số đối tác tại Nam Mỹ.

Ngoại giao

Từ khi thành lập nước năm 1948, Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó Trung Quốc và Nga là hai nước thân cận nhất. Tất nhiên, Triều Tiên và Mỹ không có quan hệ ngoại giao.

Sứ quán

Triều Tiên duy trì đại sứ quán tại 47 quốc gia, và 24 trong số này cũng có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, theo Bloomberg. Đại sứ quán Thụy Điển đại diện cho cả Úc, Canada và Mỹ, phụ trách những công tác liên lạc, trao đổi khi cần thiết.

Lá cờ của Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Lá cờ của Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Hãng tin này cũng cho rằng nhiều đại sứ quán Triều Tiên bị nghi thực hiện nhiệm vụ kiếm tiền hợp pháp lẫn bất hợp pháp cho chính quyền ông Kim Jong Un, thông qua các dịch vụ nhà hàng, buôn bán vũ khí và cả ma túy! Tất nhiên những thông tin này ít bao giờ có chứng cứ cụ thể làm căn cứ.

Lao động xuất khẩu

Khoảng 60.000 người Triều Tiên đang làm việc ở 50 nước khác nhau, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Những người này được cho là đem về quê nhà số tiền 1,5 tỉ - 2,3 tỉ USD mỗi năm nhưng số ngoại tệ đó bị nhà nước giám sát và quản lý. Liên Hiệp Quốc ước tính 60 - 90% số tiền lương của lao động Triều Tiên ở nước ngoài được gửi về nước để đóng góp cho chính quyền.

Sơ đồ nhà hàng Triều Tiên tại một số quốc gia - Ảnh: East West Center
Sơ đồ nhà hàng Triều Tiên tại một số quốc gia - Ảnh: East West Center

Nhà hàng

Đây là lĩnh vực Bình Nhưỡng phát triển mạnh ở nước ngoài. Có khoảng 100 nhà hàng Triều Tiên rải rác ở châu Á, thậm chí tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), nhưng phần lớn nhà hàng đặt tại Trung Quốc. Cao điểm năm 2013, số nhà hàng ở nước ngoài của Triều Tiên là 130.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên